Lưu ý khi dùng trái cây

Chúng ta thường dùng trái cây ngay sau bữa ăn. Nhưng các nhà chuyên môn cho rằng dùng như thế là chưa hợp lý.

Theo lương y Quốc Trung, so với các loại thực phẩm khác (như: thịt, cá, ngũ cốc, trứng, sữa, rau xanh) thì trái cây chủ yếu cung cấp cho cơ thể vitamin, a xít hữu cơ, khoáng chất, đường fructoza và một số hoạt chất sinh học. Do vậy, ta cần lựa chọn thời điểm dùng trái cây thích hợp để phát huy tối đa tác dụng của trái cây.

                  
Chọn thời điểm dùng trái cây thích hợp để trợ tiêu hóa và tăng cường dinh dưỡng - Ảnh: Hạ Huy


Lương y Quốc Trung cho rằng nên dùng trái cây vào buổi sáng là tốt nhất vì bữa ăn sáng thường đơn giản, ít các món ăn. Ngoài ra, qua một đêm dạ dày hoàn toàn trống rỗng, do vậy vitamin trong trái cây càng phát huy được chức năng tiêu trừ những chất có hại cho cơ thể. Vitamin còn có tác dụng điều tiết và cải thiện lượng mỡ, lượng đường trong máu, nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể. Thông thường chúng ta hay dùng trái cây ngay sau bữa ăn, tuy nhiên điều này không tốt, vì nó không thể được tiêu hóa hết; các chất dinh dưỡng có thể không được hấp thụ tốt nhất. Nên dùng trái cây trước bữa ăn ít nhất khoảng 30 phút. Lý tưởng nhất, bạn nên ăn trái cây 1 giờ trước bữa ăn hoặc 2 giờ sau khi ăn.

Khi ăn trái cây nên ăn tươi, không nên trộn thêm đường hoặc nấu chín sẽ làm giảm tác dụng. Ngoài ra cần chú ý không nên ăn thường xuyên một loại trái cây nào đó, mà nên thay đổi luân phiên để được bổ sung các dưỡng chất có trong mỗi loại trái cây. Cũng cần lưu ý, trái cây có thể bảo quản trong tủ lạnh để dùng dần, tuy nhiên không nên lưu trữ quá 3 ngày mới ăn, vì nếu để lâu chất lượng và hương vị sẽ giảm đáng kể.

Thông tin ở trên là nói chung, còn trong thực tế có nhiều loại trái cây khác nhau, chúng có từng tính chất, thành phần khác nhau… Mỗi loại trái cây lại có những hoạt chất sinh học đặc biệt, như đu đủ có papain giúp chuyển hóa protein, thơm (dứa) có bromelanin giúp tiêu hóa thức ăn, chuối có nhiều kali, ma giê… Do vậy, không phải trái cây nào ăn vào buổi sáng cũng tốt. Ngoài ra còn có những bệnh lý như tiểu đường, bệnh tiêu hóa (dạ dày, đại tràng…), nếu ăn trái cây không đúng lúc sẽ làm tăng bệnh. Buổi sáng nên ăn táo, lê, nho thì thích hợp.

Một số loại trái cây không nên dùng trước bữa ăn, như cà chua bi, quýt, chuối, hồng. Quýt có chứa nhiều a xít hữu cơ, nếu ăn quýt trong lúc dạ dày trống rỗng sẽ dẫn đến tình trạng đầy hơi. Kali và ma giê có nhiều trong chuối, khi đói những chất này sẽ khiến lượng ma giê trong máu tăng cao và gây áp lực cho tim. Chúng ta sẽ khó tiêu hóa nếu ăn hồng trong lúc đói, nếu ngay sau đó lại ăn cơm rất có thể sẽ có cảm giác buồn nôn.

Dùng trái cây sau bữa ăn nên chọn các loại như: thơm, đu đủ, kiwi, quýt. Chất bromelain có trong thơm rất tốt cho tiêu hóa, giúp bổ sung enzyme tiêu hóa cho cơ thể. Thơm còn giúp dạ dày khỏe mạnh hơn. Trong đu đủ có các enzyme rất tốt cho dạ dày. Kiwi, quýt có chứa nhiều a xít hữu cơ làm tăng men tiêu hóa, đẩy mạnh việc phân hủy chất béo và trợ giúp các cơ quan tiêu hóa.