Khắc phục tình trạng thiếu bác sĩ ở tuyến dưới

Để làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, nguồn nhân lực y tế, phải có đủ về số lượng, cơ cấu và phân bổ hợp lý; bảo đảm trình độ chuyên môn theo nhiệm vụ được giao; làm việc với tinh thần trách nhiệm cao và ứng xử tốt. Thế nhưng hiện nay ở nước ta, đội ngũ bác sĩ thiếu về số lượng và cơ cấu lại không hợp lý. Nếu bất cập, vướng mắc này không được giải quyết tháo gỡ sẽ dẫn đến sự thiếu công bằng trong tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế, ảnh hưởng chất lượng khám, chữa bệnh (KCB) tuyến dưới, gây nên tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên.

 Công tác đào tạo cán bộ y tế luôn được các địa phương tập trung triển khai, nhưng vẫn chưa thể giải quyết tình trạng thiếu nguồn nhân lực trước nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng tăng. Trong ảnh: Đào tạo cán bộ y tế tại Trường cao đẳng y tế Sơn La.
Công tác đào tạo cán bộ y tế luôn được các địa phương tập trung triển khai, nhưng vẫn chưa thể giải quyết
tình trạng thiếu nguồn nhân lực trước nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng tăng.
Trong ảnh: Đào tạo cán bộ y tế tại Trường cao đẳng y tế Sơn La.

Theo thống kê của ngành y tế, tình trạng thiếu bác sĩ diễn ra ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhiều nhất hiện nay tập trung các tỉnh khó khăn, như khu vực Tây Bắc, đồng bằng sông Cửu Long. Tại 15 tỉnh miền núi phía bắc, tuy số cán bộ y tế/10 nghìn dân cao hơn trung bình cả nước, nhưng tỷ lệ bác sĩ lại thấp hơn.

Nếu cả nước đạt trung bình 7,34 bác sĩ/10 nghìn dân thì tỷ lệ này tại Lai Châu mới là 6,29 và Điện Biên là 6,74, ở Lạng Sơn, Sơn La tỷ lệ bác sĩ còn thấp hơn. Như tại tỉnh Sơn La, hiện tổng biên chế toàn ngành y tế là 4.275 người, vừa chưa đủ số lượng, vừa chưa bảo đảm chất lượng; tỷ lệ bác sĩ mới đạt 5,74/10 nghìn dân. Toàn tỉnh ước tính còn thiếu khoảng 1.000 bác sĩ, cán bộ y tế so với nhu cầu. Bệnh viện đa khoa tỉnh này có quy mô 350 giường bệnh, hiện còn thiếu gần 150 cán bộ. Thực tế, vào thời điểm người bệnh đông, số giường thực kê tăng lên 500, thì cần số cán bộ, nhân viên phải tăng lên 650 – 700 người, nghĩa là đang ở mức mới đáp ứng được 50% so với nhu cầu. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ 14 vừa thông qua chỉ tiêu đến năm 2020 đạt từ 7,5 đến 8 bác sĩ/ 10 nghìn dân là một chỉ tiêu đòi hỏi sự phấn đấu rất nhiều đối với tỉnh miền núi vừa ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.

Khu vực các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 18 triệu dân nhưng chỉ có 9.264 bác sĩ, thiếu hơn 3.000 bác sĩ theo quy định. Tại khu vực này, Sóc Trăng là một trong những tỉnh thiếu bác sĩ trầm trọng nhất, hiện toàn tỉnh mới có 4,8 bác sĩ/10 nghìn dân. Giám đốc Sở Y tế Sóc Trăng Trương Hoài Phong chia sẻ: Những năm gần đây, tỉnh đã dốc toàn lực để thu hút nguồn nhân lực y tế, đào tạo theo địa chỉ sử dụng, theo hình thức liên thông khoảng 300 bác sĩ, tuy nhiên số lượng này chỉ đáp ứng một phần nhỏ so nhu cầu thực.

Tình trạng thiếu nguồn nhân lực trình độ cao đang là thách thức lớn đối với công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ở Đác Nông, nhất là đội ngũ bác sĩ trực tiếp làm chuyên môn kỹ thuật tại các chuyên khoa về hồi sức cấp cứu, phẫu thuật… Toàn tỉnh có 6,15 bác sĩ/ 10 nghìn dân, nhưng phần lớn là bác sĩ trẻ, đang phải đào tạo định hướng chuyên khoa và sau đại học; nhiều bác sĩ được đào tạo theo chế độ cử tuyển hoặc xét tuyển, mới ra trường, thiếu kỹ năng thực hành, hạn chế về năng lực chuyên môn. Tại các bệnh viện trên địa bàn, bác sĩ có trình độ sau đại học chỉ đạt 21,4%; bác sĩ có trình độ chuyên môn sâu trong điều trị như ngoại thần kinh, ngoại chấn thương chỉnh hình… đều rất ít.

Dù đang thiếu, nhưng việc tuyển dụng bác sĩ có trình độ cho các cơ sở y tế công lập không hề dễ, việc “giữ chân” đội ngũ này lại càng khó hơn. Nhiều bác sĩ có trình độ chuyên môn cao đã và đang xin chuyển công tác ra ngoài tỉnh. Trong giai đoạn từ năm 2004-2012, toàn ngành y tế Đác Nông chỉ tuyển dụng được 30 bác sĩ, nhưng cũng trong khoảng thời gian đó, có 18 bác sĩ xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác tới địa phương khác. Tương tự, nhiều bệnh viện, nhất là tuyến tỉnh ở Sóc Trăng, dù đang thiếu về số lượng, vẫn có nhiều bác sĩ giỏi chuyển đến Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh… công tác. Thu hút bác sĩ về tỉnh thì ít, mỗi năm chỉ vài chục người, nhưng số lượng chuyển đi nơi khác liên tục tăng, có năm bằng gần nửa số lượng về công tác tại tỉnh.

Cùng với đó, một thực tế đáng buồn đối với ngành y tế nhiều địa phương là không ít bác sĩ được tạo điều kiện, hỗ trợ kinh phí để đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nhưng sau khi tốt nghiệp đã không về công tác tại đơn vị đã cử đi. Họ sẵn sàng nộp lại các khoản chi phí đền bù và chuyển công tác. Điều này gây nhiều khó khăn cho các đơn vị trong công tác xây dựng kế hoạch đào tạo, triển khai các hoạt động chuyên môn.

Nhằm khắc phục tình trạng thiếu bác sĩ, ngành y tế các địa phương đều đã có những giải pháp “tự cứu mình”. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, đến nay tình trạng thiếu bác sĩ vẫn đang là thách thức không nhỏ. Thậm chí, có địa phương “thất bại” trong việc thực hiện các mục tiêu đề ra. Như tỉnh Đác Nông, hơn một năm triển khai đề án “Chính sách thu hút đãi ngộ cán bộ y tế có trình độ cao” giai đoạn 2014-2020, mới chỉ thu hút được một bác sĩ y học cổ truyền về công tác tại Bệnh viện đa khoa tỉnh, trong khi đó tiếp tục có bác sĩ xin chuyển công tác.

Thực tế tại các địa phương cho thấy, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu bác sĩ do chính sách đãi ngộ dành cho người công tác trong ngành y chưa cao. Với các tỉnh khó khăn khi chưa xây dựng được chính sách đãi ngộ cán bộ hợp lý, tạo dựng được môi trường làm việc an toàn, hiệu quả, sẽ rất khó thu hút nguồn nhân lực đủ khả năng, trình độ và sự an tâm phục vụ. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe, KCB của người dân, các địa phương cần tạo nguồn bổ sung cán bộ cho các cơ sở y tế bảo đảm chất lượng; xây dựng chính sách khuyến khích và thu hút cán bộ về công tác. Giám đốc Sở Y tế Sóc Trăng Trương Hoài Phong và Phó Giám Sở Y tế Đác Nông Nguyễn Thị Thanh Hương đều cho rằng, cần có nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực hơn nữa, quan trọng nhất vẫn là đẩy mạnh công tác đào tạo, xây dựng chính sách thu hút, đãi ngộ tốt, tạo môi trường làm việc tốt, mới có thể giải quyết việc thiếu nguồn nhân lực y tế tại các địa phương…

Vụ trưởng Tổ chức – Cán bộ (Bộ Y tế) Phạm Văn Tác cho rằng: Các tỉnh còn thiếu bác sĩ cần đa dạng hóa các loại hình đào tạo. Bên cạnh đào tạo hệ chính quy còn có các hình thức đào tạo khác, như đào tạo hệ cử tuyển, đào tạo theo địa chỉ cho đối tượng là người địa phương. Cùng với đó, tăng cường đào tạo chuyên sâu (theo chuyên khoa, theo nhu cầu, theo ê- kíp) để nâng cao chất lượng KCB, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng của người dân, giảm tình trạng vượt tuyến không cần thiết. Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đề án hỗ trợ tuyến dưới, như thí điểm “Đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo)”; luân chuyển cán bộ tuyến trên về hỗ trợ tuyến dưới (đề án 1816); Bệnh viện vệ tinh…

Hình thức đào tạo hệ chính quy là tốt nhất, tuy nhiên trong điều kiện thực tế hiện nay, vẫn nên duy trì một thời gian nhất định hình thức đào tạo liên thông, đào tạo theo địa chỉ để bảo đảm nguồn nhân lực có trình độ đại học ở các đơn vị, lĩnh vực khó tuyển. Hình thức đào tạo cử tuyển chỉ còn phù hợp những vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, không có nguồn lực.

Bên cạnh đó, phải có các chính sách đối với cán bộ y tế. Theo đó, tiếp tục thực hiện tốt các quy định về chính sách chế độ đối với cán bộ, viên chức y tế công tác ở vùng khó khăn. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng chế độ phụ cấp thâm niên nghề đối với công chức, viên chức ngành y tế; nâng mức lương khởi điểm của bác sĩ tương xứng thời gian đào tạo sáu năm…

Nguồn Nhân dân