Tiền Giang tổng kết Dự án Hỗ trợ y tế vùng đồng bằng sông Cửu Long
Sáng 13/6, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang đã tổ chức Hội nghị tổng kết Dự án Hỗ trợ y tế vùng đồng bằng sông Cửu Long với sự tham dự của bà Trần Kim Mai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành và các huyện, thị, thành.
Bà Trần Kim Mai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao bằng khen cho các cá nhân xuất sắc trong thực hiện dự án. |
Thời gian qua, ngành y tế Tiền Giang đã có nhiều cố gắng chăm lo cải thiện tình trạng chăm sóc sức khỏe nhân, đặc biệt là chăm lo sức khỏe người nghèo và người cận nghèo. Từ khi triển khai dự án Hỗ trợ y tế vùng ĐBSCL sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới và vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản, công tác chăm sóc sức khỏe người nghèo và người cận nghèo ngày càng được cải thiện. Tổng vốn của dự án được chia theo 5 thành phần nội dung đầu tư cho Tiền Giang, trong đó vốn vay 4.192.611 USD, vốn viện trợ của Chính phủ Nhật Bản 208.833 USD và vốn đối ứng 45.122 USD.
Việc đầu tư hỗ trợ khám chữa bệnh cho người nghèo và người cận nghèo từ dự án có tác động lớn đến toàn xã hội. Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành quyết định, hỗ trợ kinh phí rà soát hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo và người cận nghèo.
Các sở, ngành, đoàn thể các cấp có liên quan: Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ tỉnh, huyện, xã và các địa phương thụ hưởng dự án đã tham gia rà soát xác định hộ cận nghèo, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ tuyên truyền vận động người cận nghèo tham gia BHYT. Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh phối hợp lập danh sách bệnh nhân nghèo, cận nghèo mắc bệnh tim bẩm sinh và làm đầu mối liên hệ với Bệnh viện Chợ Rẫy trong việc hỗ trợ điều trị phẫu thuật tim cho bệnh nhân.
Song song đó, việc đầu tư trang thiết bị y tế cho Bệnh viện đa khoa tỉnh, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và một số trung tâm y tế huyện đã góp phần cải thiện đáng kể trong công tác khám chữa bệnh, phòng bệnh cho bệnh nhân, đặc biệt là trang thiết bị y tế kỹ thuật cao giúp cho người bệnh nói chung, trong đó có người nghèo, cận nghèo trong tỉnh và các tỉnh lân cận giảm nhiều chi phí đi lại và chi phí khám chữa bệnh mà trước đây khi cần sử dụng những trang thiết bị này phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên điều trị.
Ngoài ra, dự án còn đầu tư một số trang thiết bị cho Trường Cao đẳng Y tế để hỗ trợ giảng dạy cho các học viên. Tiếp nhận các trang thiết bị từ Ban quản lý dự án Trung ương và các trang thiết bị do địa phương tổ chức đấu thầu mua sắm, đưa vào quản lý sử dụng đạt hiệu quả trong phòng và chữa bệnh cho nhân dân.
Cùng với việc đầu tư trang thiết bị, Ban quản lý dự án đã hỗ đào tạo nâng cao trình độ cán bộ y tế ở hệ điều trị và hệ dự phòng. Công tác đào tạo bao gồm đào tạo đại học, sau đại học, đào tạo chuyên khoa nâng cao, hỗ trợ đào tạo sử dụng trang thiết bị y tế đã được đầu tư. Về đào tạo ngắn hạn, đã củng cố và nâng cao chuyên môn nghiệp vụ một số chuyên ngành trước đây không có điều kiện đào tạo như về công tác quản lý điều dưỡng, sử dụng thuốc an toàn hợp lý,… Số cán bộ tuyến cơ sở được đào tạo từ sự hỗ trợ của dự án chiếm 52,14% (280/537) so với tổng số chung được hỗ trợ. Kết quả sau đào tạo, năng lực của học viên có nâng cao nên người dân càng tin tưởng hơn.
Công tác quản lý dự án được thực hiện tốt, tạo mối liên hệ chặt chẽ với các sở, ngành liên quan thông qua việc hỗ trợ người nghèo, cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế, khám và điều trị bệnh cũng như công tác đấu thầu mua sắm các trang thiết bị, đào tạo. Hàng năm, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính kịp thời tham mưu UBND tỉnh trong việc phê duyệt kế hoạch, bố trính kinh phí đối ứng địa phương cho hoạt động dự án, kinh phí hỗ trợ 10% cho người cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế và kinh phí hỗ trợ xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng để tiếp nhận, lắp đặt trang thiết bị y tế từ dự án.
Phát biểu tại lễ tổng kết, bà Trần Kim Mai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Y tế tiếp tục phối hợp với các ngành có liên quan và chỉ đạo các đơn vị thụ hưởng từ Dự án cần phát huy nguồn nhân lực, trang thiết bị y tế đã được dự án đầu tư, để tăng hiệu quả công tác dự phòng, giám sát, khống chế các bệnh dịch truyền thống cũng như các bệnh dịch mới phát sinh; tăng năng lực và chất lượng điều trị của các cơ sở y tế. Tận dụng tối đa các trang thiết bị y tế đầu tư cho Bệnh viện đa khoa tỉnh, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh trong công tác khám chữa bệnh, phòng bệnh cho bệnh nhân, đặc biệt là trang thiết bị y tế kỹ thuật cao. Quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ nhân lực đã được Dự án hỗ trợ đào tạo, để họ phát huy hết trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tài năng, kinh nghiệm; toàn tâm toàn ý chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân. Quản lý, sử dụng có hiệu quả, có kế hoạch định kỳ bảo dưỡng, bảo hành các trang thiết bị do Dự án đầu tư. Sở Y tế phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính, Bảo hiểm xã hội tỉnh tham mưu đề xuất UBND tỉnh giải pháp duy trì tính bền vững sau khi kết thúc dự án bằng nguồn lực của tỉnh trong việc hỗ trợ kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho người cận nghèo, nhằm giúp người cận nghèo tiếp tục tham gia bảo hiểm y tế, tiến tới lộ trình bảo hiểm toàn dân vào năm 2014.
Dịp này, UBND tỉnh đã trao bằng khen cho 1 tập thể và 11 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện dự án vừa qua.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.