Trên 22 triệu học sinh – sinh viên khai giảng năm học mới
Hôm nay, 5-9, trên 22 triệu HS-SV cả nước tham gia lễ khai giảng năm học mới 2015-2016. Sau rất nhiều năm có sự linh động về thời gian khai giảng, theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, năm nay Bộ GD-ĐT chỉ thị cả nước đồng loạt khai giảng năm học mới vào sáng 5-9, lễ khai giảng cũng phải gọn nhẹ, vì học sinh.
Học sinh Trường THCS Trần Phú quận 10, TPHCM đón năm học mới 2015 – 2016 (ảnh: MAI HẢI)
Đẩy nhanh tiến độ Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông
Bộ GD-ĐT dự báo quy mô HS-SV năm học mới 2015-2016 gồm: mầm non 4.530.000 trẻ; tiểu học 7.600.000; THCS 5.150.000; THPT 2.450.000; TCCN 340.000; ĐH-CĐ 2.230.000. Tổng cộng số HS-SV cả nước trong năm học mới khoảng 22,3 triệu. Tổng số giáo viên, giảng viên cả nước là khoảng 1,24 triệu.
Dự kiến quy mô trường, lớp, học sinh năm học 2015 – 2016 tại TPHCM
Về nhiệm vụ trọng tâm năm học 2015-2016, toàn ngành giáo dục sẽ tập trung vào các nhóm nhiệm vụ trọng tâm nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Đáng chú ý, về nhiệm vụ của giáo dục phổ thông, Bộ GD-ĐT nêu rõ, sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, trong năm học mới, toàn ngành giáo dục sẽ tập trung đổi mới quản lý, đổi mới từng phần chương trình giáo dục phổ thông, tiến tới triển khai đại trà từ năm 2018. “Chương trình giáo dục phổ thông mới không phải đến năm 2018 mới triển khai mà ngay từ bây giờ, những gì đã đúng sẽ đưa vào dạy, vừa làm vừa rút kinh nghiệm và hoàn thiện. Năm 2018 triển khai đồng loạt”, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh. Ngay trong năm học này, Bộ GD-ĐT chỉ đạo tiếp tục giảm tải cho học sinh phổ thông theo hướng tinh giản, loại bỏ những phần trùng lặp, xa rời thực tế và không phù hợp với trình độ, tâm sinh lý lứa tuổi học sinh.
Cùng với đó, năm học 2015-2016, ngành giáo dục sẽ đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy học đồng bộ với đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và rèn luyện theo hướng phát triển năng lực học sinh. Tiếp tục chỉ đạo đổi mới về kiểm tra, đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT (bỏ chấm điểm, thay bằng nhận xét). Rút kinh nghiệm công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, chuẩn bị tốt cho việc triển khai kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 và những năm tiếp theo.
“Chúng tôi sẽ giữ lại những ưu điểm, loại bỏ những hạn chế của kỳ thi THPT quốc gia cũng như xét tuyển ĐH-CĐ năm 2015 để làm sao cho kỳ thi năm 2016 tiếp tục giảm bớt khó khăn cho học sinh. Những hạn chế nảy sinh trong công tác chuẩn bị, tổ chức coi thi, chấm thi, công bố và sử dụng kết quả thi… sẽ được xem xét điều chỉnh để các khâu của quá trình tổ chức thi được hoàn thiện. Cùng với đó, thời gian thi cũng sẽ được bàn bạc để điều chỉnh cho phù hợp từ năm 2016 và những năm tiếp theo”, ông Nguyễn Vinh Hiển cho biết.
Về công tác đổi mới cơ chế tài chính giáo dục và tăng nguồn lực đầu tư, năm học mới này sẽ tập trung, ưu tiên các nguồn lực để hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; thực hiện Đề án hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2020; xây dựng Đề án phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2016-2025. Rà soát, hoàn thiện chính sách hỗ trợ về giáo dục và đào tạo cho các địa bàn vùng khó khăn và đối tượng chính sách, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện chương trình tín dụng cho HS-SV có hoàn cảnh khó khăn…
Không tổ chức thi học sinh giỏi tiểu học
Ở bậc tiểu học, Bộ GD-ĐT nêu rõ, năm học 2015-2016 tiếp tục dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng và định hướng phát triển năng lực học sinh. Triển khai hiệu quả mô hình trường tiểu học mới, mở rộng áp dụng tại các trường có điều kiện; đổi mới phương pháp dạy, phương pháp học và thực hiện tốt Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT về đánh giá học sinh tiểu học.
Đối với trường, lớp tiểu học dạy học 2 buổi/ngày (bán trú), Bộ GD-ĐT quy định thời lượng tối đa 7 tiết/ngày, bảo đảm học sinh được tự học có sự hướng dẫn của giáo viên để hoàn thành nội dung học tập tại lớp; nghiêm cấm giao bài tập về nhà cho học sinh. Khuyến khích tổ chức bán trú cho học sinh một cách linh hoạt, đa dạng hoạt động bán trú, có thể tổ chức các hoạt động như xem phim, xem ti vi, đọc sách, tham gia các trò chơi dân gian… trong thời gian nghỉ trưa giữa 2 buổi học. Động viên phụ huynh, cộng đồng đầu tư, đóng góp để thực hiện giáo dục toàn diện cho học sinh trong hoạt động tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Với những lớp có sĩ số đông, nhà trường tham mưu với chính quyền để có thêm giáo viên hỗ trợ, trợ giảng.
|
PHAN THẢO
TPHCM: Đảm bảo 100% trẻ trong độ tuổi đi học ra lớp
Tại TPHCM, mặc dù dự báo năm học 2015 – 2016, số học sinh tăng nhiều song toàn ngành vẫn đảm bảo huy động 100% trẻ trong độ tuổi đi học ra lớp, đảm bảo duy trì công tác phổ cập giáo dục. Sở GD-ĐT TPHCM xác định chủ đề năm học mới là “Tập trung xây dựng và nhân rộng trường học tiên tiến, hiện đại; gắn giáo dục tri thức, đạo đức với giáo dục truyền thống văn hóa, đào tạo nghề nghiệp, giáo dục thể chất; rèn luyện con người về lý tưởng, phẩm chất, nhân cách, lối sống và tay nghề”.
Dự kiến sĩ số bình quân/lớp năm học 2015 – 2016 (công lập) tại TPHCM)
Nguồn SGGP
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.