Thế giới cùng kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5 .
Hàng năm, đúng vào ngày 1/5, người lao động trên toàn thế giới lại cùng nhau nối vòng tay đoàn kết để kỷ niệm ngày hội của mình, ngày đánh dấu thắng lợi của phong trào công nhân quốc tế cũng như nêu cao quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ mới và phát huy nền tảng sức mạnh của giai cấp công nhân, đó là tính kỷ luật, vai trò tiên phong, tinh thần kiên quyết và thái độ cách mạng triệt để.
Lịch sử của Ngày Quốc tế Lao động
Trong cuộc đấu tranh giữa tư bản và lao động, vấn đề thời gian lao động có ý nghĩa quan trọng. Ngay sau khi thành lập Quốc tế I năm 1864, Karl Marx coi việc rút ngắn thời gian lao động là nhiệm vụ đấu tranh của giai cấp vô sản.
Tại Đại hội I Quốc tế I họp tại Geneva (Thụy Sĩ) tháng 9/1866, vấn đề đấu tranh cho ngày làm việc 8 giờ được coi là nhiệm vụ trước mắt. Khẩu hiệu ngày làm 8 giờ sớm xuất hiện trong một số nơi của nước Anh – nước có nền công nghiệp phát triển sớm nhất. Yêu sách này dần lan sang các nước khác.
Phong trào đòi làm việc 8 giờ phát triển mạnh ở nước Mỹ từ năm 1827 đi đôi với sự nảy nở và phát triển phong trào Công đoàn. Năm 1868, giới cầm quyền Mỹ buộc phải thông qua đạo luật ấn định ngày làm 8 giờ trong các cơ quan, xí nghiệp thuộc Chính phủ. Nhưng xí nghiệp tư nhân vẫn giữ ngày làm việc từ 11 đến 12 giờ.
Tháng 4/1884 tại thành phố công nghiệp lớn Chicago, Đại hội Liên đoàn lao động Mỹ thông qua Nghị quyết nêu rõ: từ ngày 1/5/1886 ngày lao động của tất cả công nhân sẽ là 8 giờ.
Ngày 1/5/1886, do yêu cầu không được đáp ứng một cách đầy đủ, giai cấp công nhân trên toàn nước Mỹ đã tham gia bãi công nhằm gây áp lực buộc giới chủ thực hiện yêu sách của mình. Đầu tiên là cuộc bãi công tại thành phố Chicago. Khoảng 40.000 người không đến nhà máy. Họ tổ chức mit-tinh, biểu tình trên đường phố với biểu ngữ: “Từ hôm nay không người thợ nào làm việc quá 8 giờ một ngày! Phải thực hiện 8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ vui chơi!”. Cuộc đấu tranh lôi cuốn ngày càng đông người tham gia. Cũng trong ngày hôm đó, tại các trung tâm công nghiệp khác trên nước Mỹ đã nổ ra 5.000 cuộc bãi công với 340.000 công nhân tham gia. Ở Washington, New York, Baltimore, Boston…, hơn 125.000 công nhân giành được quyền ngày chỉ làm 8 giờ.
Mặc dù cuộc bãi công ở Chicago bị trấn áp, nhưng khí phách anh hùng của công nhân và yêu cầu thiết thực của cuộc đấu tranh đã gây chấn động lớn trong giai cấp công nhân thế giới; công nhân nhiều nước đã đồng tình và hưởng ứng yêu sách của công nhân Chicago. Vì thế tại Đại hội thành lập Quốc tế II do Frederic Engels lãnh đạo họp ngày 14/7/1889, Đại biểu của giai cấp công nhân thông qua Nghị quyết lấy ngày 1/5 hàng năm làm ngày đoàn kết đấu tranh của giai cấp vô sản toàn thế giới.
Thực hiện Nghị quyết trên, năm 1890, lần đầu tiên, Ngày Quốc tế Lao động 1/5 được tổ chức trên quy mô thế giới.
Nga: Ngày Quốc tế Lao động được đặc biệt coi trọng
Từ khi thế giới định Ngày Quốc tế Lao động 1/5, nước Nga đã hết sức coi trọng ngày lễ đặc biệt này. Vào ngày 1/5, cả nước Nga được nghỉ làm và cùng nhau tham gia vào các hoạt động chúc mừng và diễu hành quần chúng được tổ chức sôi nổi và hoành tráng.
Trong thời kỳ trước đây, các hoạt động kỷ niệm này chủ yếu do Chính phủ tổ chức. Thành phần tham gia các đoàn diễu hành bao gồm đại biểu của các doanh nghiệp, các cơ quan đoàn thể.
Song cho tới hiện nay, ngoài các hoạt động do Chính phủ tổ chức, đại diện các tổ chức chính trị cũng tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động tại hầu hết các tỉnh, thành phố của Nga với sự tham gia của hàng trăm nghìn người. Các cuộc mít-tinh, tuần hành, hoạt động ca múa nhạc, thi đấu thể thao… cũng được tổ chức tại nhiều nước thuộc Liên Xô cũ và nhiều nước châu Âu khác. Nhân dịp này, các tổ chức có thể tự do thể hiện chính kiến của mình cũng như mở rộng ảnh hưởng của tổ chức.
Pháp: Ngày Quốc tế Lao động thường gắn liền với các sự kiện chính trị
Ngày 1/5/1891, một cuộc biểu tình lớn của công nhân đã xảy ra ở vùng Fourmies, miền Bắc nước Pháp. Để dẹp loạn, binh lính quốc gia đã xả súng và bắn chết 10 người, trong đó có một cô gái tên là Marie Blindeau mang trên mình bộ quần áo trắng tinh khiết. Để tưởng nhớ sự kiện này người Pháp đã lấy hoa Linh lan, một loài hoa nhỏ có màu trắng, hương thơm dịu nhẹ, nở vào ngày đầu tiên của tháng Năm làm biểu tượng, linh hồn của ngày 1/5. Hàng năm, cứ vào dịp này, người Pháp náo nức trang hoàng nhà cửa và tặng bạn bè một bó hoa Linh lan.
Năm nay, cũng như các năm 2002 và 2007, Ngày Quốc tế Lao động rơi vào đúng thời điểm giữa hai vòng bầu cử Tổng thống Pháp. Chính vì vậy, các hoạt động kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5/2012 cũng thấp thoáng màu sắc chính trị trước bầu cử. Theo kế hoạch, chiều 1/5, ứng cử viên Nicolas Sarkozy sẽ tổ chức một cuộc tập hợp riêng về vấn đề lao động, trong khi đó bà Marine Le Pen cũng sẽ có mặt tại một sự kiện quần chúng do Mặt trận Quốc gia tổ chức. Ứng cử viên François Hollande cũng sẽ có mặt tại một cuộc míttinh tưởng nhớ Pierre Beregovoy, cựu Thủ tướng của Đảng Xã hội đã tự sát vào ngày 1/5/1993.
Năm nay, các tổ chức nghiệp đoàn Pháp tổ chức gần 300 cuộc tuần hành trong cả nước. Nhiều lãnh đạo của Đảng Xã hội như Martine Aubry và Segolene, và chủ tịch Mặt trận Cánh tả (FG) Jean-Luc Melenchon cũng góp mặt tại các cuộc tuần hành do các nghiệp đoàn tổ chức tại thủ đô Paris.
Đức, Thái Lan và Peru: Cùng nghỉ 1 ngày để kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động
Cũng giống như phần đông các quốc gia trên thế giới, người Đức kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5. Vào ngày lễ này, tất cả công nhân, người lao động đều được nghỉ. Theo truyền thống, mọi người thường cài một bông hoa cẩm chướng đỏ trên ve áo. Thói quen này bắt nguồn từ sự kiện cuộc biểu tình ngày 1/5/1890, hôm đó những người tham gia đoàn diễu hành đã dùng hoa cẩm chướng đỏ làm dấu hiệu để nhận ra nhau.
Năm 1932, Thái Lan bắt đầu ban bố điều lệ lao động, định ngày 1/5 hàng năm là Ngày lễ Lao động quốc gia để khen thưởng cho những người lao động làm việc chăm chỉ. Vào ngày này, cả nước nghỉ làm. Tại thủ đô hoặc một số thành phố lớn sẽ tổ chức các hoạt động chúc mừng.
Giống với Thái Lan, Peru cũng định ngày 1/5 là ngày lao động, cả nước nghỉ 1 ngày.
Myanmar: Ngày Quốc tế Lao động với mục tiêu nâng cao tính dân chủ, bình đẳng và tự do
Hàng năm, Myanmar đều có những hoạt động sôi nổi và có ý nghĩa kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5.
Năm nay, điểm đáng chú ý trong các hoạt động kỷ niệm sự kiện có ý nghĩa này là bài phát biểu của Tổng thống Thein Sein, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc loại trừ tất cả hình thức cưỡng bức lao động mà mục tiêu cụ thể được đặt ra là vào năm 2015. Trong bối cảnh các nhà máy, khu công nghiệp, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như các doanh nghiệp địa phương đang tăng lên nhanh chóng, thị trường lao động có thể tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cũng như nâng cao trình độ của người lao động. Chính phủ Myanmar đang tập trung đảm bảo quyền lợi cho người lao động dựa trên công bằng xã hội, vì thế Chính phủ cho phép thành lập các tổ chức lao động độc lập nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động cũng như thúc đẩy quan hệ giữa những người lao động cũng như giữa người lao động và người sử dụng lao động.
Việt Nam: Ngày Quốc tế Lao động biểu hiện cho tình đoàn kết hữu nghị với giai cấp công nhân và nhân dân lao động thế giới
Ở Việt Nam, ngay từ khi Đảng Cộng sản ra đời năm 1930, giai cấp công nhân Việt Nam đã lấy ngày 1/5 hàng năm làm ngày đỉnh cao của phong trào đấu tranh chống thực dân-đế quốc, giành độc lập, tự do, dân chủ, giành những quyền lợi kinh tế-xã hội.
Trong thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám, việc kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5 phần nhiều phải tổ chức bí mật bằng hình thức treo cờ, rải truyền đơn. Năm 1936, do thắng lợi của Mặt trận bình dân Pháp và Mặt trận dân chủ Đông Dương, Ngày Quốc tế Lao động lần đầu tiên được tổ chức công khai tại Hà Nội, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Đặc biệt, ngày 1/5/1938, một cuộc biểu tình lớn gồm hàng chục ngàn người đã diễn ra ở khu Đấu xảo Hà Nội với sự tham gia của 25 ngành, giới: thợ hoả xa, thợ in, nông dân, phụ nữ, người cao tuổi, nhà văn, nhà báo… Đây là cuộc mít-tinh lớn nhất trong thời kỳ vận động dân chủ (1936 - 1939), một cuộc biểu dương sức mạnh đoàn kết của nhân dân lao động do Đảng lãnh đạo. Nó đánh dấu một bước trưởng thành vượt bậc về nghệ thuật tổ chức và lãnh đạo của Đảng ta.
Trong suốt những năm vừa qua, Ngày Quốc tế Lao động đã trở thành ngày hội lớn của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam. Đây cũng là ngày biểu thị tình đoàn kết hữu nghị với giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới, cùng đấu tranh cho thắng lợi của hòa bình, tự do, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Vào ngày 1/5 hàng năm, hầu hết các địa phương trong cả nước đều có những hoạt động sôi nổi để kỷ niệm ngày lễ trọng đại, có ý nghĩa to lớn đối với người lao động. Đặc biệt, năm nay là năm đầu tiên tháng 5 – “Tháng Công nhân” chính thức được công nhận theo Kết luận số 77-TB/TW ngày 24/02/2012 của Ban Bí thư. “Tháng Công nhân” 2012 tập trung chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, người lao động; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp trong quá trình xây dựng giai cấp công nhân… Lần đầu tiên được tổ chức, nhưng trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, hoạt động doanh nghiệp đình đốn, việc đề ra mục tiêu “Tháng Công nhân” thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với giai cấp công nhân./.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.