Quay cuồng rút – nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng

Hạn chót ngày xét tuyển đại học, cao đẳng (ĐH,CĐ) đợt 1 đang đến gần (20/8), cả nhà trường, phụ huynh và thí sinh đều quay cuồng trong việc rút – nộp hồ sơ xét tuyển. Nhiều người phải thốt lên: Xét tuyển ĐH năm nay như… chơi chứng khoán, lúc nào cũng ngồi bên máy tính canh, theo dõi thông tin, phân tích cục diện tình hình, nhưng rồi lại không biết chắc được điều gì!

Tâm trạng lo lắng, mệt mỏi là điều dễ bắt gặp trên khuôn mặt của nhiều thí sinh và phụ huynh những ngày này tại các điểm nộp và rút hồ sơ đăng ký xét tuyển (ĐKXT) vào các trường ĐH, CĐ.

Một thí sinh nộp hồ sơ vào Trường ĐH Kinh tế quốc dân chia sẻ, đêm nào em cũng phải thức rất khuya để cập nhật thông tin từ trường và bạn bè. Dù rất sốt ruột khi nhiều bạn bè đã nộp hồ sơ, nhưng em vẫn chưa dám đi nộp và thực sự lo lắng vì không biết nên nộp vào đâu. Nếu chỉ để đỗ ĐH thì có khá nhiều cơ hội cho em lựa chọn, nhưng thực sự em không biết sẽ làm gì với ngành học đó sau khi ra trường, trong khi trường em muốn vào thì lấy điểm khá cao. Do đó, cả nhà hơn 10 ngày nay mất ăn, mất ngủ để tìm thông tin.

 Các thí sinh làm thủ tục rút hồ sơ xét tuyển tại Trường ĐH Kinh tế quốc dân.
(Ảnh: VA)

Mặc dù lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã nhiều lần lên tiếng trấn an các thí sinh rằng, những năm trước, thí sinh nộp hồ sơ trước, sau đó mới thi. Việc nộp hồ sơ khi chưa biết kết quả, chưa biết tương quan về điểm dẫn đến cảm tính, nhiều thí sinh điểm cao vẫn trượt ĐH.Nhưng năm nay thí sinh nộp hồ sơ sau khi đã biết kết quả thi THPT quốc gia. Bộ GD&ĐT cũng đã công bố đầy đủ tổ hợp các môn xét tuyển để thí sinh tự cân nhắc, lượng sức đăng ký; đồng thời cho phép thí sinh được thay đổi nguyện vọng. Điều này tránh hiện tượng thí sinh điểm cao vẫn trượt ĐH, trong khi điểm thấp lại đỗ và các trường cũng chọn được thí sinh giỏi nhất. Có thể nói, Bộ đã tạo cơ hội cho thí sinh tự cân nhắc tương lai của mình dựa trên các thông số rõ ràng nhất có thể.

“Các thí sinh có thể không sử dụng các cơ hội hỗ trợ nói trên, chỉ đăng ký xét tuyển vào một trường và chờ công bố kết quả như những năm trước. Việc này là quyền lựa chọn của thí sinh. Bộ khuyến khích thí sinh cân nhắc thông tin, tận dụng cơ hội để có quyết định phù hợp với nguyện vọng, đam mê của mình” – Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận chia sẻ tại một cuộc giao lưu trực tuyến.

Nói là vậy, nhưng cả phụ huynh và học sinh làm sao có thể yên tâm được “số phận” đỗ – trượt của mình, khi bản thân không có quyền tự quyết. Lên Hà Nội sớm, hai bố con anh Nguyễn Đức Long (Nam Định) đứng bàn luận rất lâu trước điểm nộp hồ sơ xét tuyển của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân mà chưa thể đưa ra quyết định sẽ nộp hồ sơ vào ngành nào. Với số điểm 24,75, con gái anh Long là Nguyễn Hồng Ngọc vẫn không thể yên tâm nộp nguyện vọng vào ngành mình yêu thích.

Hồng Ngọc chia sẻ: “Với số điểm này, mọi năm em có thể yên tâm vào ngành cao nhất của Trường ĐH Kinh tế quốc dân, nhưng năm nay không thể nói trước được điều gì. Cách xét tuyển mới thực sự mang đến rất nhiều cơ hội cho thí sinh, nhưng “khó người khó ta, dễ người dễ ta”, chúng em như đang lạc vào ma trận trong vấn đề chọn trường, chọn ngành”.

Giờ đây, trừ những thí sinh có điểm cao chót vót sẽ được tùy thích lựa chọn trường, ngành học mình yêu thích, đam mê, còn lại phần lớn đang đau đầu cố làm sao để “chen chân” vào được một trường đại học phù hợp nhất với lượng điểm có được, dù đó có thể là trường hay ngành học không biết ra trường có xin được việc hay không? Miễn là đỗ còn lại mọi chuyện tính sau!

Áp lực cũng dồn lên các trường ĐH. Theo PGS Lê Hữu Lập – người phát ngôn của Học viện Bưu chính viễn thông: Đến thời điểm này, nhà trường nhận được khoảng 3.500 hồ sơ, trong khi tổng chỉ tiêu là 2.550. Có thời điểm thí sinh nộp hồ sơ và rút hồ sơ ngang nhau. Chúng tôi rất khó để dự kiến điểm chuẩn của từng ngành. Bởi những ngày cuối thí sinh nộp hồ sơ ào ào và cũng không ngoại trừ khả năng rút nhiều.

“Sở dĩ nhiều trường xảy ra trường hợp thí sinh rút hồ sơ nhiều là bởi không tiên lượng trước được việc nhà trường thông báo khởi điểm nhận hồ sơ là 15 nhưng điểm trúng tuyển phải cao hơn từ 3, thậm chí đến 6 điểm. Hơn nữa, cũng chủ quan không xem điểm trúng tuyển những năm gần đây của ngành mình đăng ký như thế nào, chỉ tiêu của ngành đó bao nhiêu rồi phân tích để quyết định nộp hồ sơ” – PGS Lê Hữu Lập lý giải.

Một nhân viên tư vấn Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết, có những ngành sau 6 ngày điểm đã tăng từ 17,5 lên 23-24 điểm. Những ngày cuối thật khó nói chắc điều gì, kể cả thí sinh cao điểm hiện nay, bởi có thể những thí sinh trượt ĐH Ngoại thương sẽ chuyển hướng nộp hồ sơ sang đây.

Một chuyên gia giáo dục nhận định, sở dĩ có tình trạng nháo nhào rút – nộp hồ sơ xét tuyển là do Bộ GD&ĐT không lường hết số lượng ảo khi nộp hồ sơ xét tuyển. Thay vì mỗi hồ sơ ĐKXT chỉ được chọn 1 ngành thì Bộ lại cho phép mỗi thí sinh được chọn tối đa 4 ngành, dẫn đến lượng ảo rất lớn. Thêm nữa, nhiều trường cũng chưa làm hết trách nhiệm khi thống kê không rõ ràng, không có bộ sàng lọc số lượng ảo, thông tin xét tuyển thực hiện chưa tốt. Trong khi đó, phụ huynh, thí sinh cũng mất bình tĩnh, nóng vội khi rút hồ sơ mà chưa tìm hiểu kỹ thông tin. Điều này cũng dễ hiểu vì áp lực của thí sinh giờ đây là rất lớn, bởi các trường dành đến 70% chỉ tiêu tuyển sinh cho đợt này, nên hầu hết các em phải tính toán để làm sao có thể trúng tuyển ngay nguyện vọng 1.

Như vậy, cuộc đua vào các trường ĐH càng về cuối sẽ càng cam go, các thí sinh phải tỉnh táo để có thể lựa chọn cho mình trường thích hợp với năng lực. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khuyên: Thí sinh phải tự tìm hiểu và cập nhật thông tin từ các trường nên vất vả hơn nhưng ít rủi ro, cơ hội trúng tuyển cao hơn, tránh trường hợp điểm cao mà trượt ĐH. Qua việc này cũng giúp các em nâng cao tính chủ động và chịu trách nhiệm trước quyết định của mình, làm cho các em trưởng thành hơn.

Đánh giá công tác xét tuyển ĐH, CĐ năm nay thành công hay không có lẽ nên đợi sau khi các trường công bố chính thức điểm chuẩn mới có được câu trả lời chính xác./.

Nguồn ĐCSVN