“Tiếng trống Chèo”: Người trẻ bảo tồn văn hóa truyền thống

Một chuỗi các đêm diễn mang tên “Tiếng trống Chèo” 2015 với nhiều trích đoạn xuất sắc trong các vở chèo cổ kinh điển sẽ được biểu diễn ngay trên chính các sân đình giữa lòng Thủ đô trong tháng 9. Đây là nỗ lực tìm về văn hóa dân tộc truyền thống của những bạn trẻ Hà Nội trong dự án truyền thông văn hóa “Tôi xê dịch” và Nhà hát Chèo Việt Nam.

Bức tranh “Chèo sân đình” của họa sĩ trẻ JeetzDung

Với mong muốn tạo ra những chương trình tìm hiểu văn hóa chất lượng dành cho người trẻ, giúp khán giả tìm lại được “vẹn nguyên” một chiếu chèo sân đình giữa lòng Thủ đô, “Tôi xê dịch” và Nhà hát Chèo Việt Nam sẽ tổ chức ba đêm diễn các trích đoạn chèo nổi tiếng tại Đình Kim Liên (5/9), Đình Đông Các (12/9), Đình Hào Nam (19/9) theo mô hình sân khấu, đạo cụ, hóa trang chân thật nhất của loại hình “Chèo sân đình”.

Theo đó, sân khấu và khán đài của “Tiếng trống Chèo” 2015 được xây dựng theo hướng tuân thủ nguyên tác sắp đặt của Chèo sân đình: Sân khấu là một chiếc chiếu làm không gian diễn tấu của ‘nhà nghề’, phường bát âm ngồi chéo hai bên, khán giả đến với chương trình quây quần xung quanh…

Với cách sắp đặt sân khấu dạng “mở”như vậy, Ban Tổ chức mong muốn đem lại cho khán giả cảm giác thân thiết, gần gũi – dễ dàng “nhập cảnh” vào vở diễn và đặc biệt là được sống lại không khí ‘ra đình xem hội’.

Mỗi đêm diễn “Tiếng trống Chèo” 2015 gồm 3 phần chính: Giới thiệu Làng Chèo – Thử sắm vai – và các Trích đoạn.

Phần “Giới thiệu Làng Chèo” mang đến cho khán giả những hiểu biết cơ bản về 5 tuyến nhân vật điển hình trong Chèo: Đào – Kép – Lão – Mụ và Hề qua bộ tranh minh họa cùng bức tranh toàn cảnh Chèo sân đình của họa sĩ trẻ JeetzDung. Đặc biệt, khán giả sẽ được gặp cả “làng chèo” qua màn chào khán giả của những nhân vật kinh điển: Thị Mầu, Xúy Vân, Tiểu Kính Tâm, Mãng Ông, Mụ Sùng, Mụ Kim, Lưu Bình, Dương Lễ… xuất hiện trong cùng một tiết mục.

Trong phần “Thử sắm vai”, khán giả sẽ được trực tiếp thử nhập vai nhân vật mà mình yêu thích, từ đó cảm thụ về ý nghĩa của vở diễn, nhân vật cũng như những nghệ thuật biểu diễn của Chèo.

Phần cuối cùng của mỗi đêm diễn sẽ là các trích đoạn Chèo cổ nổi tiếng do các diễn viên Chèo chuyên nghiệp biểu diễn.

Chia sẻ về ý tưởng thực hiện chương trình này, Nguyễn Thị Thu Hà (sinh năm 1991), người sáng lập Dự án “Tôi xê dịch”, cho biết: “Tôi xê dịch mượn vẻ đẹp của chèo sân đình nguyên bản, thổi vào sự nhiệt huyết của những người trẻ yêu văn hóa hôm nay để mong có thể góp phần bảo tồn và giữ gìn chèo cổ cũng như kết nối cảm xúc văn hóa của các thế hệ người Việt lại gần nhau hơn nữa”.

Nguồn Chính phủ