Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang Paris tham dự COP 21
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ có bài phát biểu, khẳng định cam kết chính trị mạnh mẽ chủ động, có trách nhiệm nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu
Nhận lời mời của Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Vương quốc Bỉ Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncke, sáng nay (29/11), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam rời Hà Nội sang Paris, Pháp trong hai ngày 30/11 và 1/12 để tham dự Hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 21) và gặp gỡ lãnh đạo cấp cao của Pháp. Sau đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ thăm làm việc tại Vương quốc Bỉ và Liên minh Châu Âu trong ngày 2/12 tới.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. |
Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu ra đời năm 1992 tại Brazil. Đây là văn bản pháp lý toàn cầu đầu tiên làm cơ sở cho hợp tác quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, do khác biệt về quan điểm và lợi ích nên hơn 20 năm qua, các nước vẫn chưa đạt được đồng thuận về một thỏa thuận mới chi tiết hóa các nội dung của Công ước. Theo các nghiên cứu khoa học, nếu các nước không nỗ lực cắt giảm phát thải thì nhiệt độ trái đất có thể tăng lên 4,8 độ C vào cuối thế kỷ này và đây sẽ làm thảm họa đối với nhân loại, nhất là mức nước biển có thể dâng cao đến 2 m, nhấn chìm nhiều quốc gia đảo nhỏ và các vùng cửa sông, ven biển và đồng bằng trù phú trên trái đất, trong đó Việt Nam là một trong những nước dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu.
Trước những tác hại ngày càng khốc liệt của biến đổi khí hậu đối với nhân loại, COP 21 được tổ chức với quy mô là một trong những hội nghị toàn cầu lớn nhất trong năm 2015 với sự tham dự của khoảng 50 nghìn đại biểu đến từ 185 nước trên khắp thế giới. Mục tiêu chính của COP 21 là thông qua một khuôn khổ pháp lý toàn cầu mới về biến đổi khí hậu cho giai đoạn sau năm 2020, gọi là Thỏa thuận Paris 2015 với sự cam kết của các nước cắt giảm lượng khí thải nhằm hạn chế tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức dưới 2 độ C vào cuối thế kỷ XXI so với thời kỳ tiền công nghiệp 1850-1990. Nếu Thỏa thuận Paris 2015 được thông qua, đây sẽ là lần đầu tiên trong suốt hơn 20 năm đàm phán về khí hậu trong khuôn khổ Liên hợp quốc, cộng đồng quốc tế mới đạt được một thỏa thuận mang tính ràng buộc với sự tham gia của tất cả các quốc gia thải lượng khí gây hiệu ứng nhà kính lớn, kể cả các nước phát triển và đang phát triển.
Theo chương trình nghị sự, Tổng thống Pháp Francois Hollande sẽ chủ trì khai mạc phiên họp toàn thể cấp cao COP 21 vào ngày mai 30/11 với sự tham dự của ít nhất 150 nguyên thủ, người đứng đầu Chính phủ các quốc gia trên thế giới và các tổ chức, định chế tài chính quốc tế. Cùng với các bài phát biểu của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon, Chủ tịch COP 20 Peru, Chủ tịch COP 21 Pháp, Tổng thống Hoa Kỳ, Tổng thống Nga, Chủ tịch Trung Quốc, Thủ tướng các nước Anh, Ấn Độ, Đức, Nhật Bản…,Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ có bài phát biểu quan trọng tại phiên họp cấp cao của COP 21, khẳng định với thế giới cam kết chính trị mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam đã, đang và tiếp tục chủ động, có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế chung tay nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu bằng những hành động cụ thể cả ở tầm quốc gia và quốc tế. Việt Nam là một trong 150 nước trước hội nghị COP 21 đã chủ động đưa ra mức cam kết quốc gia để cùng cộng đồng quốc tế nỗ lực giảm phát thải nhà kính nhằm đảm bảo mục tiêu giữ nhiệt độ trái đất vào năm 2100 tăng không quá 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Cùng với tham dự các hoạt động chính tại COP 21, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ tiến hành các cuộc tiếp xúc song phương với các nhà lãnh đạo các quốc gia, các tổ chức quốc tế nhằm thúc đẩy cơ hội hợp tác, hỗ trợ trong lĩnh vực biến đổi khí hậu. Đây là điều rất cần thiết trong bối cảnh Việt Nam là một trong những nước dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu. Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng sẽ đồng chủ trì Đối thoại cấp cao về ứng phó với biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long với sự tham gia của của lãnh đạo các quốc gia trong khu vực, các nước đối tác và ngân hàng thế giới….vvv.
Kết thúc tham dự COP 21, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Đoàn đại biểu Việt Nam sẽ sang thăm, làm việc tại Vương quốc Bỉ và Liên minh Châu Âu ngày 2/12 tới. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ gặp gỡ Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker (Giăng Clốt Găng-cơ), Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk (Đô-man Tu-xcơ) và hội kiến với Chủ tịch Nghị viện Châu Âu Martin Schulz (Mác-tin Xun-đơ) nhằm trao đổi các biện pháp đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu như năng lượng, tăng trưởng xanh, đào tạo nghề…Đặc biệt, nhân dịp này, Việt Nam và Liên minh Châu Âu sẽ ra Tuyên bố chung chính thức kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do sau 14 phiên đàm phán kéo dài hơn 5 năm. Sau khi được phê chuẩn, Hiệp định này có hiệu lực sẽ mở ra cơ hội lớn trong hợp tác kinh tế, nhất là phát triển thương mại, nâng cao sức cạnh tranh và giá trị của hàng hóa Việt Nam tại Châu Âu. Đây đang là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam với kim ngạch xuất nhập khẩu gần 31 tỷ USD trong 9 tháng năm nay, trong đó Việt Nam xuất khẩu tới 22,6 tỷ USD…vvv.
Cũng tại Thủ đô Brussels, Vương quốc Bỉ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ gặp lại Thủ tướng Bỉ Charles Michel- vị Thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử nước này. Cách đây hơn 1 năm trong chuyến thăm chính thức Bỉ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là vị khách quốc tế đầu tiên của ông Charles Michel trên cương vị Thủ tướng. Trong cuộc hội đàm lần này, hai Thủ tướng sẽ cùng nhau trao đổi sâu rộng những định hướng lớn và thống nhất các biện pháp cụ thể nhằm tiếp tục thắt chặt quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước, đồng thời đẩy mạnh hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực, nhất là kinh tế, thương mại, đầu tư, cảng biển, dịch vụ hậu cần, giao thông vận tải, công nghệ xanh, công nghệ cao, hàng không-vũ trụ và giáo dục đào tạo…đem lại lợi ích thiết thực cho cả Việt Nam và Vương quốc Bỉ./.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.