Khai mạc Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015
Lễ khai mạc Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015 đã diễn ra ngày 9/12 tại Trung tâm triển lãm Văn hóa, Nghệ thuật Việt Nam, số 2 Hoa Lư, Hà Nội.
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh và các đại biểu cắt băng khai mạc Triển lãm (ảnh: T.H)
Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam là hoạt động được tổ chức 5 năm 1 lần dành cho giới mỹ thuật cả nước. Triển lãm do Bộ VHTTDL và Hội Mỹ thuật Việt Nam phối hợp tổ chức.
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh; Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thế Kỷ đã đến dự và cắt băng khai mạc Triển lãm.
Với chủ đề “Giấc mơ chuyên nghiệp”, Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015 nhận được 4076 tác phẩm của 2002 tác giả gửi đến tham dự. Hội đồng Nghệ thuật chọn 409 tác phẩm để trưng bày triển lãm. Theo Ban tổ chức, số lượng tác phẩm được lựa chọn để trưng bày năm nay chỉ hơn một nửa so với kì trước nhằm trưng bày thưa, thoáng, đảm bảo thẩm mỹ.
Phát biểu tại lễ khai mạc Triển lãm, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nhận định: “Năm năm qua, đời sống mỹ thuật đã có nhiều chuyển biến trong bối cảnh tình hình kinh tế, xã hội của thế giới và trong nước có nhiều biến động, thuận lợi và khó khăn đã tác động đến đời sống mỹ thuật. Hoạt động sáng tạo nghệ thuật những năm qua đã thực tế và sâu sắc hơn, phản ánh trung thực đời sống Mỹ thuật Việt Nam hiện nay. Các tác phẩm trưng bày trong Triển lãm cho người xem thấy được sự trăn trở, trách nhiệm của các nghệ sĩ trước lịch sử và cuộc sống đương đại, sự tiếp nối của các thế hệ nghệ sĩ, giữa truyền thống và hiện đại để cùng nhau thúc đẩy sự phát triển của Mỹ thuật Việt Nam trong những năm tới…”
Tại lễ khai mạc, BTC đã trao 38 giải thưởng gồm: 02 Huy chương Vàng; 04 Huy chương Bạc; 12 Huy chương Đồng và 20 giải Khuyến khích cho các nhà điêu khắc, các họa sĩ có những tác phẩm xuất sắc.
Điểm mới của Triển lãm năm nay là BTC đã mời được tất cả các loại hình, từ video art, nghệ thuật trình diễn, sắp đặt, body art… tham gia.
Một điểm nổi bật khác tại Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015, nhiều tác phẩm đã bằng ngôn ngữ nghệ thuật “kể” lại ấn tượng những câu chuyện thời đại mang như các yếu tố tín ngưỡng, tôn giáo: “Lên đồng” của Trần Quốc Giang, “Đức tin” của Võ Việt Dũng hay câu chuyện công nghệ khiến con người thờ ơ với cuộc sống trong “Tuổi teen” của Phạm Hồng Như. Triển lãm cũng xuất hiện nhiều tác phẩm về chủ đề biển đảo, những vấn đề tiêu cực, tham nhũng… Và những tác phẩm mang hơi thở cuộc sống của các họa sĩ gạo cội như: bức sơn mài “Ngày mùa ở Hợp tác xã Đại Phong” của họa sĩ Đinh Trọng Khang; sơn dầu “Chiều biên giới” của họa sĩ Trần Huy Oánh, “Tổ quốc gọi” của nữ họa sĩ Lê Thị Kim Bạch; họa sĩ lão thành Phan Kế An đã 92 tuổi vẫn gửi tranh tham dự…
Triển lãm Mỹ thuật 2015 thu hút sự quan tâm của công chúng (ảnh: T.H)
Bên cạnh những gương mặt lão thành, kì cựu sự hiện diện của các loại hình nghệ thuật đương đại của các tác giả trẻ tại triển lãm đang kỳ vọng sẽ mang đến một “làn gió” mới tới công chúng.
Nhà Phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng nhận xét: “Các tác phẩm được trưng bày cho thấy mỹ thuật Việt Nam đang có rất nhiều hình thức và ngôn ngữ mới, nhưng hầu hết còn chưa chín muồi, những tác giả lớn tuổi vẫn chiếm một vị thế về sáng tác có chiều sâu. Tôi ấn tượng với những cách biểu đạt nằm ngoài chủ nghĩa Hiện đại (Modern Art) từng hấp dẫn các họa sỹ Việt Nam suốt thế kỷ 20, những hình thức đó bây giờ có thể nói là cũ rồi, không nên bàn đến Picasso nữa. Tuy vậy để sang giai đoạn Hậu Hiện đại (Post Modern Art), thì phải có một đời sống xã hội tương ứng. Đời sống ở ta đang có nhiều kỹ thuật bắt nhịp với thế giới, nhưng các mặt khác chưa tương ứng về văn hóa, nền dân chủ, đặc biệt là lối sống trong giai đoạn toàn cầu hóa và kỹ thuật số… Nhìn toàn cảnh gần 5.000 tác phẩm mà chỉ lựa chọn 1/10 để trưng bày, cho thấy sự quan tâm đến những giá trị thực sự tiêu biểu của ngôn ngữ nghệ thuật. Triển lãm cũng cho thấy một triển vọng tốt của mỹ thuật Việt Nam, gần 5.000 tác phẩm khẳng định một nền tảng nghệ thuật có tính học thuật trong toàn quốc”.
Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015 sẽ diễn ra đến hết ngày 23/12/2015. Trong khuôn khổ Triển lãm sẽ có 04 cuộc tọa đàm với nội dung xoay quanh những vấn đề mà nghệ sĩ, công chúng quan tâm. Cụ thể, Hội thảo “Vai trò cá nhân của nghệ sĩ trong sáng tác mỹ thuật” diễn ra vào ngày 11/12; ngày 15/12 Hội thảo “Sáng tác đồ họa trong nước và quốc tế giai đoạn hiện nay”; Ngày 21/12, Hội thảo “Thị trường Mỹ thuật và sự phát triển các mô hình giám tuyển của Việt Nam từ đầu thập niên 90 đến nay”; Ngày 22/12, Hội thảo “Nghệ thuật – Bản sắc văn hóa trong thời đại số”.
Nguồn Tổ quốc
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.