Lịch sử là điểm tựa cho lòng tin vào sức mạnh của dân tộc
Lịch sử là cội nguồn của sức sống, là sự trường tồn của dân tộc. Sứ mạng của khoa học lịch sử vì vậy là hết sức nặng nề, nhưng cũng hết sức vẻ vang. Đây là những đánh giá của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Đại hội Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam diễn ra ngày 30/11 tại Hà Nội.
Chủ tịch nước chụp ảnh với các nhà sử học (ảnh: Minh Anh)
Phát biểu tại Đại hội Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá sứ mệnh của khoa học lịch sử là hết sức nặng nề nhưng cũng vô cùng vẻ vang, khoa học lịch sử là cánh cửa mở ra cho dân tộc ta đến với các nền văn hóa, văn minh của nhân loại. Ông nhấn mạnh, nghiên cứu lịch sử là con đường đưa chúng ta đến với kho tàng những kinh nghiệm vô giá mà cha ông đã đúc kết bằng mồ hôi và xương máu. Lịch sử là nền tảng vững chắc của truyền thống yêu nước và điểm tựa cho lòng tin vào sức mạnh của dân tộc.
Đề cập đến thời điểm ra đời của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam vào năm 1966, Chủ tịch nước cho rằng, hình ảnh người chiến sĩ ra trận với hành trang không chỉ là súng đạn mà còn với một quyển lịch sử đã trở thành biểu tượng của một đất nước đã có mấy nghìn năm sự nghiệp chống ngoại xâm. Chủ tịch nước khẳng định, những chiến công oai hùng của dân tộc có phần cống hiến xứng đáng của các nhà sử học, đặc biệt là trong thời gian qua khi Biển Đông dậy sóng, lợi ích dân tộc, chủ quyền đất nước bị xâm phạm, các nhà sử học đã tích cực nghiên cứu tìm tòi để đưa ra những chứng cứ lịch sử góp phần khẳng định chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông.
Về phương hướng hoạt động sắp tới của Hội, Chủ tịch nước đề nghị Hội huy động ở mức cao nhất về lực lượng và công sức của giới sử học vào việc triển khai và hoàn thành với chất lượng tốt nhất bộ Lịch sử Việt Nam. Các nhà sử học cũng cần trực tiếp tham gia phản biện đối với sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, trước hết là vai trò, chức năng môn lịch sử trong giáo dục phổ thông.
Trong giai đoạn hội nhập, các nhà sử học cần tranh thủ sự ủng hộ của giới sử học quốc tế đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời có những hoạt động tích cực để nâng cao hiểu biết và niềm yêu thích của nhân dân, nhất là thế hệ trẻ đối với lịch sử dân tộc.
Tại đại hội, các nhà sử học cũng tập trung bàn tới nhiều vấn đề nóng được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, đó là việc học và dạy lịch sử trong nhà trường. Nhà giáo, GS. Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội KHLS Việt Nam nhấn mạnh, nhiệm vụ hàng đầu của Hội là góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền sử học Việt Nam. Nhiều kết quả nghiên cứu và hội thảo đã nâng cao hiểu biết về lịch sử, phục vụ yêu cầu phát triển của đất nước và tạo nên một số nhận thức mới về lịch sử dân tộc. Hội nhận thức sâu sắc rằng tư vấn, phản biện, giám định là chức năng vô cùng quan trọng đòi hỏi tinh thần trách nhiệm cao và yêu cầu điều tra, nghiên cứu hết sức sâu sắc nghiêm túc, bảo đảm các ý kiến đề xuất, kiến nghị phải có cơ sở khoa học và sức thuyết phục cao. Đặc biệt, trong thời gian tới, trọng tâm tư vấn, phản biện của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam trong thời gian qua và sắp tới là vấn đề dạy và học lịch sử trong trường phổ thông- GS. Phan Huy Lê nhấn mạnh. Ông cho biết, Hội đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hai hội thảo quốc gia đánh giá thực trạng dạy và học môn lịch sử trong các trường trung học và đề ra các giải pháp khắc phục. Hội cũng kiến nghị trong lúc chưa biên soạn sách giáo khoa mới, cần bổ sung nội dung về lịch sử xác lập và đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Cùng đó, đề án nghiên cứu và biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam với yêu cầu của một bộ quốc sử gồm 25 tập lịch sử và 5 tập biên niên sự kiện đang được triển khai, sẽ cố gắng phản ánh toàn bộ kết quả nghiên cứu về lịch sử Việt Nam ở trong nước và những thành tựu có chọn lọc trên thế giới. Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ toàn vẹn của đất nước cũng là một hướng nghiên cứu được Hội hết sức quan tâm và đạt nhiều kết quả góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Từ những kết quả nghiên cứu đạt được, Hội tích cực tham gia các hoạt động truyền bá kiến thức lịch sử và giáo dục truyền thống trong các tầng lớp xã hội, nhất là lớp trẻ.
Tại đây, các đại biểu đã bỏ phiếu và tiếp tục tín nhiệm bầu ban chấp hành mới gồm 64 thành viên, GS. Phan Huy Lê tiếp tục làm Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nhiệm kỳ 2015-2020.
Nguồn Tổ quốc
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.