Kỳ vọng vào sự đổi mới trong phiên chất vấn

Bên hành lang Quốc hội, phóng viên đã ghi nhận ý kiến của một số đại biểu đánh giá về hoạt động chất vấn của kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII sẽ diễn ra trong tuần tới.

 Ảnh: Trần Hải.

* Luôn quan tâm tới lĩnh vực nông nghiệp

Đại biểu Trương Minh Hoàng (Ảnh: Ngân Anh).

Hỏi: Trong nội dung chất vấn của kỳ họp này, ông quan tâm nhất tới vấn đề gì?

Đại biểu Trương Minh Hoàng (Đoàn Cà Mau): Trong hoạt động chất vấn từ trước tới nay, tôi quan tâm tới nhiều lĩnh vực. Từ kỳ họp thứ hai tới giờ, gần như kỳ họp nào, tôi cũng chất vấn bằng văn bản và chất vấn trực tiếp tại hội trường. Lần này cũng không ngoại lệ, tôi đã gửi những câu hỏi chất vấn có liên quan đến nội dung quan tâm nhất là lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn trong đó có vấn đề đáng lưu ý là đê biển.

Nếu kỳ nào không có cơ hội chất vấn tại hội trường, tôi thường xuyên chất vấn các bộ, ngành có liên quan về đầu tư đê biển, nguồn kinh phí, chống sạt lở… Đây là những vấn đề tôi thấy còn thiếu sót, chưa thực hiện được trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung, trong đó có lĩnh vực ứng phó biến đổi khí hậu. Đây là lĩnh vực cần thiết, và hoạt động thực hiện đến thời điểm này vẫn còn hạn chế.

Hỏi: Như đã nói, đại biểu quan tâm vấn đề này từ kỳ họp thứ hai. Giờ đã là kỳ họp thứ 10. Qua tám kỳ thực hiện hoạt động chất vấn, đại biểu nhận thấy có sự tiến triển nào trong vấn đề từng chất vấn?

Đại biểu Trương Minh Hoàng: Nếu như khẳng định chuyển biến, có thể chỉ được các bộ trưởng có chuyển biến rất rõ. Có người đứng đầu của bộ, ngành, như Bộ trưởng Giao thông – Vận tải, đã có chuyển biến. Tại nơi tôi ứng cử, bà con cũng rất hài lòng. Thí dụ, đến thời điểm này, đường quốc lộ từ Pác Bó, Cao Bằng, tới mũi Cà Mau đã có thể đi được bằng ô-tô. Chỉ năm vừa rồi thôi, ngay từ thời điểm kỷ niệm 40 năm Ngày Thống nhất đất nước, còn có hai huyện ở Cà Mau chưa có đường ô-tô đến trung tâm huyện, phải đi bằng đường thủy, thì nay, đến cuối năm đã cam kết thực hiện được.

Trong lần chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, tôi nói rất gay gắt rằng, nếu như nợ xấu không có giải pháp giải quyết thì trách nhiệm của Thống đốc ra sao, đến bao giờ giải quyết được. Thống đốc đã cam kết, và chúng tôi thấy chuyển biến rất rõ. Tình hình lạm phát cũng có phương án giải quyết, hay kiềm chế, ổn định lãi suất, thị trường tiền – vàng ổn định…

Hỏi: Tại kỳ họp này, ngoài tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, ông sẽ chất vấn tư lệnh ngành nào?

Đại biểu Trương Minh Hoàng: Tôi đang nghiên cứu tài liệu, và nếu như phát hiện những nội dung đã tham gia chất vấn, hoặc đại biểu ở đoàn khác chất vấn mà hiệu quả chưa cao, tôi sẽ đi sâu vào nội dung đó, và có cơ hội sẽ chất vấn các Bộ trưởng.

Hỏi: Ông đánh giá thế nào về sự thay đổi của kỳ họp thứ 10, khi không chọn tư lệnh ngành cụ thể để trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội?

Đại biểu Trương Minh Hoàng: Tôi thấy đây là cách đổi mới cách thức tiến hành. Nếu đánh giá tổ chức hoạt động chất vấn này sẽ hoàn chỉnh, hay hơn lần trước thì còn quá sớm, vì nội dung quá rộng, mà chọn vấn đề gì để chất vấn cũng rất khó cho người được hỏi.

Muốn một buổi chất vấn thành công, hay và đáp ứng được yêu cầu mong đợi của cử tri, người chất vấn và các vị đại biểu trong hội trường hài lòng, phải cần nỗ lực từ nhiều phía. Thứ nhất, người chất vấn phải hỏi sát, đúng với trọng tâm, sâu về nội dung cần quan tâm. Thứ hai, nội dung người trả lời chất vấn phải trả lời gọn, đúng trọng tâm.

Vì lý do nội dung rộng, nhiều vấn đề, cần phải chờ kết quả đầu tư của đại biểu như thế nào thì mới đánh giá được. Đương nhiên, tôi cho rằng để thực hiện bước đột phá, hay, thì một kỳ này cũng khó cho người chất vấn và trả lời chất vấn.

Hỏi: Trong các phiên chất vấn và trả lời chất vấn trước, Quốc hội dành hai ngày rưỡi cho năm thành viên Chính phủ trả lời. Nhưng trong lần này, sẽ có nhiều đại diện bộ, ngành tham gia. Thời gian như vậy có quá ngắn không, thưa ông?

Đại biểu Trương Minh Hoàng: Thời gian không thể kéo dài được. Tôi nghĩ, nếu như đọc báo cáo giám sát của Quốc hội, báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội… gửi đến các đoàn đại biểu Quốc hội, có 24 nhóm vấn đề được quan tâm từ đầu kỳ họp thứ hai đến giờ. Trong đó, 15 vấn đề được giải quyết cơ bản, còn chín vấn đề đã và đang làm. Tôi sẽ bám vào chín nhóm vấn đề này. Tôi nghĩ, những trưởng ngành đã làm tốt các công việc rồi, nhiều vấn đề đã đánh giá rồi, thì nên tập trung vấn đề còn lại, không tràn lan.

Xin cảm ơn đại biểu.Chưa có chế tài gì với những lời hứa của các Bộ trưởng

Đại biểu Võ Thị Dung (Ảnh: Ngân Anh).

Hỏi: Thưa bà, lâu nay chúng ta vẫn đề cập tới chuyện Nghị quyết của Quốc hội có giá trị như luật. Nhưng luật được giám sát thực hiện rất chặt chẽ, trong khi việc thực hiện Nghị quyết gần như chưa được quan tâm lắm?

Đại biểu Quốc hội Võ Thị Dung (đoàn TP Hồ Chí Minh): Lý do là vì Nghị quyết không có chế tài. Các Bộ trưởng, tư lệnh ngành cứ hứa như thế, giờ hết nhiệm kỳ rồi mới có thời gian để nhìn lại chứ không phải chúng ta kiểm tra qua từng năm cho nên cũng có khó khăn. Đã tới cuối nhiệm kỳ rồi, Quốc hội sắp kết thúc rồi, khi nhìn lại, các Bộ trưởng có thể không hoàn thành nhiệm vụ nhưng ai cũng ở vào cuối nhiệm kỳ rồi. Kỷ luật thì cũng kết nhiệm kỳ rồi, nên cũng không có tính khả thi trong chế tài. Cho nên, việc chịu trách nhiệm, kỷ luật để cho các Bộ trưởng, các tư lệnh ngành phải tập trung đầy đủ tinh thần Nghị quyết thì chưa có. Cho nên cũng không có xử lý gì được đối với những Bộ trưởng, tư lệnh ngành đó

Với cá nhân bà, bà ấn tượng với Bộ trưởng nào nhất trong nhiệm kỳ này?

Đại biểu Võ Thị Dung: Với các Bộ trưởng thì cũng khó nói. Nhưng với tôi ấn tượng nhất là Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư Bùi Quang Vinh, vì Bộ trưởng thể hiện rõ hành động, mặc dù có khó khăn nhưng quyết liệt, thể hiện trách nhiệm cao trước Quốc hội và cử tri.

Theo bà, cần có chế tài gì với những lời hứa của các Bộ trưởng?

Đại biểu Võ Thị Dung: Hiện tại chúng ta không có cơ chế gì. Còn nếu có cơ chế, việc áp dụng sẽ dễ dàng hơn. Thí dụ, qua chất vấn cuối nhiệm kỳ, Quốc hội sẽ có cuộc bỏ phiếu tín nhiệm với các bộ trưởng trong nhiệm kỳ, tôi nghĩ có tác dụng hơn. Nhưng bây giờ, quy chế bỏ phiếu tín nhiệm ba năm mới thực hiện một lần. Nói cách nào đó, trong một nhiệm kỳ chỉ thực hiện có một lần thôi.

Hỏi: Theo bà, việc bỏ phiếu tín nhiệm nên thực hiện bao nhiêu lần trong một nhiệm kỳ?

Đại biểu Võ Thị Dung: Tôi đã có ý kiến rồi, vẫn giữ như trước dây. Trước đây, Quốc hội có Nghị quyết 25 về bỏ phiếu tín nhiệm, theo đó, thực hiện bỏ phiếu hằng năm. Nhưng bây giờ Quốc hội đã sửa đổi và thay thế rồi, việc bỏ phiếu tín nhiệm chỉ thực hiện giữa nhiệm kỳ một lần thôi.

Xin cảm ơn bà.

* Theo lịch trình, phiên chất vấn của Quốc hội sẽ diễn ra từ sáng ngày 16 đến sáng 18-11. Phiên chất vấn của Kỳ họp thứ 10, Quốc hội XIII sẽ khác so với các lần chất vấn, trả lời chất vấn trước đó. Các đại biểu có thể đặt câu hỏi với tất cả các Bộ trưởng, trưởng ngành. Đối với những nội dung liên quan đến tổng hợp, một Phó Thủ tướng Chính phủ sẽ trả lời. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ sẽ trả lời chung các nội dung; đồng thời sẽ trả lời nếu có đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi.

Nguồn Nhân dân