Người thầy – nhân tố quyết định thành công trong đổi mới giáo dục

Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã xác định phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục là khâu then chốt. Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết này, chất lượng đội ngũ giáo viên trên cả nước nhìn tổng thể đã có nhiều chuyển biến tích cực.

 

 Ảnh minh họa. Nguồn: tuyengiao.vn

Phải khẳng định rằng, nhà giáo luôn có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống giáo dục – đào tạo nói riêng và trong sự phát triển của xã hội nói chung. Từ xưa, cha ông ta đã dạy con cháu: “Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy”, “Không thầy đố mày làm nên”. Khoa học – công nghệ dù phát triển đến đâu chăng nữa thì máy móc cũng không thể thay thế được người thầy trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo. Vì lẽ đó, xã hội đã đặt niềm tin vào người thầy trong vai trò “dạy chữ, dạy người” và niềm tin đó đã được khắc sâu trong suy nghĩ, hành động của mỗi người dân Việt Nam.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, đội ngũ giáo viên phổ thông nước ta hiện nay đã cơ bản đủ về số lượng, có đủ các thành phần theo môn học; gần 100% đạt chuẩn và trên chuẩn đào tạo, có tinh thần trách nhiệm và đạo đức tốt, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục trong giai đoạn hiện nay.

Mục tiêu giáo dục theo tinh thần đổi mới là phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Tuy nhiên, phần lớn giáo viên phổ thông hiện nay đang dạy học theo phương pháp chủ yếu truyền thụ kiến thức lý thuyết một chiều cho học sinh, dẫn đến hoạt động của học sinh là ghi nhớ kiến thức rời rạc, có sẵn, khó vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề trong học tập và cuộc sống.

Bằng cách đổi mới trong khâu kiểm tra, đánh giá, thi cử vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo mong muốn “đánh tan” sức ỳ, tư duy cũ, ngại đổi mới của bộ phận không nhỏ thầy cô giáo trong ngành Giáo dục. Sự đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đang dần dần thay đổi phương pháp dạy cũ – học theo kiểu “thầy chép, trò ghi, thi học thuộc”, là lực cản đối với công cuộc đổi mới nền giáo dục, sang phương pháp dạy mới lấy người học làm trung tâm. Và để đổi mới phương pháp dạy học thành công, người thầy từ chỗ là người truyền đạt kiến thức một chiều theo lối áp đặt, còn trò là người tiếp nhận kiến thức một cách thụ động, thì nay phải thay đổi thành giáo viên chỉ là người hướng dẫn, định hướng cho học sinh cách thu nhận kiến thức một cách chủ động, tích cực, hỗ trợ học sinh giải đáp những thắc mắc khi cần thiết.

Sắp tới, khi Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa được thông qua sẽ đòi hỏi giáo viên đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích hợp, phân hóa, phát huy tính chủ động, sáng tạo. Vì nếu không đổi mới phương pháp dạy học thì chương trình, sách giáo khoa có hay đến mấy, học sinh vẫn không phát triển được năng lực. Do đó, mỗi giáo viên giờ đây phải là người tiên phong trong tiến trình đổi mới.

Để động viên, khích lệ giáo viên tích cực đổi mới, ngoài chính sách đãi ngộ xứng đáng về vật chất và tinh thần, cần có nhiều giải pháp đồng bộ như: Thực hiện chương trình đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ; đặc biệt là nâng cao quản lý hoạt động dạy bằng các chế tài, trong đó quy định giáo viên áp dụng các phương pháp dạy học hiện đại, phù hợp với hoàn cảnh. Đây được coi là giải pháp quản lý mang tính đột phá. Bước đầu, khi mới áp dụng, có thể còn gò bó, nhưng sẽ dần trở thành ý thức tự giác, tiến tới thành thói quen của mỗi giáo viên và của cả đội ngũ giáo viên.

Đất nước ta đang trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Điều này đòi hỏi, sự nghiệp giáo dục – đào tạo với vị trí, vai trò là quốc sách hàng đầu phải đi trước một bước. Trong giai đoạn hiện nay, việc đòi hỏi một nguồn nhân lực chất lượng cao là hết sức cấp bách. Trước những đòi hỏi đó, vai trò của người thầy càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết!

Nguồn ĐCSVN