Năm bí ẩn trong sức mạnh quân sự Trung Quốc

       Sức mạnh quân sự của Trung Quốc giống như tảng băng, chỉ nhìn thấy phần nổi chứ không thấy được những bí ẩn tàng chứa ở phần  chìm. Trefor Moss, nguyên biên tập viên tạp chí quân sự Jane Defence Weekly, nêu ra 5 bí ẩn về chiến lược quốc phòng của Trung Quốc.

Tàu đổ bộ của Hải quân Trung Quốc.

Thứ nhất là bí ẩn về kế hoạch chi tiêu quốc phòng dài hạn. Theo công bố chính thức của nước này, ngân sách năm 2012 là 106 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2011 và tăng gấp 4 lần so với thập kỷ trước. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc cho rằng con số thực tế nằm trong khoảng 120-180 tỷ USD.

Như vậy, chưa có ước tính nào đáng tin cậy về kế hoạch chi tiêu quốc phòng dài hạn của Bắc Kinh. Với xu hướng hiện tại, Trung Quốc có thể vượt Mỹ trở thành nước chi tiêu quân sự nhiều nhất thế giới trong những năm 2020 hoặc 2030 dù có quá nhiều biến số để dự đoán chính xác.

Hai là bí ẩn về chiến lược hạt nhân. Lầu Năm Góc cho rằng, “kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc hiện có khoảng 50-75 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) dùng nhiên liệu rắn, lỏng, bệ phóng cố định và bệ phóng di động. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, Bắc Kinh sở hữu hoặc có kế hoạch phát triển kho dự trữ vũ khí hạt nhân lớn hơn nhiều. Con số được đưa ra cuối năm 2011 cho biết nước này có khoảng 3.500 đầu đạn hạt nhân và Trung Quốc đang nhận thấy cơ hội chiến lược trong việc xây dựng kho vũ khí hạt nhân ngang bằng, thậm chí vượt cả Mỹ trong những thập kỷ tới. Trung Quốc hiện có 2 tàu ngầm hạt nhân Type 094 lớp Jin mang tên lửa đạn đạo – một con số không đủ để đảm bảo sức mạnh răn đe chiến lược của một siêu cường đầy tham vọng nhưng kế hoạch thực sự xây dựng đội tàu SSBN của Trung Quốc ra sao vẫn chưa rõ.

Ba là bí ẩn về mục tiêu của Hải quân Trung Quốc. Các nhà phân tích Mỹ thường sử dụng hình ảnh “Chuỗi ngọc trai” để mô tả chiến lược thiết lập mạng lưới căn cứ hải quân ở nước ngoài của Trung Quốc, đặc biệt là ở Ấn Độ Dương. Báo cáo mới nhất của Lầu Năm Góc cũng không đề cập tới việc liệu Trung Quốc có kế hoạch xây dựng mạng lưới căn cứ lâu dài cho hải quân hay không. Tuy nhiên, có nhiều dự đoán rằng Trung Quốc sẽ triển khai lực lượng quân sự đến các căn cứ cảng đã xây dựng ở Myanmar, Pakistan và Sri Lanka. Bất chấp những bàn tán bên ngoài, Bắc Kinh vẫn kín tiếng về tham vọng dài hạn của mình. Báo cáo của Lầu Năm Góc có đề cập tới những vấn đề liên quan đến chương trình tàu sân bay tương lai của Trung Quốc, nhưng chỉ mới cho biết rằng “Trung Quốc có thể đã sản xuất được một số bộ phận của tàu sân bay” và phỏng đoán “Trung Quốc sẽ chế tạo nhiều hàng không mẫu hạm và tàu hỗ trợ trong thập kỷ tới”.

Bốn là bí ẩn về hệ thống vũ khí vũ trụ Trung Quốc. Báo cáo của Lầu Năm Góc cho rằng Trung Quốc đang xây dựng một mạng lưới vệ tinh định vị toàn cầu (GPS) riêng, phóng tàu vũ trụ Thần Châu lên quỹ đạo năm 2011 và phát triển tên lửa bắn hạ vệ tinh từ mặt đất. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc không đề cập đến một trong những chương trình vũ trụ đầy tham vọng của Trung Quốc như nghiên cứu chế tạo máy bay vũ trụ Thần Long… có thể làm tăng nguy cơ một cuộc chạy đua với Mỹ.

Bí ẩn thứ năm liên quan đến câu hỏi: Trung Quốc là “hổ giấy” hay là “rồng lửa” thực sự? Có rất nhiều đánh giá khác nhau về quân đội Trung Quốc. Mạng lưới tình báo của Trung Quốc khá hiệu quả trong việc tìm kiếm bí mật quân sự nước ngoài nhưng không rõ những bí mật này được ứng dụng ra sao trong các chương trình quân sự của Trung Quốc. Chương trình cải cách ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc cách mạng hóa khả năng tự lực của nước này song mức độ ra sao thì chưa rõ.

Tất cả các ẩn số nói trên đặt ra một câu hỏi lớn: liệu sức mạnh của quân đội Trung Quốc là có thực hay bị phóng đại? Trong trường hợp xảy ra xung đột, liệu quân đội Trung Quốc có đáp ứng được kỳ vọng quốc gia? Những nhược điểm như nạn tham nhũng và thiếu kinh nghiệm chiến trường có làm suy yếu năng lực của quân đội Trung Quốc? Theo cựu biên tập viên Trefor Moss, đó là những câu hỏi còn bỏ ngỏ trong báo cáo đánh giá thường niên mới nhất của Lầu Năm Góc về sức mạnh quân sự của Trung Quốc và chỉ có Mỹ mới biết có câu trả lời.