Sức khỏe sinh sản lao động nữ: SOS !

       Phần lớn lao động nữ có nhận thức lệch lạc về sức khỏe sinh sản; hầu hết các khu công nghiệp, khu chế xuất chưa có trạm y tế dành riêng cho công nhân lao động nói chung, và lao động nữ nói riêng thậm chí nhiều doanh nghiệp vi phạm các vấn đề liên quan đến chính sách, chế độ sức khỏe sinh sản của lao động nữ…

                 
Tư vấn về sức khoẻ sinh sản và chính sách thai sản cho LĐ nữ tại KCN trong Tháng công nhân.  

Gần 43% lao động nữ (LĐN) chưa kết hôn nhưng sống như vợ chồng; hơn 64% không dùng bao cao su khi quan hệ tình dục; hơn 82% LĐN không biết cần tiêm vaccine trước lần quan hệ đầu tiên, gần 24% LĐN không biết thời điểm thích hợp để nạo phá thai; hơn 63% không biết những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh ung thư, ung thư tử cung. Nhiều công nhân cho rằng ôm người yêu, ăn chung bát đĩa, dùng chung bấm móng tay, tiếp xúc nước mắt, mồ hôi cũng có thể lây nhiễm HIV/AIDS…

Đây là những con số, thực trạng được nêu trong buổi công bố kết quả nghiên cứu đề tài khoa học “Chăm sóc ssức khoẻ sinh sản (SKSS) cho LĐN tại khu công nghiệp (KCN) và vai trò của Công đoàn” do Ban Nữ công (Tổng LĐLĐ Việt Nam) tiến hành trong vòng 12 tháng tại 35doanh nghiệp (DN) ở 7 tỉnh, thành phố tập trung nhiều KCN, khu chế xuất (KCX) trên cả nước.

Những con số buồn

Hiện cả nước có 174 KCN đang hoạt động, thu hút 1,6 triệu lao động trực tiếp và hàng triệu lao động gián tiếp. Theo kết quả khảo sát, LĐN có tuổi đời từ 18 đến 30 tuổi chiếm hơn 70%. Điều đó nói lên rằng, đa số LĐN là lực lượng lao động trẻ đang ở độ tuổi lập gia đình và sinh đẻ. LĐN chưa chồng phải thuê nhà trọ chiếm tỷ lệ 75%, sống chung với người thân là 20%. Tỷ lệ LĐN thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản và kỹ năng sống chiếm gần 48%. Trong khi đó, LĐN chưa kết hôn sống chung như vợ chồng ở các khu nhà trọ là gần 43% và ở chung cả người thân và người yêu là 43%. Cho dù sống chung hoặc sống riêng thì đa số LĐN đang gặp khó khăn về nhà ở, tiện nghi sinh hoạt và chất lượng cuộc sống đều thấp và thiếu thốn. Có tới 72,8% LĐN chỉ có thu nhập bình quân rất thấp: từ 1,6 đến 3 triệu đồng/tháng.

Tình trạng tăng ca, thêm giờ tại các DN dệt may, da giầy, gỗ xuất khẩu trung bình bốn tiếng/ngày, liên tục 3-4 ngày. Có 22% LĐN làm thêm giờ, gần 80% làm việc sáu ngày/tuần, gần 20% làm việc bảy ngày/tuần. Cá biệt, có DN ở Bình Dương làm thêm từ 400- 600 giờ/năm, ngày nào làm hàng gấp phải tới 23 giờ đêm công nhân mới được nghỉ việc. Tình trạng này dẫn tới hậu quả không chỉ làm suy giảm sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến điều kiện kết bạn và xây dựng gia đình của LĐN trẻ.

Tiến sĩ Phạm Bích Ngân, Viện Nghiên cứu Khoa học kỹ thuật- Bảo hộ lao động cho biết: “Ngoài cuộc sống khó khăn do phải xa nhà, đồng lương thấp, khẩu phần bữa ăn thiếu dinh dưỡng, không bảo đảm sức khỏe, thì việc thiếu kiến thức về SKSS do không được DN tạo điều kiện khám sức khỏe, tư vấn, dẫn tới thực trạng có thai ngoài ý muốn. Việc phá thai nhiều lần, phá thai ngoài ý muốn thiếu an toàn, không được chăm sóc sức khỏe sau khi phá thai là nguy cơ dẫn tới vô sinh; thiếu kiến thức về các bệnh xã hội, nữ công nhân dễ mắc các bệnh lây lan qua đường tình dục. Làm việc căng thẳng, đôi khi bị hạn chế việc thực hiện nhu cầu cá nhân dễ dẫn tới viêm đường tiết niệu, viêm thận, sạn thận. Tư thế là việc đứng, ngồi nhiều cũng ảnh hưởng đến SKSS của phụ nữ…”

Tình trạng “gia đình gá tạm” giữa nam và nữ công nhân với nhau nhằm giải quyết nhu cầu tình cảm, sinh lý, giảm bớt gánh nặng chi tiêu, sinh hoạt phí, suy cho cùng, đó là điều không ai mong muốn nhưng vẫn có nhiều công nhân trong khu công nghiệp lựa chọn để cuộc sống bớt đi phần nhọc nhằn và buồn tẻ.

Hậu quả đau lòng

Nhưng cũng chính từ những “gia đình gá tạm” này mà nhiều đứa trẻ không mong muốn được ra đời. Và cũng bắt đầu từ đây, nhiều vấn đề nảy sinh như càng ngày, tỷ lệ nạo phá thai trong LĐN càng tăng. Có nhiều đứa trẻ không mong muốn được sinh ra, nhiều nữ công nhân mang con mình bỏ vào sọt rác, đem bỏ tại các ngôi chùa, các nhà hộ sinh gần nơi mình sống… Đây là một thực tế rất đau lòng đang xảy ra khá phổ biến, nhất là tại các tỉnh, thành phố lớn nơi tập trung nhiều KCN, KCX.

PVS, nữ công nhân 25 tuổi ở KCN Bắc Thăng Long “thú nhận”: Phần lớn, lao động chúng em từ nông thôn lên, không có điều kiện học hành, thiếu hiểu hết về SKSS nên khi biết mình mang thai thì quá muộn. Cha mẹ, gia đình, làng xóm không chấp nhận phụ nữ không chồng mà lại có con. Bên cạnh đó, một số bạn không nhận được sự đồng tình của bạn trai nên đành phải “bỏ” con”.

Khi được hỏi về các biện pháp tránh thai, một nữ công nhân khác cho biết : “Chỉ biết tránh bằng cách tính ngày cho đỡ tốn kém”.

Bà Đỗ Thị Yên, Phó Ban Nữ Công, chủ nhiệm đề tài xót xa: “Nhiều LĐN đành “nhắm mắt” vào các phòng khám tư, không đủ an toàn, chất lượng phòng khám thấp nhưng không có tiền đành “chấp nhận” làm liều mà không cần biết sau này có ảnh hưởng tới việc sinh nở hay không”.

Một thực trạng đáng báo động là việc nữ công nhân ở các KCN, KCX hiện nay đều có chung một đặc điểm là có rất ít thông tin về SKSS. Họ thường là những người ngoại tỉnh, điều kiện làm việc vất vả, lương thấp. Điều kiện ăn ở sinh hoạt chật chội, mất vệ sinh. Họ không hoặc ít khi đi khám sức khỏe định kỳ, ít có cơ hội tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí, thể thao và các hoạt động khác. Do đó, nhiều nữ công nhân có đời sống tình dục không an toàn dẫn tới nạo phá thai, ảnh hưởng tâm, sinh lý hoặc có trường hợp gặp biến chứng đáng tiếc.

Theo kết quả nghiên cứu, các hoạt động về chăm sóc SKSS đối với LĐN trong các KCN còn quá ít ỏi. 25,5% kiến thức về SKSS mà LĐN thu nạp được là tại các nhà thuốc tư nhân.

Tuy nhiên, theo ông Lê Cao Thắng, Ban Tuyên giáo Tổng LĐLĐ Việt Nam thì: “ Khi có cơ hội truyền thông, đa số nữ công nhân đều có tâm lý e ngại, khi đề cập tới chủ đề đó, không dám đặt các câu hỏi thắc mắc, làm cho kiến thức thu nhận về SKSS còn nhiều hạn chế”.

Bên cạnh đó, công đoàn (CĐ) các công ty, xí nghiệp còn hoạt động cầm chừng về vấn đề chăm sóc SKSS cho NLĐ. Khi CĐ muốn tổ chức các buổi truyền thông về chăm sóc SKSS thì gặp nhiều khó khăn và bị động do phụ thuộc vào lịch làm việc của DN. Một công nhân 23 tuổi tại KCN Bắc Thăng Long tâm sự: “Nhiều khi bản thân em và nhiều bạn nữ khác có thắc mắc, muốn được tư vấn không biết hỏi ai, đến trung tâm tư vấn thì ngại gặp người quen, sợ mọi người nghĩ “có vấn đề”. Bố mẹ thì chúng em cũng ngại hỏi. Tìm hiểu qua sách báo, ti- vi thì không có thời gian. Kinh nghiệm chủ yếu là qua các câu chuyện của các bạn cùng phòng trọ, cùng khu trọ kể cho nhau để tự mình đưa ra cách xử lý thích hợp thôi”.

Tất cả những vấn đề nêu trên thật sự là những khó khăn, thách thức trong công tác chăm sóc SKSS cho nữ công nhân hiện nay.

Vai trò của công đoàn

Bà Nguyễn Thị Yên, Phó Chủ tịch CĐ Xây dựng Việt Nam cho rằng: Nhu cầu được tư vấn tâm lý và sức khỏe, đặc biệt là SKSS của công nhân ở KCN, KCX là rất cao. Đã đến lúc, CĐ cần thể hiện vai trò của mình và vào cuộc mạnh mẽ trong công tác chăm sóc sức khỏe cho LĐN, không chỉ vì sức khỏe của chính NLĐ, mà còn vì cả thế hệ con cái của họ.

Còn ông Thắng lại rất bức xúc: “Đối với tổ chức CĐ cơ sở phải thật sự quan tâm tới đời sống vật chất, tinh thần của NLĐ. Không ít nơi tổ chức CĐ được bố trí nhưng bị khống chế bởi Ban giám đốc. Họ trở thành một thứ công cụ lãnh đạo, chỉ có một việc duy nhất là làm “công tác tư tưởng” vận động, khuyến khích công nhân ký tên tự nguyện tăng ca, làm thêm giờ nhằm mục đích hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch mà không hề quan tâm tới những hệ quả khác.

Ông Thắng cũng cho rằng việc nâng cao trình độ văn hóa, nhận thức góp phần không nhỏ trong việc xây dựng cho nữ công nhân một nhận thức đúng đắn về tình yêu, hạnh phúc và SKSS.

Để nữ công nhân có điều kiện tiếp cận thông tin về chăm sóc SKSS trước tiên cần sự hậu thuẫn của các cấp lãnh đạo. Cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền để DN có cam kết thực hiện, cụ thể hóa bằng các văn bản, quy định chăm sóc SKSS. Một trong những yêu cầu bắt buộc là phải khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ.

Trước mắt, cần cần củng cố, kiện toàn Ban nữ công, phát huy vai trò nòng cốt trong các hoạt động chăm sóc SKSS, tổ chức các tọa đàm, sinh hoạt CLB nữ công để trao đổi, tư vấn các kiến thức về SKSS, chăm sóc bà ẹm, trẻ em.

Nữ cán bộ CĐ cơ sở cần dành nhiều thời gian tiếp xúc với công nhân lao động nữ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, lắng nghe họ giãi bày những khó khăn vướng mắc về tình cảm, từ đó giúp đỡ họ tháo gỡ những khó khăn trong quan hệ nam nữ, tình bạn, tình yêu đôi lứa, trong sáng, thủy chung, về nguy cơ lạm dụng tình dục, tác hại của nạo, phá thai, mang thai ngoài ý muốn.

Các ý kiến tham luận tại hội thảo đều nhất trí, với chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ, trong đó có đông đảo LĐN, CĐ các cấp cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các ban ngành chức năng, kiểm tra, giám sát cơ quan, DN trong việc thực thi chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật, đặc biệt là chế độ, chính sách dành riêng cho cán bộ nữ.

Phối hợp một số bộ, ngành liên quan xây dựng bộ tiêu chí đối với KCN về việc quản lý và dịch vụ SKSS cho NLĐ, trong đó cần có cán bộ chuyên sâu về chăm sóc SKSS.