Ốc bướm hấp sả

       Ốc bướm là một trong những loại ốc có thịt rất ngon. Ốc bướm sống chủ yếu trong các gành đá ở biển, nhiều nhất là vùng biển miền Trung.

Con ốc to nhất có thể bằng nắm tay của người lớn. Tuy nhiên, loại ốc ăn ngon phải là cỡ trung bình bằng ngón chân cái. Một kg ốc cỡ này độ được vài chục con, thịt chắc, dai và ngọt hơn ốc lớn hoặc ốc nhỏ.

                    

Ốc bướm có thân bầu dục, nơi con ốc thông với bên ngoài là một đường rãnh dài có hình răng cưa. Vỏ ốc có nhiều hoa văn sạch đẹp với màu sáng bóng. Thường ốc được chế biến thành món ngon bằng cách hấp hoặc nướng. Người ta chuộng hấp hơn nướng.

Trước khi hấp, ốc được ngâm nước, rửa sạch rồi cho vào nồi kèm theo gia vị các loại, củ và lá sả là phụ gia cần thiết không bao giờ thiếu. Ốc được hấp bằng hơi trong nồi kín, độ mười lăm phút, các con ốc tự ra nước làm cho gia vị thấm đều trong từng thớ thịt. Khi ốc chín, vớt ra đĩa hoặc tô, nhìn con nào con nấy bóng nhẫy, hơi bốc lên với mùi thơm của thịt ốc, của sả tươi, của gia vị dậy ngát mũi. Nghe mùi này, chắc chắn dạ dày sẽ… nôn nao cồn cào.

Để ăn được ốc bướm hấp, chúng ta cũng phải thực hiện bằng một thao tác khá lạ. Không dùng que khêu, cũng không dùng kềm để bóp, để đập mà có một cách rất riêng. Đó là ta cầm hai con ốc ở hai tay rồi gõ nhẹ phần lưng hai con ốc này vào nhau thì nó sẽ vỡ ra tự nhiên. Ốc vỡ, để lộ phần thịt trắng hồng nõn nà hấp dẫn. Chỉ thao tác đơn giản vậy thôi nhưng nếu không có người hướng dẫn thì ta đập mãi cũng không vỡ ra được bao giờ.

Ăn ốc bướm chấm với muối tiêu, kèm theo vài đọt rau răm, bẻ miếng bánh tráng nướng nhâm nhi, nghe đời thơm thảo ngon ngọt vô cùng. Theo nhìn nhận của nhiều người ở biển, thịt ốc bướm ngon hơn các loại ốc khác gấp nhiều lần. Vì thế, có thể gọi ốc bướm là “vua” của các loại ốc biển.

Mỗi buổi sáng, trong làng chài, nhà nào lặn bắt được vài kg ốc bướm được coi là “trúng mánh”. Thường có được loại ốc này, người ta để dành đãi khách hoặc đem biếu hơn là ăn, chứ chẳng ai đem bán vì quá hiếm. Vì thế, khách nào được ngư dân mời ăn hoặc được biếu loại ốc này xem như may mắn, nó thể hiện tấm lòng thảo thơm, nghĩa tình của người dân vùng biển.