Quốc hội bỏ phiếu bầu Hội đồng Bầu cử Quốc gia gồm 21 thành viên
Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia là ông Nguyễn Sinh Hùng – Chủ tịch Quốc hội khoá XIII. Ông Nguyễn Hạnh Phúc làm Tổng Thư ký Quốc hội.
Theo Báo cáo kết quả thảo luận ở Đoàn do Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng trình bày sáng 25/11, đa số các Đoàn đại biểu Quốc hội đồng ý với danh sách các Phó Chủ tịch và các Ủy viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia.
Các đại biểu Quốc hội bỏ phiếu |
Ngay sau đó, Quốc hội đã biểu quyết thông qua danh sách và tiến hành bỏ phiếu bầu các Phó Chủ tịch và các Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia; bầu Tổng thư ký Quốc hội.
Như vậy, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã được Quốc hội thành lập với 21 thành viên.
Chủ tịch Hội đồng là ông Nguyễn Sinh Hùng – Chủ tịch Quốc hội khoá XIII.
4 Phó Chủ tịch Hội đồng gồm: Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Uỷ ban TW MTTQVN Nguyễn Thiện Nhân.
Chủ tịch Hội đồng là ông Nguyễn Sinh Hùng – Chủ tịch Quốc hội khoá XIII. |
16 Uỷ viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia:
1. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân – Phó Chủ tịch Quốc hội
2. Ông Huỳnh Ngọc Sơn – Phó Chủ tịch Quốc hội
3. Ông Uông Chu Lưu – Phó Chủ tịch Quốc hội
4. Ông Tô Huy Rứa – Trưởng Ban Tổ chức Trung ương
5. Ông Ngô Văn Dụ – Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương
6. Ông Phùng Quang Thanh – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng
7. Ông Trần Đại Quang – Bộ trưởng Bộ Công an
8. Bà Nguyễn Thị Nương – Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc UBTVQH.
9. Ông Nguyễn Hạnh Phúc – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
10. Ông Nguyễn Thái Bình – Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
11. Ông Nguyễn Bắc Son – Bộ trưởng Bộ TT-TT
12. Bà Nguyễn Thị Thanh Hoà – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam
13. Ông Đặng Ngọc Tùng – Chủ tịch Tổng LĐ Lao động Việt Nam.
14. Ông Nguyễn Quốc Cường – Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam
15. Ông Nguyễn Văn Được – Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam
16. Ông Nguyễn Đắc Vinh – Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS HCM
Ông Nguyễn Hạnh Phúc – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội được các đại biểu bầu làm Tổng Thư ký Quốc hội khoá XIII.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc được bầu làm Tổng Thư ký Quốc hội khoá XIII |
Nghị quyết về Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, thành lập Hội đồng Bầu cử Quốc gia và Nghị quyết bầu Tổng thư ký Quốc hội cũng đã được Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua với tỷ lệ tán thành đạt 88,66% và 86,23% tổng số đại biểu Quốc hội.
Ngày bầu cử là ngày Chủ nhật, 22/5/2016. Quốc hội giao UBTVQH công bố ngày bầu cử trước 115 ngày đúng theo luật định.
Thay mặt Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cảm ơn sự tín nhiệm của Quốc hội giao trọng trách to lớn là hướng dẫn, đạo công tác bầu cử Quốc hội khoá XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
“Tôi hứa làm hết sức mình, tuân thủ nghiêm túc Hiến pháp và pháp luật để cuộc bầu cử được thực hiện theo đúng Hiến pháp và pháp luật; mong các vị đại biểu, đồng bào ủng hộ, giám sát, giúp đỡ để tổ chức thành công cuộc bầu cử vào 22/5/2016”, ông Nguyễn Sinh Hùng nói.
Người không còn giữ chức vụ hiện hành có còn tham gia Hội đồng?
Về ý kiến đề nghị làm rõ những người trong Hội đồng trong thời gian tới nếu không còn giữ chức vụ như hiện nay thì có còn là thành viên Hội đồng hay không, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, việc giới thiệu thành viên Hội đồng tuân theo quy định của pháp luật và thực tiễn công tác cán bộ hiện nay.
Các đồng chí được giới thiệu tham gia Hội đồng đều thực hiện theo sự phân công của Đảng. Từ nay đến khi bầu cử Quốc hội khoá XIV và HĐND các cấp, nếu có thay đổi chức vụ và xét thấy cần thiết thì Hội đồng trình Quốc hội xem xét quyết định.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng |
Cũng theo Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, có ý kiến đề nghị giải thích căn cứ pháp lý bầu chức danh này; có ý kiến đề nghị bầu Tổng Thư ký vào Kỳ họp thứ 11 của Quốc hội hoặc vẫn bầu chức danh này nhưng Nghị quyết phê chuẩn có hiệu lực từ 1/1/2016.
Theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Luật Tổ chức Quốc hội có hiệu lực từ 1/1/2016. Từ nay đến thời điểm đó thời gian không còn dài, nếu để Kỳ 11 mới bầu thì khoảng thời gian khi luật có hiệu lực không có Tổng Thư ký thực hiện các nhiệm vụ theo luật. Vì vậy bầu chức danh Tổng Thư ký tại thời điểm này là cần thiết, phù hợp yêu cầu thực tiễn, không phải tổ chức thêm phiên họp bất thường.
Tuy nhiên, để phù hợp với quy định của luật và tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Nghị quyết phê chuẩn chức danh Tổng Thư ký sẽ có điều quy định rõ thời điểm có hiệu lực cùng hiệu lực của Luật Tổ chức Quốc hội./.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.