Tăng độ tuổi để bảo đảm tốt hơn quyền lợi của trẻ em
Sau 10 năm thực hiện, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em 2004 đã bộc lộ một số bất cập cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với bối cảnh mới. Dự thảo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) đang được trình Quốc hội xin ý kiến với những điểm mới, trong đó việc đề xuất tăng độ tuổi trẻ em từ dưới 16 lên dưới 18 tuổi đang là vấn đề được nhiều người quan tâm và gây nhiều tranh luận…
Theo Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi), việc quy định trẻ em là công dân Việt Nam dưới 16 tuổi của Luật năm 2004 chưa thật sự tương thích với Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em (CRC). Hiện nay, điều kiện kinh tế – xã hội Việt Nam đã phát triển ở mức nhất định, có khả năng áp dụng các quy định về quyền trẻ em đối với nhóm người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, song lại không có cơ sở pháp lý để triển khai. Hiến pháp năm 2013 ghi nhận quyền con người, quyền công dân, trong khi Luật năm 2004 chỉ quy định trẻ em là công dân Việt Nam dưới 16 tuổi. Do đó không có cơ sở pháp lý để bảo đảm các quyền trẻ em đồng thời là quyền con người đối với trẻ em là người nước ngoài cư trú tại Việt Nam, đặc biệt trẻ em không quốc tịch cư trú tại Việt Nam.
Việc mở rộng khái niệm trẻ em cả về độ tuổi và phạm vi, cụ thể là Điều 1 dự thảo Luật quy định trẻ em là người dưới 18 tuổi mà không giới hạn là công dân Việt Nam dưới 16 tuổi. Quy định này bảo đảm phù hợp hơn với Công ước CRC, phù hợp với quy định về quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp năm 2013. Theo đó, ngoài việc bảo đảm quyền của trẻ em là công dân Việt Nam, Việt Nam ghi nhận các quyền trẻ em đồng thời là quyền con người của mọi trẻ em, không phân biệt quốc tịch đang cư trú tại Việt Nam. Việc nâng độ tuổi của trẻ em sẽ mở rộng phạm vi áp dụng quyền trẻ em đối với người chưa thành niên trong độ tuổi từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, tạo điều kiện cho người chưa thành niên ở độ tuổi này có cơ hội được chăm sóc, bảo vệ. Luật này sẽ áp dụng đối với mọi trẻ em, trong đó gồm trẻ em là công dân Việt Nam, trẻ em là người nước ngoài cư trú tại Việt Nam, trẻ em là người không quốc tịch cư trú tại Việt Nam để bảo đảm quyền của các em.
Theo nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc về luật trẻ em của 66 quốc gia thành viên Công ước CRC cho thấy, hiện có 10 quốc gia quy định độ tuổi trẻ em khác với Công ước CRC (trong đó có hai quốc gia quy định độ tuổi 21, tám quốc gia quy định tuổi trẻ em thấp hơn tuổi quy định của Công ước về quyền trẻ em). Ở châu Á, chỉ có Việt Nam, Mi-an-ma, Xin-ga-po quy định tuổi của trẻ em thấp hơn 18, mặc dù pháp luật Việt Nam hiện vẫn quy định độ tuổi thành niên là người từ đủ 18 tuổi trở lên. Hiện, Mi-an-ma đang sửa đổi Luật Trẻ em theo hướng nâng độ tuổi trẻ em lên 18 tuổi. Điều này cho thấy, xu hướng hội nhập về độ tuổi trẻ em đang diễn ra rất nhanh, vì vậy Việt Nam cũng cần nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp.
Hiện nay, pháp luật Việt Nam quy định tuổi thành niên là 18 tuổi, người dưới 18 tuổi là người chưa thành niên. Các văn bản quy phạm pháp luật đều có các quy định riêng về độ tuổi của đối tượng điều chỉnh của lĩnh vực pháp luật tương ứng, thí dụ tuổi chịu trách nhiệm hình sự (Bộ luật Hình sự), tuổi bị xử lý vi phạm hành chính (Luật Xử lý vi phạm hành chính), tuổi lao động (Bộ luật Lao động)… Song xuất phát từ đặc thù về tâm, sinh lý của người dưới 18 tuổi, tất cả các văn bản quy phạm pháp luật này đều có phần, chương hoặc mục riêng quy định các nội dung đặc thù đối với người chưa thành niên hay người dưới 18 tuổi. Như trong lĩnh vực lao động, Bộ luật Lao động dùng khái niệm người chưa thành niên để chỉ những người lao động dưới 18 tuổi trong khi Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em lại sử dụng khái niệm “lao động trẻ em”. Với sự “vênh” về các chính sách pháp luật, người từ 16 đến dưới 18 tuổi không phải là trẻ em để được hưởng các quyền và sự bảo vệ đặc biệt theo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, nhưng cũng không được coi là một người trưởng thành đầy đủ để có khả năng tham gia vào tất cả các quyền và trách nhiệm của một công dân trưởng thành theo Hiến pháp và các luật dân sự, hình sự, lao động…
Tuy nhiên, việc nâng tuổi trẻ em từ 16 lên 18 tuổi sẽ là một chủ trương tác động nhiều mặt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan liên quan cùng nhiều chuyên gia cũng đang có nhiều ý kiến tranh luận và thảo luận về vấn đề này. Nhiều ý kiến cho rằng, việc nâng tuổi sẽ phải sửa đổi chính sách, đạo luật liên quan, đặc biệt là các thể chế chính sách về quyền lợi và nghĩa vụ đối với trẻ em, trách nhiệm xã hội với trẻ em, những tác động tới nguồn lực lao động trong xã hội, thậm chí không ít ý kiến lo ngại việc nâng tuổi sẽ làm tăng tình trạng trẻ em phạm tội… Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, về mặt khoa học, người từ 16 đến dưới 18 tuổi là người chưa thành niên, chưa phát triển đầy đủ về sức khỏe và nhận thức, chưa đủ các điều kiện cần thiết để trở thành người lớn, chưa hoàn thiện về thể chất và tinh thần, đặc biệt về nhận thức xã hội, về trình độ nhận thức, về ý thức,… Vì vậy, người trong độ tuổi từ 16 đến dưới 18 tuổi chưa được coi là người trưởng thành, cần phải được quan tâm đặc biệt từ phía nhà nước, xã hội, cộng đồng và gia đình để các em phát triển lành mạnh, không bị bỏ rơi, xao nhãng và sa vào các hành vi lệch lạc, thậm chí nghiêm trọng hơn là vi phạm pháp luật.
Về những vấn đề phát sinh khi độ tuổi trẻ em được nâng lên, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Trần Thị Thanh Thanh cho rằng, trong thực tế các luật của Việt Nam đều đã quy định rõ, như trong Bộ luật Lao động cho phép 15 tuổi có thể làm được nghề gì, 16 tuổi làm nghề gì và dưới 18 tuổi có thể làm nghề gì. Nên không sợ là nếu chúng ta nâng độ tuổi lên thì việc vi phạm Bộ luật Lao động nhiều hơn. Hay đối với Bộ luật Hình sự thì hiện nay chúng ta đã có quy định chưa thành niên, dưới 16 tuổi thì chịu trách nhiệm đến đâu, trên 14 tuổi chịu trách nhiệm mức nào và 16, 18 tuổi chịu trách nhiệm mức nào. Việc nâng tuổi lên thì khung chịu trách nhiệm hình sự không thay đổi đối với đối tượng… Hiện nay các nước đang phát triển cũng vẫn đồng tình nâng tuổi lên 18, bởi thực tế đây là tuổi pháp lý chứ không phải là tuổi về mặt xã hội. Nếu dưới 18 tuổi là chưa trưởng thành mà mình bắt trẻ em chịu trách nhiệm quá với quy trình, thể chất, tâm sinh lý, độ trưởng thành của các em thì đó là điều không khoa học.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến đầu năm 2015, Việt Nam có 30.384.585 người trong độ tuổi từ 0 đến 18 tuổi, chiếm 34% tổng dân số, trong đó số người trong độ tuổi từ 0 đến 16 là 26.000.113, chiếm 29,06%; người trong độ tuổi từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là 4.384.472, chiếm 4,9% dân số. Có thể thấy, so với nhóm trẻ em dưới 16 tuổi, nhóm trong độ tuổi 16 đến dưới 18 hiện nay không tiếp cận đầy đủ các chính sách quan tâm, chăm sóc đặc biệt từ phía nhà nước, cộng đồng, nhà trường và gia đình. Vì vậy, việc điều chỉnh độ tuổi trẻ em lên dưới 18 tuổi là cần thiết, vừa bảo đảm tuân thủ Công ước CRC, vừa tương thích với quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam về độ tuổi trưởng thành đầy đủ, đồng thời giúp lứa tuổi này được bảo đảm các quyền lợi nhiều hơn từ chính sách an sinh – xã hội liên quan đến trẻ em.
Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, mỗi năm toàn quốc có khoảng 13 đến 16 nghìn người chưa thành niên có liên quan đến pháp luật với tư cách là người vi phạm pháp luật, người bị hại hoặc người làm chứng. Số người chưa thành niên vi phạm pháp luật thuộc nhóm tuổi từ 16 đến dưới 18 chiếm khoảng 60 đến 70% trong tổng số người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Số liệu thống kê của Tòa án nhân dân tối cao cho thấy số bị cáo chưa thành niên ở nhóm tuổi này chiếm đến 80% số người chưa thành niên bị đưa ra xét xử sơ thẩm. |
Nguồn Nhân dân
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.