Khánh thành Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích K9 – Đá Chông
Chiều 2-9, Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức khánh thành Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương, dâng hoa lên Bác tại Khu di tích K9 – Đá Chông, huyện Ba Vì, Hà Nội.
Tham dự buổi lễ có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ; Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội; Lê Thanh Hải, Bí thư Thành uỷ TP Hồ Chí Minh; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng; lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương, địa phương, tướng lĩnh, sĩ quan quân đội, công an, các chuyên gia y tế LB Nga và đông đảo nhân dân.
Các đại biểu cắt băng khánh thành (Ảnh: Duy Linh).
Công trình được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống, một tầng, hai mái (hạ và thượng). Giáo sư, tiến sĩ, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính, người thiết kế kiến trúc Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, cho biết: “Khu Nhà tưởng niệm được thiết kế hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, lấy cảm hứng chính từ hoa sen và mây, rất giản dị mà cao quý đúng như con người Bác”.
Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những cố gắng của Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, các kiến trúc sư, đơn vị thi công và nhà hảo tâm đã hoàn thành công trình đúng tiến độ, với chất lượng, thẩm mỹ cao.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ôn lại: Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời ngày 2-9-1969, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng đã chọn K9 – nơi gắn liền những năm tháng cuối đời của Bác để giữ gìn thi hài của Người. Trong những năm kháng chiến ác liệt và trong những năm thiên tai lũ lụt đe dọa, nhưng K9 vẫn là nơi giữ gìn an toàn tuyệt đối thi hài Bác.
Trong thời gian đó, nhiều đoàn của Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương, Trung ương Cục miền Nam đã đến K9 viếng Bác, báo cáo với Bác quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta tiến hành công cuộc “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” như lời Bác dạy. Với sự kiện lịch sử như vậy, Khu di tích K9 đã trở thành địa danh đặc biệt gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh kể cả khi người còn sống và qua đời.
Để phát huy giá trị của Khu di tích trong giai đoạn mới, Ban Bí thư Trung ương Đảng đồng ý cho xây dựng Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đây. Việc khánh thành Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh hôm nay là một sự kiện đặc biệt, nhất là vào dịp kỉ niệm 70 năm Quốc khánh và 46 năm kể từ ngày Người mãi mãi ra đi.
Đây là công trình mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa và chính trị to lớn, là nơi để đồng bào, đồng chí, khách quốc tế đến thăm quan, tưởng niệm, góp phần quan trọng vào việc giữ gìn truyền bá nâng cao giá trị đạo đức, phát triển nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tập trung triển khai tốt công tác bảo đảm an ninh, an toàn, tổ chức chu đáo việc đón tiếp nhân dân, khách thăm quan Khu di tích K9 và đề nghị TP Hà Nội thường xuyên phối hợp, bảo vệ giữ gìn, tôn tạo Khu di tích K9.
Năm 1957, trong một lần tham quan cuộc diễn tập của Sư đoàn 316 bên sông Đà, Bác Hồ đã dừng chân ngồi nghỉ ăn cơm trưa trên đỉnh đồi thông nơi đây. Thấy khí hậu mát mẻ, phong cảnh đẹp, non nước hữu tình, địa thế lại hiểm trở, có thể sang Phú Thọ, ngược lên Việt Bắc, có thể xuôi theo dòng sông Đà xuống đồng bằng Bắc Bộ… Người đã chọn vị trí này làm khu căn cứ của Trung ương phòng khi chiến tranh ác liệt có thể mở rộng ra miền bắc.
Sau chuyến đi ấy của Bác, Tổng cục Hậu cần đã cho xây một số ngôi nhà cấp 4 và năm 1960, tiếp tục dựng một ngôi nhà sàn làm nơi hội họp, nghỉ ngơi của Bác và Bộ Chính trị khi cần thiết. Bộ đội công binh cũng xây dựng một số công sự kiên cố đặt mật danh là K9. Từ đó, nhắc tới Đá Chông là người ta nghĩ tới K9 và K9-Đá Chông đã trở thành mảnh đất thiêng liêng gắn liền với cuộc đời của Bác.
Sau ngày Bác mất, đề phòng chiến tranh có thể xảy ra ác liệt trên phạm vi cả nước, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã quyết định đưa thi hài Bác về Khu K9 để gìn giữ. Nơi đây vừa yên tĩnh lại bí mật và xa Hà Nội. Từ đó K9 trở nên thiêng liêng hơn không chỉ với những người lúc đó được phép biết việc giữ gìn, bảo vệ thi hài Bác đặt ở nơi đây mà dường như còn thiêng liêng hơn với Đảng bộ và bà con các dân tộc khu Đá Chông, Ba Vì. Họ đã vinh dự được thay mặt đồng bào và chiến sĩ cả nước trông nom, gìn giữ và bảo vệ an toàn tuyệt đối thi hài Bác từ cuối năm 1969 cho tới ngày đất nước hòa bình, thống nhất, sau đó đưa Bác trở về Thủ đô, khi công trình Lăng của Người được xây dựng xong.
Nguồn Nhân dân
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.