Cần chấm dứt tình trạng sản xuất phong trào… chạy “theo đuôi” thị trường
Thời gian gần đây, tại một số địa phương ngập lũ phía Tây tỉnh Tiền Giang: Cai Lậy, Cái Bè… có hiện tượng nông dân đua nhau chạy theo phong trào trồng mít Thái siêu sớm, trồng xoài Đài Loan, đào ao trên đất trồng lúa để ương dưỡng cá tra giống,… Những việc làm này đã đe dọa phá vỡ qui hoạch sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Đơn cử như cơn sốt mít Thái siêu sớm, đây là giống mít mới, dễ trồng, năng suất cao và bán được giá. Cây trồng chỉ sau vài năm tuổi đã bắt đầu cho trái, năng suất bình quân 20 tấn/ ha - 30 tấn/ ha và giá có lúc đạt 30.000 đ/kg, mỗi ha cho nông dân nguồn lợi nửa tỉ đồng. Chỉ riêng huyện Cai Lậy ước tính có hàng ngàn ha đất chuyển đổi từ trồng lúa, trồng cây ăn quả khác sang chuyên canh mít.
Đề cập về vấn đề này, Tiến sĩ Lê Hữu Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang, nguyên là Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cai Lậy cảnh báo bà con không nên chạy theo phong trào trồng mít Thái siêu sớm, bởi đầu ra bấp bênh, chưa có thể nói trước một điều gì sáng sủa. Cảnh báo của ông có cơ sở bởi mít không phải là giống cây ăn trái chủ lực của tỉnh, chủ yếu tiêu thụ ở thị trường trong nước dạng ăn tươi, với sản lượng 30.000 - 40.000 tấn/ mỗi năm khi 1.000 ha mít đã trồng hoặc đang trồng đến tuổi cho trái thì cung sẽ vượt cầu với những hệ lụy không tốt sẽ trở thành hiện thực trước mắt.
Tương tự, tại các xã phía Bắc huyện Cai Lậy: Thạnh Lộc, Phú Cường, Mỹ Thành Bắc,… từ đầu năm đến nay xôn xao chuyện nông dân ào ạt chuyển đổi đất trồng lúa sang đào ao ương dưỡng cá tra giống. Kèm theo đó, bà con còn khoan giếng khai thác nước tầng nông phục vụ mục đích ương dưỡng cá tra giống bất chấp những cảnh báo ô nhiễm môi trường sống, phá vỡ hệ sinh thái canh tác và qui hoạch sản xuất nông nghiệp… Phong trào bùng phát mạnh nhất trong năm 2011 và những tháng đầu năm 2012 do giá cá tra giống thời điểm sau trận lũ lớn 2011 tăng mạnh, có lúc lên 70.000 đ - 80.000 đ/kg, mỗi ha sau một vụ sản xuất trúng mùa, trúng giá, người nuôi lãi hàng tỉ đồng. Người có đất nhưng không nuôi cá thì cho thuê để người khác nuôi cá. Vốn đầu tư ban đầu lớn, mỗi ha riêng xây dựng cơ bản gồm: thuê cơ giới đào ao, đắp đê bao, khoan giếng, thuê đất… đã lên đến 300 - 400 triệu đồng. Vốn lớn nên đa phần là tiền vay, bạc hỏi. Tuy nhiên, đầu ra của thị trường bấp bênh bởi khi nguồn cung dồi dào, nhưng nhu cầu không tăng thì chắc chắn giá cá giống sụt giảm, người nuôi thua thiệt. Khi ấy viễn cảnh “ôm nợ” sẽ trở thành hiện thực ngay đối với không ít nông hộ.
Theo khảo sát của ngành chức năng, toàn vùng có trên 170 hộ dân chuyển đổi trên 114 ha đất trồng lúa sang đào ao ương dưỡng cá giống, khoan khai thác trái phép 58 giếng tầng nông. Về vấn đề này, ông Trịnh Công Minh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cảnh báo, về lâu dài việc ương dưỡng cá tra giống như thế tất yếu gây ô nhiễm môi trường nước, môi trường thiên nhiên xung quanh mà khắc phục không đơn giản, chưa kể nguy cơ cá tra nhiễm bệnh, không kiểm soát được nguồn lây bệnh, chất lượng con giống… Hơn nữa, nếu như ương dưỡng cá tra không hiệu quả khó trả lại hiện trạng sản xuất nông nghiệp như ban đầu, bởi tầng canh tác đã bị xáo trộn, nguy cơ đất bị xì phèn, bạc màu, trồng lúa không tốt. Còn tận dụng ao mương sẵn có chuyển sang nuôi các đối tượng thủy sản khác cũng khó khả thi.
Trước thực trạng trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng đã chỉ đạo ngưng ngay việc chuyển đổi trái phép từ đất lúa sang đào ao ương dưỡng cá tra giống, trám lấp và hủy ngay các giếng khoan tầng nông (đa phần bị nhiễm phèn, nhiễm sắt không thể dùng được), do nông dân lén lút khoan không xin phép. Ông Hưởng cũng khuyến cáo lãnh đạo: UBND huyện, các xã nói trên, các ngành… về công tác tuyên truyền, giáo dục nhân dân nhằm sớm ngăn chận tình trạng sản xuất tự phát, ngoài qui hoạch ,gây hệ lụy xấu, không để xảy ra những sự kiện tương tự trong tương lai.
Còn tại huyện Cái Bè cũng có phong trào trồng xoài Đài Loan. Theo bà Nguyễn Kim Liên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cái Bè cho biết trong hai năm trở lại đây, diện tích xoài Đài Loan đột biến tăng lên đến khoảng 200 ha (!). Hiện nay, hiệu quả kinh tế khá cao, nhưng trong tương lai chưa biết như thế nào - bà Liên nói. Ngoài ra, còn phải kể đến phong trào trồng mận Ấn Độ, mận xanh Lương Hòa Lạc (Tiền Giang), phong trào nuôi cá tra thâm canh, nuôi cá rô đầu vuông,…đã để lại những bài học đắt giá cho nông gia. Nhìn chung, không ít nông dân đang có tâm lý “chạy theo phong trào”; thấy cây gì, con gì bán được giá trên thị trường là đổ xô đi nuôi, đi trồng. Không ít hộ dân lãnh đủ bởi đến kỳ thu hoạch không bán được, mất giá, nợ nần phải cầm cố đất đai, tiêu tan giấc mộng “làm giàu”.
Bà Nguyễn Thị Kim Hoàng, Bí thư Đảng ủy xã Thạnh Lộc (Cai Lậy), địa phương có hàng trăm hộ dân tự phát chuyển đổi 64 ha đất lúa sang ương cá giống cho biết, hiện nay, giá cá tra giống bán ra giảm hơn phân nửa, chỉ còn 30.000 đ - 31.000 đ/kg mà thôi. Còn giá mít Thái siêu sớm những ngày này cũng đang “rớt” thảm hại, chỉ còn 10.000 đ - 15.000 đ/kg tùy loại tốt, xấu. Chị Nguyễn Thị Lệ Hằng, cư ngụ tại ấp Mỹ Thạnh A, Long Tiên, Cai Lậy mới trồng 2.000 m2 mít Thái siêu sớm chưa đầy 3 tháng, nhưng trước tình hình trên và lo ngại tương lai mờ mịt của cây mít nên đã mạnh dạn nhổ bỏ trồng lại giống sầu riêng Ri 6 đặc sản. Chị bảo thà chịu đau bây giờ còn hơn mai mốt nhìn vườn mít trái oằn oại mà không biết bán cho ai, lúc đó, “nỗi niềm cây mít” còn nhân lên gấp bội (!).
Làm giàu là khát vọng chính đáng của người nông dân Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có Tiền Giang vốn đất hẹp người đông. Tuy nhiên, cách sản xuất phong trào… chạy “theo đuôi” thị trường như trên không bền vững, thiếu căn cơ cần phải chấm dứt ngay từ trong tư duy, trong suy nghĩ của người nông dân thời kỳ đổi mới và hội nhập. Có như vậy mới hy vọng nông nghiệp thay đổi, nông dân giàu có và diện mạo nông thôn khởi sắc theo hướng hiện đại hóa như Nghị quyết về Tam nông mà Đảng ta đề ra.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.