Cần sự đồng thuận cao trong tu bổ, tôn tạo di tích Gò Ðống Ða
Tượng đài Quang Trung - Nguyễn Huệ trong Công viên văn hóa Ðống Ða.
Khu vực Gò Ðống Ða gồm hai phần, di tích Gò Ðống Ða và Khu Công viên văn hóa Ðống Ða. Di tích Gò Ðống Ða có ý nghĩa quan trọng về mặt lịch sử. Mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789, dưới sự lãnh đạo của Vua Quang Trung, quân và dân ta tiến công thần tốc, đánh đuổi 290 nghìn quân Thanh ra khỏi bờ cõi nước ta. Trận đánh có ý nghĩa quyết định đã diễn ra tại Gò Ðống Ða, Hà Nội. Xác giặc chết sau này được đắp thành nhiều gò đống ở khu vực này. Trong thời Pháp thuộc, các gò đất đều bị san phẳng, chỉ còn lại duy nhất Gò Ðống Ða. Vì vậy, đây được xem là biểu tượng tinh thần quật cường của dân tộc. Gò Ðống Ða được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia năm 1962, có diện dích hơn 6.000 m2. Trên gò từng có đền Trung Liệt, thờ những nhân vật lịch sử có công lớn với đất nước như: Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu… nhưng đã bị phá hủy, chỉ còn dấu tích nền móng.
Công viên văn hóa Ðống Ða được xây dựng năm 1989, vào dịp kỷ niệm 200 năm Ngày Vua Quang Trung đại phá quân Thanh. Tại đây có tượng đài Quang Trung - Nguyễn Huệ, phù điêu về cuộc chiến, sân hành lễ… Tại khu vực tượng đài Quang Trung, đã thành truyền thống, mồng 5 Tết Âm lịch hằng năm diễn ra lễ hội kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi - Ðống Ða, một trong những lễ hội lớn nhất của Thủ đô. Tuy nhiên, cùng với thời gian, các hạng mục thuộc khu di tích và khu công viên đều xuống cấp, không phát huy được vai trò của một khu công viên văn hóa. UBND quận Ðống Ða đã có chủ trương tôn tạo khu di tích theo phương án xã hội hóa. Công ty CP Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (Geleximco) là đơn vị đứng ra đầu tư.
Ðể chuẩn bị triển khai dự án, UBND quận Ðống Ða đã phối hợp Viện Bảo tồn Di tích (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) tổ chức hội thảo lấy ý kiến các nhà khoa học nhằm tìm phương án tu bổ tối ưu. Viện Bảo tồn Di tích và chủ đầu tư dự án là Công ty Geleximco đã đưa ra hai phương án tôn tạo. Phương án thứ nhất là phục dựng đền Trung Liệt, mở rộng và cải tạo lối vào di tích hiện nay, dựng lại cổng vào, tôn tạo sân phía trước gò thành sân lễ hội. Khu vực công viên sẽ giữ nguyên tượng đài nhưng quy hoạch lại cây xanh, cảnh quan cho phù hợp với tính chất khu di tích. Phương án thứ hai, đối với khu vực gò, sẽ xây một lầu bát giác để gợi nhớ dấu tích đền Trung Liệt. Khu vực công viên sẽ tu bổ lại tượng Vua Quang Trung (hiện bằng chất liệu bê-tông) bằng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến, di chuyển các phù điêu cho phù hợp quy hoạch mới, tôn tạo lại cổng phía đường Tây Sơn thành cổng chính. Một phương án khác cũng được đề ra tương tự với phương án nêu trên, nhưng điểm khác biệt là di chuyển tượng đài Quang Trung - Nguyễn Huệ đến vị trí phù hợp hơn.
Nhìn chung, giới khoa học cho rằng việc cải tạo Công viên văn hóa - di tích Gò Ðống Ða là hết sức cần thiết. Bởi tình trạng khu công viên - di tích hiện nay đã xuống cấp. Cần biến nơi đây thành địa chỉ sinh hoạt văn hóa, phục vụ quần chúng nhân dân để phát huy tính giáo dục truyền thống lịch sử. Tuy nhiên, phần lớn các nhà khoa học như Giáo sư sử học Phan Huy Lê, nhà sử học Dương Trung Quốc… đều cho rằng, không nên di chuyển tượng đài Quang Trung đến vị trí mới. Vì đây là một tượng đài đẹp, từ lâu tượng đài và không gian chung quanh đã trở nên thân thuộc với nhân dân Thủ đô. Việc xây dựng đền thờ Quang Trung - Nguyễn Huệ tại khu vực này để tôn vinh người Anh hùng dân tộc cần nghiên cứu kỹ. Nếu xây dựng thì cần lựa chọn vị trí, hình thức sao cho phù hợp với không gian. Ðối với phần di tích, cần tuyệt đối tôn trọng những yếu tố từ xưa để lại. Riêng việc tôn tạo đền Trung Liệt, có nhiều ý kiến chưa thống nhất. Có ý kiến cho rằng có thể phục dựng, có ý kiến đề nghị cần xem xét kỹ… Quận Ðống Ða và chủ đầu tư dự án đã tiếp thu những ý kiến này, tiếp tục bổ sung xây dựng đề án để bảo đảm tính khoa học, đồng thời nhận được sự đồng thuận của giới khoa học và xã hội.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.