Vấn đề toàn cầu từ chuyện một nhà máy nhiệt điện Việt Nam
Tham gia một thỏa thuận lịch sử có tầm vóc toàn cầu về biến đổi khí hậu, Việt Nam đã đưa ra những cam kết và cần thực thi các cam kết đó bằng những việc làm cụ thể.
Thỏa thuận tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu thế giới COP 21 (Thỏa thuận Paris), theo đánh giá của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon, là một “thành công vĩ đại” đối với người dân địa cầu. Thỏa thuận này rõ ràng là phù hợp với những mục tiêu và lợi ích chiến lược, thậm chí mang tính sống còn của Việt Nam, trước tình trạng ấm lên toàn cầu, đe dọa làm mực nước biển dâng cao và tình trạng hạn hán, lũ lụt, dông bão trở nên tồi tệ hơn.
Công nghệ sạch là chìa khóa
Tại phiên toàn thể của COP 21, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra trách nhiệm rất rõ ràng của Việt Nam đối với cộng đồng thế giới, đó là giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và có thể giảm đến 25% nếu nhận được hỗ trợ hiệu quả từ quốc tế. Việt Nam cũng đóng góp 1 triệu USD vào Quỹ Khí hậu xanh giai đoạn 2016-2020 trong điều kiện khó khăn về nguồn lực.
Trong suốt thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực cùng cộng đồng thế giới nhằm ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, một trong những thách thức toàn cầu lớn nhất thế kỷ XXI. Trong đó, để thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính như cam kết ở trên, Chính phủ Việt Nam coi công nghệ sạch là “chìa khóa”.
Nhà máy nhiệt điện Ninh Bình |
Một chuyện thời sự liên quan là ngày 10/12 vừa qua, gần như cùng thời điểm với việc COP 21 thông qua thỏa thuận lịch sử, các nhà khoa học Việt Nam đã công bố một nghiên cứu rất đáng chú ý về sử dụng than cho các nhà máy nhiệt điện hiệu quả hơn và giảm ô nhiễm. Nghiên cứu được tiến hành sau khi có ý kiến yêu cầu của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và ông cũng có mặt tại lễ công bố.
Cụ thể, các nhà khoa học đã nghiên cứu thành công công nghệ đốt than trộn của than khó cháy với than nhập khẩu dễ cháy, làm giảm chỉ tiêu xấu của than nội địa (như giảm lượng tro), từ đó cải thiện quá trình cháy, tăng hiệu suất cháy và giảm lượng than tiêu thụ. Quá trình thí nghiệm đã được triển khai tại Nhà máy nhiệt điện Ninh Bình. Kết quả nhận được là tích cực: Hiệu suất cháy đã tăng 1%, có trường hợp tăng tới 5% mà theo tính toán, chỉ cần tiết kiệm 1% nhiên liệu, chỉ tính riêng các nhà máy điện, Việt Nam sẽ giảm được 333.000 tấn than.
Nói nôm na về lý thuyết thì đơn giản như vậy, nhưng trên thực tế lại là vấn đề hết sức khó khăn. Đây chỉ là một trong tổng thể các vấn đề liên quan đến các nhà máy nhiệt điện, vốn đóng vai trò không thể thiếu để phát triển KTXH, nhưng cũng đồng thời là một nguồn gây ô nhiễm. Xử lý, hạn chế ô nhiễm của các nhà máy đã xây dựng là một chuyện, nhưng bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể chủ động lựa chọn những công nghệ “sạch”, mà như đã nói ở trên, được coi như “chìa khóa”.
Liên quan đến vấn đề này, một câu chuyện đang khá thời sự là việc lựa chọn nhà thầu cho Nhà máy nhiệt điện Na Dương II đặt tại tỉnh Lạng Sơn, do Tổng công ty Điện lực Vinacomin làm chủ đầu tư. Tất nhiên có nhiều yếu tố để lựa chọn nhà thầu, nhưng một yếu tố rất quan trọng là công nghệ.
Tiền lệ Nhật Bản tại Na Dương I
Thực tế, ngay tại dự án Na Dương I, chúng ta đã có những tiền lệ tốt với nhà thầu và công nghệ Nhật Bản. Theo các chuyên gia, than từ mỏ Na Dương là loại than xấu đặc thù, chất lượng thấp. Thế nhưng cho tới nay nhà máy vận hành chất lượng, ổn định, độ tin cậy cao. Đặc biệt hiện nay, do những đặc tính trên, loại than này chỉ được sử dụng cho nhiệt điện chứ không sử dụng được cho các ngành khác. Một số nhà máy xi măng, thép đã thử sử dụng than Na Dương để sản xuất nhưng thất bại.
Một câu hỏi cần đặt ra là nếu sử dụng nhà thầu khác, khả năng thành công về công nghệ và xử lý vấn đề than xấu tới đâu?
Tất nhiên, nếu xét về mặt chi phí đầu tư ban đầu thì công nghệ Nhật Bản dường như không thể cạnh tranh được với công nghệ của một số nước khác. Nhưng “đắt xắt ra miếng”. Đã có nhiều nhà máy nhiệt điện mà các nhà thầu từ nước khác trúng thầu với giá rẻ, nhưng sau khoảng thời gian ngắn hoặc hết thời gian bảo hành, có hàng loạt vấn đề xảy ra cho các hệ thống nhà máy cần phải sửa chữa tốn kém, thậm chí gây hư hại lớn tới các thiết bị chính của nhà máy (như sự cố vỡ cánh tuabin tại nhà máy Cẩm Phả 2 năm 2014…) gây thiệt hại lớn. Chưa kể tới những vấn đề về ô nhiễm môi trường do bụi xỉ than, phát thải từ ống khói nhà máy…
Ngoài ra, tại dự án Na Dương I và một số dự án khác tại Việt Nam, các nhà thầu Nhật Bản còn đã và đang thực hiện các hoạt động nội địa hóa, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước. Trường hợp nhà thầu khác, khả năng nội địa hóa, chuyển giao công nghệ gần như không có. Hơn nữa, địa điểm Na Dương II đặt tại khu vực biên giới tỉnh Lạng Sơn, là khu vực quan trọng và nhạy cảm, nên yếu tố an ninh-quốc phòng cũng cần được tính toán hết sức cẩn trọng.
Phối cảnh dự án Na Dương II. Ảnh: TKV |
Nhà thầu cho Na Dương II chỉ là một trong rất nhiều trường hợp cần cân nhắc. Và đây cũng chỉ là lựa chọn của doanh nghiệp. Quan trọng hơn nữa là Nhà nước cần có hành lang pháp lý để bảo đảm rằng những công nghệ lạc hậu, tốn kém, những “của rẻ là của ôi” sẽ không được lựa chọn nữa. Chẳng hạn mới đây, trong một động thái đáng hoan nghênh, Bộ KH&CN đã ban hành Thông tư mới quy định về việc nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng. Nếu như Thông tư 20 trước đây chỉ “siết” quy định về tuổi thọ máy móc mà không tính đến yếu tố công nghệ, thì Thông tư mới đã thay đổi cách tiếp cận theo hướng, ngoài tuổi thọ, máy móc cũ nhập khẩu còn phải phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc Tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam hoặc phù hợp với tiêu chuẩn của các nước G7 về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.
Suy cho cùng, ứng phó biến đổi khí hậu nằm trong những lựa chọn hàng ngày của mỗi quốc gia, mỗi người dân. Có những lựa chọn mang lại thứ lợi ích “ăn xổi ở thì”, có lợi cho hôm nay mà gây hại đến ngày mai, nhưng cũng có những lựa chọn vừa vì cuộc sống hôm nay, vừa vì một thế giới tốt đẹp hơn cho thế hệ mai sau.
Nguồn Chinhphu.vn
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.