Chủ tịch nước chủ trì Phiên họp 24 Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương
Chiều 13/11, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp (CCTP) Trung ương họp phiên thứ 24, cho ý kiến về báo cáo tổng kết thực hiện chương trình trọng tâm công tác CCTP giai đoạn 2011-2016; dự kiến chương trình trọng tâm giai đoạn 2016-2020. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì Phiên họp.
Báo cáo tổng kết thực hiện chương trình trọng tâm công tác CCTP giai đoạn 2011-2016, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo CCTP Lê Thị Thu Ba cho biết: Quá trình thực hiện các nhiệm vụ CCTP trong nhiệm kỳ đã bám sát mục tiêu Chiến lược CCTP, Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng và thu được nhiều kết quả quan trọng.
Nhận thức của cán bộ, đảng viên về vai trò CCTP trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN đầy đủ và sâu sắc hơn. Việc thể chế hóa các chủ trương, nhiệm vụ CCTP được chỉ đạo quyết liệt, tập trung, hiệu quả. Hiến pháp 2013 và 9 đạo luật về tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp được ban hành sau khi Hiến pháp có hiệu lực đã hoàn thiện một bước căn bản hệ thống pháp luật hình sự, dân sự, tố tụng tư pháp và tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp theo chủ trương CCTP của Đảng. Một trong những kết quả nổi bật của CCTP là Hiến pháp xác định rõ, Toà án nhân dân (TAND) là cơ quan thực hiện quyền tư pháp. Tổ chức TAND theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính. Việc cụ thể hóa mô hình tố tụng theo hướng kết hợp giữa tố tụng thẩm vấn với tố tụng tranh tụng, lấy kết quả tranh tụng làm cơ sở phán quyết của tòa án là thể hiện xu hướng tiến đến cách thức tổ chức của nền tư pháp hiện đại, góp phần tăng tính dân chủ, công khai, minh bạch, bình đẳng giữa các chủ thể tham gia tố tụng, bảo vệ tốt hơn quyền con người, quyền công dân. Công tác giám sát của cơ quan dân cử và của nhân dân được tăng cường. Dưới tác động của CCTP, công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và việc bắt giam giữ, cải tạo từng bước được thực hiện nghiêm minh, dân chủ, công bằng hơn, hạn chế được tình trạng oan sai.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chủ trì Phiên họp 24 |
Bên cạnh những kết quả nêu trên, việc thực hiện Chiến lược CCTP còn một số hạn chế như: Tư tưởng bảo thủ, chậm đổi mới tư duy về tư pháp và CCTP vẫn còn tồn tại ở một bộ phận cán bộ, đảng viên. Việc triển khai một số nhiệm vụ CCTP chưa đồng bộ, chưa theo đúng lộ trình đề ra. Đội ngũ cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao, nhất là trong điều kiện hội nhập. Công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án tuy được cải thiện nhưng vẫn còn một số sai sót, hạn chế, vi phạm pháp luật nghiêm trọng, bức xúc trong dư luận…
Góp ý vào dự thảo Báo cáo, các ý kiến cho rằng, báo cáođã phản ánh khátoàn diện, đầy đủ vềkết quảcông tác tư pháp trọng tâm 5 năm qua; đồng thời, khẳng định kết quả lớn nhấtlànhận thức trong Đảng, trong nhân dân về vị trí, vai trò của công tác CCTP đã có chuyển biến rõ rệt, mạnh mẽ, bám sát vào cương lĩnh của Đảng, tinh thần Hiến pháp năm 2013.Đội ngũ cán bộ tư pháp thay đổi căn bản về chất và lượng;tính hội nhập được nâng lên.
Cơ bản nhất trí với kết quả, phương hướng dự thảo Báo cáo đề ra, tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam tỏ ra băn khoăn về một số định hướng đã đưa ra trong nhiệm kỳ qua nhưng kết quả cuối cùng không như mong muốn. Ví dụ: Đề án về thống nhất thi hành án về một đầu mối; tổ chức mô hình tòa án và viện kiểm sát khu vực… “Phải chăng, xác định định hướng giữa lý luận với điều kiện thực tiễn chưa gắn kết chặt chẽ?” – Thứ trưởng đặt vấn đề.
Đồng quan điểm, Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình đề nghị báo cáo làm rõ nội dung nào đã đạt được và chưa đạt, trên cơ sở đó lựa chọn, đề ra phương hướng cho phù hợp.
Khẳng định công tác CCTP đã đạt được một số thành công, song Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Hữu Thể cho rằng, nhận thức về tư pháp nói chung vẫn chưa thống nhất. Điều này cản trởviệc thực hiện nhiệm vụ “đẩy mạnh việc thực hiện chiến lược CCTP đến năm 2020”.
Cũng trong Phiên họp, Ban Chỉ đạo cho ý kiến vào báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2011-2016 và phương hướng, nhiệm vụ công tác nhiệm kỳ 2016-2020 của Ban Chỉ đạo; đề xuất nội dung, chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2016 về những vấn đề có liên quan đến công tác cải cách tư pháp.
Phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang – Trưởng Ban Chỉ đạo khẳng định: Công tác CCTP trong nhiệm kỳ qua đã thu được nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, nhận thức trong Đảng, cán bộ, nhân dân về vị trí, vai trò, sự cần thiết của công tác CCTP chuyển biển tốt, nâng lên rõ rệt; hoàn thiện một bước căn bản hệ thống luật pháp, cụ thể hóa Hiến pháp 2013…
Tuy nhiên, Chủ tịch nước lưu ý, vẫn còn tồn tại những hạn chế, yếu kém cần khắc phục trong thời gian tới, đòi hỏi các cơ quan tư pháp tiếp tục tăng cường phối hợp, nỗ lực hơn nữa, tạo sự đồng thuận ngày càng cao hơn trong thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp.
Đánh giá Báo cáo được Thường trực Ban Chỉ đạo chuẩn bị kỹ, công phu, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị, cần tiếp tục tiếp thu ý kiến của thành viên Ban Chỉ đạo, chỉnh lý, hoàn thiện trình Bộ Chính trị trong tháng 12.
Nguồn ĐCSVN
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.