Cá da trơn đắt hàng
Lo ngại thịt heo chứa chất cấm nên người dân chuyển hướng tiêu dùng khiến sức tiêu thụ các mặt hàng thủy sản, đặc biệt là cá da trơn đang tăng rất mạnh.
Theo phòng kinh doanh, siêu thị Co.op Mart, mức tiêu thụ thủy hải sản tháng 4 vừa qua tăng 20% so với tháng trước và tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, chỉ riêng các mặt hàng cá da trơn (cá basa, cá tra) trong tháng 4 tăng đến 50% so với các tháng trong quý 1/2012. Các sản phẩm cá basa nguyên con, cắt khúc, phi lê, đông lạnh, cá viên, chạo, dồn khổ qua… đều được người tiêu dùng lựa chọn nhiều.
Đại diện siêu thị Lotte Mart cho biết, tình hình tiêu thụ sản phẩm cá tra, cá basa thời gian qua vẫn tăng trưởng tốt. So với cùng kỳ năm ngoái thì sức mua các sản phẩm cá basa, cá tra tăng khoảng 25%. Đây là mức tăng tưởng ấn tượng trong điều kiện thị trường hiện nay chịu nhiều tác động do kinh tế suy thoái. Thông tin từ phòng kinh doanh siêu thị BigC cũng cho hay, so với 2 tháng đầu năm nay, 2 tháng gần đây sức tiêu thụ mặt hàng cá basa, cá tra tăng khoảng 15%; nếu so cùng kỳ năm trước các mặt hàng này tăng 20%.
|
Lý giải “hiện tượng” sức mua cá da trơn tăng, các đơn vị bán lẻ đều khẳng định, do tâm lý người dân lo sợ thịt heo “bẩn” và một số mặt hàng được cảnh báo kém chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. “Xu hướng người tiêu dùng chuyển sang dùng cá nhiều hơn thịt rất rõ ràng. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân khác là siêu thị thường xuyên kết hợp với doanh nghiệp “chạy” chương trình khuyến mãi cho mặt hàng này với mức giá hợp lý nhưng vẫn đảm bảo tươi ngon” - đại diện siêu thị Co.op Mart chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Hồng Hà, phó giám đốc một xí nghiệp chế biến thủy sản đông lạnh, thì doanh thu bán các sản phẩm cá da trơn của công ty 4 tháng đầu năm tăng 20% so cùng kỳ năm trước, dao động ở mức 1,5 - 2 tỉ đồng/tháng. “Công ty chúng tôi chủ động trong việc bán hàng vào siêu thị và các cửa hàng mà không còn thông qua nhà phân phối để giảm chi phí trung gian nhằm hạ giá thành để có giá bán rẻ hơn cho người tiêu dùng. Ngoài ra, các sản phẩm cũng được đa dạng hơn, gần gũi với thói quen của người mua, chứ không hoàn toàn đem sản phẩm xuất khẩu bán ở thị trường nội địa. Hơn nữa, dây chuyền sản xuất theo quy trình quốc tế với các chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế, nên quyền lợi của người tiêu dùng được đảm bảo”, ông Hà nói.
Tuy nhiên, doanh số bán sản phẩm cá ba sa ở thị trường nội địa của công ty này vẫn còn quá nhỏ bé so với khoản thu từ xuất khẩu, chiếm khoảng 10 - 15%. Theo ông Hà, mục tiêu của công ty là sẽ tăng doanh thu lên 1 tỉ đồng/tháng chỉ riêng ở
TP.HCM và tiếp tục mở rộng thị trường vào các tỉnh. Hiện nay, sản phẩm cá ba sa chủ yếu bán ở TP.HCM, Hà Nội và thị trường trong nước cho cá da trơn hầu như đang bỏ ngỏ. Đẩy mạnh thị trường nội địa cùng với ổn định xuất khẩu có thể đảm bảo cho nghề nuôi cá da trơn bớt bấp bênh. Để thúc đẩy thị trường trong nước, các doanh nghiệp cho rằng cần chi phí quảng bá lớn nhưng doanh nghiệp lại không kham nổi, do đó nhà nước cần có chính sách hỗ trợ. Bên cạnh đó, sản phẩm cá basa chủ yếu vào siêu thị nhưng lại không bán được ở chợ do không đầu tư hệ thống đông lạnh…
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.