QH chất vấn: Dân lương vài ba triệu, cán bộ cấp thấp giàu nhanh

Hàng triệu người nông dân, hàng triệu người lao động công nhân hàng ngày vật lộn mức lương vài ba triệu đồng thì có nhiều cán bộ giàu lên một cách rất nhanh chóng” – ĐB Nguyễn Anh Sơn chất vấn.

 

Phiên chất vấn khai mạc lúc 8 giờ sáng nay 16-11 - Ảnh chụp qua màn hình
Phiên chất vấn khai mạc lúc 8 giờ sáng nay 16-11 – Ảnh chụp qua màn hình

Sáng nay 16-11, Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khoá XIII bắt đầu phiên chất vấnvới nhiều đổi mới. Không như các kỳ họp trước chỉ chọn nhóm vấn đề liên quan tới một số thành viên Chính phủ, Viện Kiểm sát, Tòa án để Quốc hội chất vấn, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội sẽ thực hiện chất vấn bất kỳ thành viên Chính phủ nào hay lãnh đạo cao nhất của Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao.

Đúng 8 giờ, phiên làm việc bắt đầu. Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: Theo chương trình kỳ họp chúng ta sẽ dành 2,5 ngày để tiến hành phiên chất vấn. Đây là phiên chất vấn cuối cùng trong khóa này.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn

Theo đó, Quốc hội sẽ nghe lại báo cáo của Chính phủ, TAND Tối cao, VKSND Tối cao… Chúng ta sẽ đánh giá lại toàn diện các kết quả đã thực hiện từ đầu nhiệm kỳ.

Đối tượng chất vấn của đại biểu trong kỳ họp này rất rộng. Mục đích là để đánh giá lại xem yêu cầu của Quốc hội trong hoạt động giám sát, chất vấn đã được thực hiện như thế nào? Đã tốt chưa? Qua đó đã thúc đẩy hoạt động của bộ máy nhà nước thực hiện tốt những điều cử tri mong muốn chưa?… Đồng thời nhìn nhận rõ những tồn tại, những vấn đề cần khắc phục để làm tốt hơn nữa trong thời gian tới.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị đại biểu và những người được chất vấn đi thẳng vào vấn đề, cùng thảo luận. Mục đích không phải là “làm căng thẳng vấn đề lên” mà là tìm giải pháp để thực hiện cho tốt, giải quyết cho tốt những vấn đề đặt ra.

Trước khi hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra, Quốc hội sẽ dành nửa buổi sáng 16-11 để nghe 5 báo cáo của Quốc hội, Chính phủ, Chánh ánTAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao về việc thực hiện và thẩm tra thực hiện các nội dung giám sát, chất vấn và kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội.

8 giờ 10 phút, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015.


Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo trước Quốc hội - Ảnh chụp qua màn hình

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo trước Quốc hội – Ảnh chụp qua màn hình

Báo cáo nêu rõ những kết quả đã đạt được và những tồn tại trong 17 lĩnh vực: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Ngân hàng; Công Thương; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tài nguyên và Môi trường; Giao thông vận tải; Xây dựng; Lao động, Thương binh và Xã hội; Y tế; Giáo dục và Đào tạo; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thông tin và Truyền thông; Tư pháp; Nội vụ; Thanh tra; An ninh, trật tự an toàn xã hội.

Báo cáo khẳng định thời gian qua Chính phủ, các Bộ, ngành đã nghiêm túc triển khai các Nghị quyết của Quốc hội và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội.

Nhiều việc đã hoàn thành, cơ bản hoàn thành; một số việc mang tính chất thường xuyên, lâu dài, đang được triển khai tích cực và cũng có những việc triển khai còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra do có bất cập trong cơ chế, chính sách, việc triển khai chưa quyết liệt, chưa đồng bộ, thiếu nguồn lực cần thiết và cần có thời gian.

Tuy nhiên Chính phủ cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế. Về lĩnh vực Kế hoạch và Đầu tư, Chính phủ nhìn nhận việc chấp hành đầu tư công một số nơi chưa nghiêm, tình trạng nợ đọng đầu tư xây dựng cơ bản một số nơi khắc phục còn chậm; tái cơ cấu kinh tế còn chậm; việc sắp xếp, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước ở nhiều ngành vẫn chưa đạt yêu cầu tiến độ đề ra.

Về lĩnh vực tài chính, việc cân đối ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn, cơ cấu chưa hợp lý; chi thường xuyên lớn, bội chi còn cao; vẫn còn tình trạng thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá và lãng phí trong chi ngân sách nhà nước; nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn. Việc sử dụng vốn vay do Chính phủ bảo lãnh ở một số dự án hiệu quả còn thấp.

Về lĩnh vực ngân hàng, việc cơ cấu lại một số ngân hàng, xử lý nợ xấu ở một số ngân hàng còn khó khăn; việc tiếp cận vốn tín dụng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn gặp khó khăn.

Lĩnh vực Nông nghiệp – Nông thôn, việc thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới chưa đạt yêu cầu; sản xuất nông nghiệp nhìn chung hiệu quả chưa cao, chưa xây dựng được nhiều thương hiệu mạnh; tiêu thụ nông sản và đời sống của một bộ phận người dân nông thôn còn gặp nhiều khó khăn; việc quản lý phân bón, vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm còn bất cập.

Lĩnh vực Tài nguyên – Môi trường, tình trạng vi phạm quản lý đất đai còn nhiều; ô nhiễm các làng nghề chậm được xử lý.

Lĩnh vực Lao Động, Thương binh và Xã hội: một số chính sách giảm nghèo chồng chéo; tình trạng người xuất khẩu lao động vi phạm pháp luật.

Lĩnh vực Y tế, tình trạng quá tải ở bệnh viện tuyến trung ương; khám chữa bệnh ở cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều yếu kém.

Lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo: giáo dục đại học, đào tạo nghề chưa gắn với nhu cầu xã hội; cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo chưa đáp ứng yêu cầu.

Lĩnh vực Văn hoá, Thể thao và Du lịch vẫn còn biểu hiện xấu về đạo đức, lối sống; phản cảm trong lễ hội; nhiều công trình thể thao sử dụng không đúng mục đích, khách quốc tế đến Việt Nam còn thấp so với nhiều nước trong khu vực.

Lĩnh vực Nội vụ tổ chức bộ máy còn cồng kềnh; chất lượng một bộ phận cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu.

Lĩnh vực An ninh – Trật tư cho thấy vẫn còn một số địa bàn còn phức tạp về tình hình an ninh trật tự, đã xảy ra 1 số vụ án đặc biệt nghiêm trọng, 1 số tổ chức nhen nhóm hình thành trái pháp luật.

Chính phủ tập trung chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương nỗ lực hơn nữa, tiếp tục triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội trong thời gian tới, nhất là những nội dung còn hạn chế, yếu kém. Chính phủ báo cáo và nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội.
8 giờ 55 phút, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015.


Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình trình bày Báo cáo - Ảnh chụp qua màn hình

Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình trình bày Báo cáo – Ảnh chụp qua màn hình

9 giờ 50 phút: Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015.


Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo - Ảnh chụp qua màn hình

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo – Ảnh chụp qua màn hình

Báo cáo này nêu rõ trong 3 năm qua, ngành Kiểm sát đã phát hiện 8.715 trường hợp vi phạm (45 trường hợp có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, 1.017 trường hợp giải quyết không đúng, không đầy đủ, 7.063 trường hợp vi phạm thời gian giải quyết. Đáng chú ý Viện Kiểm sát đã không phê chuẩn 313 trường hợp bắt khẩn cấp; huỷ quyết định tạm giữ, không phê chuẩn gia hạn tạm giữ 758 người; huỷ quyết định tạm giữ, yêu cầu trả tự do cho 385 người; ban hành 4.111 kiến nghị, kháng nghị khắc phục vi phạm…  Ở lĩnh vực giải quyết án hình sự, trong 3 năm qua, ngành Kiểm sát đã ban hành 3.073 kháng nghị phúc thẩm; Toà án xét xử chấp nhận 73,3% kháng nghị phúc thẩm; ban hành 341 kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Qua đó đã phát hiện nhiều bản án có dấu hiệu oan, sai, kịp thời kháng nghị để khắc phục sai sót, minh oan cho người vô tội như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn (Việt Yên, Bắc Giang).

10 giờ 05 phút: Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban dân nguyện của Ủy ban thường vụ Quốc hội Nguyễn Đức Hiền trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 9 của Quốc hội và tổng hợp kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đến năm 2015.


Trưởng Ban dân nguyện của Ủy ban thường vụ Quốc hội Nguyễn Đức Hiền trình bày Báo cáo - Ảnh chụp qua màn hình

Trưởng Ban dân nguyện của Ủy ban thường vụ Quốc hội Nguyễn Đức Hiền trình bày Báo cáo – Ảnh chụp qua màn hình

10 giờ 25 phút: Quốc hội tiến hành thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn. Điều hành phiên chất vấn, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho biết tính đến thời điểm hiện tại đã có 65 đại biểu đăng ký chất vấn và trả lời chất vấn.

Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) mở đầu phiên chất vấn - Ảnh chụp qua màn hình
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) mở đầu phiên chất vấn – Ảnh chụp qua màn hình

ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) nhận định từ kỳ họp thứ 2 đến kỳ họp thứ 9, QH đã thực hiện 8 phiên chất vấn, các nghị quyết của QH về giám sát chất vấn tạo ra những chuyển biến tích cực.

“Bộ GTVT đã giải quyết một phần nạn ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông giảm trên cả 3 tiêu chí; ngân hàng giảm nợ xấu; ngành xây dựng xử lý được tình hình quy hoạch xây dựng cũng như bất động sản…”- ĐB đến từ Nam Định dẫn chứng.

Theo ĐB này, trong thực tế, khi mà “trên bảo dưới chưa chắc đã nghe”, trên nói một đằng dưới triển khai một nẻo thì người lãnh đạo trực tiếp xuất hiện những việc cụ thể cần thiết và có tác dụng. Chúng tôi mong rằng các đồng chí Bộ trưởng, trưởng ngành sẽ sâu sát hơn nữa trong giải quyết tình hình thực tế. Từ thực tế thực hiện Nghị quyết về kiến nghị của cử tri, có những vấn đề mà đại biểu QH mà cử tri cả nước cảm thấy chưa yên tâm.

ĐB Sơn thẳng thắn chỉ ra: “Cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng đã tiến hành rất mạnh mẽ tuy nhiên hiện tượng hiện nay, quốc nạn tham nhũng vẫn còn nhức nhối trong đời sống. Và cử tri nhận ra rằng, hình như vào những năm cuối của nhiệm kỳ QH, trước ĐH Đảng các cấp, cuộc đấu tranh này chưa được đẩy lên một bước quyết liệt và mạnh mẽ hơn nữa”.

Trong điều kiện bối cảnh đời sống nhân dân còn vô cùng khó khăn, hàng triệu người nông dân, hàng triệu người lao động công nhân đang hàng ngày vật lộn mức lương vài ba triệu đồng thì có nhiều cán bộ của chúng ta, thậm chí cán bộ giữ cương vị rất thấp giàu lên một cách rất là nhanh chóng mà không có một trợ cấp khác nào cả.

Vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo đã được báo cáo cử tri, đã được trả lời chất vấn trước QH, nhưng đến nay việc bảo vệ biển đảo, chủ quyền của chúng ta vẫn còn là 1 câu hỏi chưa có câu trả lời trọn vẹn.

Đời sống nhân dân của chúng ta hiện nay khó khăn. Tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý giá cả cũng chưa thống nhất, ảnh hưởng tới người lao động, nhân dân. Những chất hại, sản phẩm độc hại bằng nhiều cách đặt lên bàn ăn của người lao động, nhân dân chưa được giải quyết. Với sản xuất nông nghiệp, người nông dân chưa yên tâm bám đồng ruộng trong sản xuất. Tình trạng tư thương nước ngoài len lỏi mọi miền quê của tổ quốc mua từ đỉa khô, lá cây, hạt điều, cau non… dẫn đến khó khăn trong sản xuất của nông dân.

Đây là những câu hỏi mà ĐB Nguyễn Anh Sơn muốn gửi tới Chính phủ và Bộ trưởng.

Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) trong phần chất vấn của mình gửi câu hỏi đến 5 vị Bộ trưởng - Ảnh chụp qua màn hình
Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) trong phần chất vấn của mình gửi câu hỏi đến 5 vị Bộ trưởng – Ảnh chụp qua màn hình

Mở đầu chất vấn của mình, ĐB Lê Văn Lai (Quảng Nam) nói: Chuẩn bị đến ngày 20-11, tôi xin trân trọng gửi đến thầy Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, lời chúc sức khoẻ, hạnh phúc và không sai sót trong bất cứ điều gì trong quá trình cải cách giáo dục hiện nay.

ĐB Lê Văn Lai nêu gần đây dư luận xã hội rất xôn xao, hay nói đúng hơn là xáo trộn tâm can về một vấn đề rất nhạy cảm, đó là việc thay đổi cách giảng dạy bộ môn lịch sử, từ một bộ môn độc lập thành một môn học tích hợp.

Đại biểu Lê Văn Lai (Quảng Nam) chất vấn Bộ trưởng Phạm Vũ Luận về tích hợp môn Lịch sử. Bộ trưởng Luận vắng mặt và sẽ trả lời vào chiều nay
Đại biểu Lê Văn Lai (Quảng Nam) chất vấn Bộ trưởng Phạm Vũ Luận về tích hợp môn Lịch sử. Bộ trưởng Luận vắng mặt và sẽ trả lời vào chiều nay

“Xin bộ trưởng cho biết: trước sự phản ứng mạnh mẽ của dư luận xã hội về việc trên, bộ trưởng hãy cho biết chính kiến quan điểm của mình về vấn đề này, nhất là tính đúng đắn, ưu việt của nó”- ông Lai đặt câu hỏi.

Tiếp đó ĐB Lê Văn Lai chất vấn Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Bộ trưởng có dự định gì trong việc thay đổi chương trình sách giáo khoa, giảng dạy lịch sử trong trường phổ thông theo hướng tích hợp không.

“Nếu chương trình tích hợp không dừng, không hoãn, Bộ trưởng có dám chịu trách nhiệm của mình trước nhân dân về tình đúng đắn của vấn đề này không?”- ông Lai đặt câu hỏi.

ĐB Lai cũng nói thêm rằng bất cứ sự phá vỡ nào cũng sẽ dẫn đến sai lầm về mặt kiến thức, nhận thức, nhất là về kiến thức lịch sử trong thể hệ trẻ.

“Và việc làm này sẽ không có chỗ cho sự khắc phục và rút kinh nghiệm”- ông Lai khẳng định.

Nguồn NLĐ