Phiên họp thứ 42 UBTVQH: Xem xét nhiều vấn đề quan trọng
Ngày 12/10, tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khóa XIII họp phiên thứ 42. Tại phiên họp này, các đại biểu xem xét nhiều vấn đề quan trọng trong báo cáo của Chính phủ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc phiên họp. Ảnh: TTXVN |
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết ngoài công tác xây dựng pháp luật, cho ý kiến vào 9 dự án luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét nhiều nội dung quan trọng khác: Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016; kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2015, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2016; việc cho phép đa dạng hóa kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ; Đề án phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế đến năm 2020…
Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội năm 2015 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 của Chính phủ đánh giá, tình hình kinh tế-xã hội trong 9 tháng đầu năm 2015 tiếp tục đà phục hồi, có nhiều chuyển biến và đạt được những kết quả tích cực, nhưng cũng còn nhiều khó khăn, thách thức.
Nhiều ý kiến đồng tình với dự báo trong báo cáo của Chính phủ, cho rằng năm 2016 cần đánh giá thêm các mặt thuận lợi, thời cơ, thách thức mới, nhất là sau các chuyến thăm thành công của các đồng chí lãnh đạo cao nhất nước ta tại một số nước có nền kinh tế lớn gần đây và sự kiện kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 phải bám sát Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2011-2020) và dự thảo Văn kiện Đại hội XII của Đảng trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, nước ta sẽ thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tiếp tục những mục tiêu đang được triển khai “ổn định kinh tế vĩ mô trên cơ sở bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tập trung tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh”.
Đa số ý kiến của Ủy ban Kinh tế tán thành với các nhóm giải pháp trong Báo cáo của Chính phủ, đồng thời đề nghị cần tập trung tiếp tục cụ thể hóa và triển khai Hiến pháp, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chấm dứt tình trạng chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật; điều hành các chính sách kinh tế linh hoạt hơn đối với chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, đáp ứng hài hòa các mục tiêu hỗ trợ sản xuất phát triển nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng cao hơn năm 2015; tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ thị trường; tiếp tục thực hiện ba đột phá chiến lược, tăng cường giám sát bảo đảm triển khai hiệu quả nhất là nguồn vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đầu tư phát triển nguồn nhân lực…
Nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bên cạnh đánh giá của Chính phủ về những công việc đã làm được, báo cáo cần tập trung làm rõ hơn một số vấn đề liên quan tới sản xuất nông nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn; đánh giá những tác động của việc ký kết hiệp định thương mại tự do ảnh hưởng như thế nào tới nền kinh tế đất nước, để rút ra những kinh nghiệm, chuẩn bị cho thời gian tới.
Nhấn mạnh việc phải giữ ổn định kinh tế vĩ mô, bám sát các chỉ tiêu quan trọng đã được xác định, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ để giảm nhập siêu phải đẩy mạnh sản xuất trong nước.
Vì vậy, cần phải đưa ra các chính sách, giải pháp để thúc đẩy sản xuất vật tư, nguyên liệu trong nước; đề ra cách chính sách để giảm nhập siêu đồng thời cạnh tranh được trên thị trường. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý trong các giải pháp được Chính phủ nêu, cần quan tâm tới vấn đề hội nhập, đặc biệt trong bối cảnh vừa hoàn thành đàm phán TPP.
Trong thời gian còn lại của phiên làm việc chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Luật Đấu giá tài sản.
Theo dự kiến chương trình, sáng 13/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi) và việc chuẩn bị kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII.
Nguồn Chính phủ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.