Công bố huyện nông thôn mới đầu tiên của ĐBSCL
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh biểu dương tỉnh Hậu Giang là một trong những địa phương dẫn đầu trong xây dựng nông thôn mới ở ĐBSCL- Ảnh: VGP/Thành Chung |
Thị xã Ngã Bảy là đơn vị cấp huyện đầu tiên của vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt danh hiệu này khi có 3/3 xã đã hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới. Cụ thể, xã Đại Thành được công nhận năm 2013, xã Tân Thành được công nhận năm 2014 và mới đây vào tháng 6/2015, xã Hiệp Lợi đạt danh hiệu này.
Ông Phạm Chí Dũng, Chủ tịch UBND thị xã Ngã Bảy cho biết ban đầu bà con nông dân còn băn khoăn về mô hình sản xuất tập trung nên chỉ có 34 hộ tham gia với diện tích 48,5ha. Với sự chỉ đạo của Thị ủy, UBND thị xã, nông dân được tập huấn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng, như quy trình “3 giảm, 3 tăng”; quản lý dịch hại… nên hầu hết diện tích lúa ít nhiễm sâu bệnh. Việc cơ giới hóa từ khâu làm đất đến thu hoạch đã giúp giảm công lao động cũng như áp lực nhân công mỗi khi vào vụ sản xuất đại trà, tiết kiệm chi phí, giảm tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn.
Tại thị xã, xuất hiện ngày càng nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả. Riêng xã Đại Thành đã có 18 hộ cho thu nhập 1 tỉ đồng trở lên; 110 hộ thu nhập từ 500 triệu đến dưới 1 tỉ đồng và 450 hộ thu nhập từ 100 đến dưới 500 triệu đồng. Xã Tân Thành đã có CLB thu nhập trên 1 tỉ đồng với 52 thành viên và xã Hiệp Lợi có 9 trang trại chăn nuôi với doanh thu 3 tỉ đồng/năm.
Từ những kết quả trên, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên. Thu nhập bình quân đầu người/năm ở khu vực nông thôn từ 10,83 triệu đồng năm 2010 nâng lên 30,7 triệu đồng/người/năm vào năm 2015, tăng 2,83 lần.
Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo bình quân 3 xã chiếm 3,57%/năm, trong đó có 5/21 ấp không còn hộ nghèo.
Về thị xã Ngã Bảy, qua 10 năm thành lập, thị xã đã thực hiện hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu Nghị quyết đề ra, hạ tầng kinh tế, xã hội được đầu tư nâng cấp, sản xuất phát triển giúp cho tăng trưởng luôn ở mức cao với tốc độ bình quân hàng năm đạt 15,84%; vốn đầu tư toàn xã hội 8.322 tỉ đồng; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 7,87 triệu đồng năm 2005 lên 45,16 triệu đồng năm 2015, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện. Hệ thống giao thông nông thôn được đầu tư hoàn chỉnh.
Toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long mới có 136 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 10,54% tổng số xã trên toàn vùng.
Cả nước có hơn 1.000 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm khoảng hơn 11% tổng số xã của cả nước. |
Các chính sách an sinh xã hội, chăm lo cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo được quan tâm; xây dựng 1.188 căn nhà tình nghĩa, tình thương với kinh phí huy động hơn 49,1 tỉ đồng; có 99% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh, 99,3% hộ sử dụng điện lưới quốc gia; tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn thị xã giảm từ 24% năm 2005 xuống còn 2,64% năm 2014.
Riêng tỷ lệ hộ nghèo bình quân 3 xã chiếm 3,57%/năm, trong đó có 5/21 ấp không còn hộ nghèo; giải quyết việc làm cho 26.416 lao động; xây dựng mới bệnh viện đa khoa cấp khu vực qui mô 260 giường, 6 trạm y tế, 19/25 trường đạt chuẩn quốc gia, đào tạo 303 cán bộ trình độ đại học, thạc sĩ.
Cuối năm 2014 được Bộ trưởng Bộ Xây dựng công nhận thị xã Ngã Bảy là đô thị loại III trực thuộc tỉnh Hậu Giang.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang đạt chuẩn “Huyện nông thôn mới” – Ảnh: VGP/Thành Chung |
Việc thị xã Ngã Bảy đạt chuẩn nông thôn mới, theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIII (khai mạc vào ngày 14/10 tới), tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
Phó Thủ tướng cũng biểu dương tỉnh Hậu Giang là một trong những địa phương dẫn đầu trong xây dựng nông thôn mới ở Đồng bằng sông Cửu Long khi tới nay toàn tỉnh đã có 22% số xã trên địa bàn đạt chuẩn, vượt chỉ tiêu 20% vào cuối năm nay.
Để toàn tỉnh Hậu Giang nói chung đạt mục tiêu trên 50% tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị tỉnh Hậu Giang, thị xã Ngã Bảy phát huy kết quả đã đạt được, tiếp tục động viên mọi tầng lớp nhân dân chung tay, góp sức xây dựng nông thôn mới bền vững, xây dựng quê hương giàu, đẹp, văn minh, lịch sự, có bản sắc văn hóa riêng của vùng Tây Nam Bộ.
Bên cạnh đó, tỉnh tổng kết, đánh giá thực tế thực hiện các cơ chế, chính sách, mô hình phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn để kịp thời nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi và đề ra các chính sách, giải pháp thiết thực, hiệu quả để nông dân yên tâm sản xuất và có cuộc sống ngày càng tốt hơn.
Hậu Giang đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững trên cơ sở tập trung vào những sản phẩm là tiềm năng lợi thế; khuyến khích ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ; tăng cường hợp tác, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, liên kết giữa các địa phương trong vùng, liên kết giữa các hộ nông dân với nhau và liên kết giữa nông dân với nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích, tăng thu nhập cho nông dân.
Theo Phó Thủ tướng, trong điều kiện ngân sách còn nhiều khó khăn, với những đặc thù riêng, Hậu Giang cần tiếp tục vận dụng sáng tạo cơ chế, chính sách chung vào điều kiện cụ thể của địa phương; có lộ trình xây dựng nông thôn mới phù hợp với khả năng đóng góp nhân dân; cùng với việc phấn đấu hoàn thành các tiêu chí chưa đạt, cần chú trọng duy trì và nâng cao chất lượng đối với tiêu chí đã đạt chuẩn trong giai đoạn tiếp theo.
Trước thị xã Ngã Bảy còn có thị xã Long Khánh (tỉnh Đồng Nai) được công nhân đạt chuẩn nông thôn mới hồi tháng 1/2015. Các huyện Xuân Lộc, Đông Triều, Hải Hậu, Củ Chi, Nhà Bè, Hóc Môn cũng đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Nhân dịp này, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ đã tặng 1.000 tấn xi măng cho thị xã Ngã Bảy để gia cố các công trình cơ sở vật chất trên địa bàn.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.