Khan hiếm nước – khủng hoảng gần kề
Nước có vai trò then chốt trong đời sống, nhưng thế giới chính trị và cư dân chưa nhận thức đầy đủ vấn đề.
Nước là thứ cuộc sống cần, là thứ cuộc sống không thể thiếu. Nước ảnh hưởng đến hệ sinh thái biến đổi của trái đất cũng như là một nguồn tài nguyên vô giá tác động mạnh mẽ, trực tiếp đến đời sống, phúc lợi, kinh tế-sản xuất của con người và xã hội. Nạn khan hiếm nước đang ảnh hưởng đến hơn 40 phần trăm người dân trên toàn thế giới, được dự báo sẽ đông lên cùng với sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu như là một hệ quả của biến đổi khí hậu. Việc phân bổ nguồn nước trên thế giới không đồng đều, có nơi phong phú, có nơi khan hiếm và nguồn nước ngày càng cạn kiệt.
Tình trạng khan hiếm nước ngày càng tồi tệ
Những vấn đề về vệ sinh môi trường sinh thái, đô thị hóa, chất lượng dịch vụ, cơ sở hạ tầng không đảm bảo cũng như khả năng quản lý nguồn nước yếu kém hoặc không hiệu quả đang là những vấn đề trọng tâm của thế giới hiện nay. Trong năm 2011, có hơn 41 quốc gia đã trải qua những biến động về tài nguyên nước, 10% trong số đó là gần cạn kiệt nguồn cung cấp của họ về nước ngọt tái tạo và bây giờ phải dựa vào các nguồn phi truyền thống. Gia tăng hạn hán và sa mạc hóa đã làm trầm trọng thêm xu hướng này. Đến năm 2050, dự đoán rằng ít nhất ¼ nhân loại bị ảnh hưởng thường xuyên tình trạng thiếu nước.
Ở Ấn Độ, một số quốc gia khu vực Trung Đông và châu Phi, khan hiếm nước và vệ sinh nguồn nước kém không những gây ra những thiệt hại nghiêm trọng nạn đói, bệnh tật, mà còn gây ra những xung đột bất ổn quốc gia, sắc tộc, tôn giáo.
Theo một nghiên cứu gần đây của Mỹ, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự thiếu nước trầm trọng. Trước hết là do địa hình, khí hậu của từng nước, từng khu vực. Vị trí và khí hậu có mối quan hệ liên quan chặt chẽ đến nhau dù là hai tác nhân riêng biệt. Bản nghiên cứu có đề cập tới những vấn đề về cơ sở hạ tầng công cộng để cung cấp nước như hồ chứa, đập nước hoặc cống dẫn nước lưu trữ – phân phối chưa đạt yêu cầu về kiểm định chất lượng dẫn tới việc không cung cấp đủ nước cho sinh hoạt tiêu dùng của người dân. Sau đó là một loạt các vấn nạn liên đới đến chính trị, vấn đề được đặt ra rõ ràng đối với các nước có thể chế chính trị yếu kém hoặc chiến tranh loạn lạc, việc phân phối nước hoặc không thể tiếp cận có thể là vấn đề thách thức, nan giải. Trường hợp xung đột chính trị, đảng phái tồn tại, kiểm soát nguồn nước là một lợi thế chiến lược. Tập quán canh tác và kỹ thuật quản lý nước trong nông lâm nghiệp cũng được đặt ra như một yếu tố then chốt bởi vì các loại cây lương thực ảnh hướng trực tiếp đến lượng nước sẵn có có thể dùng cho các mục đích khác. Nước ít xuất khẩu trực tiếp, nhưng lương thực thực phẩm sử dụng nhiều nước thì có thể xuất khẩu.
Ngoài các nguyên nhân trên, còn có các tác nhân khách quan khác như sự bùng nổ dân số, sự phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại hóa, v.v… Những tác nhân này mang lại những hậu quả cụ thể và những bài toán mở cần rất nhiều lời giải đáp cho các chuyên gia cũng như mỗi người dân hiện nay, như giảm sản lượng sản phẩm, tăng giá thành, vấn đề chính trị liên đới, khủng hoảng dân cư, di cư…
Một số giải pháp
Một là, nâng cao ý thức của con người và cộng đồng trước các “cảnh báo đỏ” về nạn khan hiếm nước và tác động gần như tới tất cả các khía cạnh của xã hội và nền kinh tế. Không có sự thức tỉnh của cộng đồng thì mọi nỗ lực khác đều không bền vững.
Hai là, vấn đề quản lý cung cấp tài nguyên nước: Các nhà quản lý nước hiện đại đang phải đối mặt với tình cảnh ngày càng phức tạp. Trách nhiệm của họ đòi hỏi thay đổi cách thức quản lý, có kế hoặc dài hạn bảo đảm nguồn cung cấp để đáp ứng nhu cầu thay đổi nhanh chóng của con người, xã hội. Vẫn phải đảm bảo cân bằng các giá trị sinh thái, kinh tế và xã hội. Điều đó đối mặt với rủi ro cao và ẩn số ngày càng tăng, dễ làm cho các kế hoạch quản lý không đạt yêu cầu.
Đảm bảo tiếp cận phổ cập tới các nguồn nước an toàn đòi hỏi đầu tư vào cơ sở hạ tầng đầy đủ, cung cấp thiết bị vệ sinh và khuyến khích vệ sinh ở mọi cấp độ.
Ba là, phải có sự thay đổi thái độ cấp bách ở cấp độ hoặch định chinh sách quốc gia đối với biến đổi khí hậu. Việc thích ứng với biến đổi khí hậu liên kết chặt chẽ với nước và vai trò của nó trong phát triển bền vững. Thực hành công nghệ sáng tạo và thực hiện các chiến lược phù hợp cũng là cần thiết đối với việc thích nghi với biến đổi khí hâu.
Bốn là, hợp tác quốc tế nhiều hơn cũng là cần thiết để việc sử dụng tiết kiệm nước và hỗ trợ các công nghệ xử lý nước cho các nước đang phát triển.
Đã có một số thành công trong việc cải thiện chất lượng nước, nhưng không có dữ liệu nào cho thấy đã có sự cải thiện tổng thể chất lượng nước trên quy mô toàn cầu. Việt Nam ta cần có tầm nhìn đối vấn đề bảo đảm nguồn nước, để thích nghi với dân số tăng, đô thị hóa mở rộng, an ninh quốc gia và phát triển bền vững./.
Nguồn Tổ quốc
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.