Khai mạc Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị trực tuyến. (Ảnh: VGP/ Nhật Bắc)
Mở đầu Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh báo cáo tóm tắt kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ; tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2015.
Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, năm 2015, tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm tăng 0,63%. Chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp nhưng không có biểu hiện giảm phát. Tiêu dùng trong nước, sức mua và tổng cầu đã tăng khá mạnh, tăng trưởng kinh tế cao nhất trong vòng 8 năm qua. Lạm phát cơ bản bình quân cả năm 2015 tăng 2,05% so với năm trước.
Về thực hiện mục tiêu phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh, tăng trưởng GDP đạt mức cao nhất trong 8 năm qua; tốc độ tăng GDP có xu hướng tăng nhanh sau từng qúy. Ước cả năm tăng trưởng GDP đạt khoảng 6,68%, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2008, cao hơn số đã báo cáo Quốc hội (khoảng 6,5%) và cao hơn mục tiêu đề ra là 6,2%. Sản xuất công nghiệp có mức tăng hơn nhiều so với các năm trước; khu vực dịch vụ tiếp tục phát triển, sức mua và tổng cầu tiếp tục cải thiện. Hoạt động phát triển doanh nghiệp tiếp tục có những chuyển biến tích cực, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và số vốn tăng cao, nhất là khi Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Đầu tư (sửa đổi) có hiệu lực thi hành (1/7/2015)…
Bộ trưởng cũng khẳng định lao động, việc làm, an sinh xã hội, y tế, văn hóa và các lĩnh vực xã hội khác cũng đạt nhiều kết quả tích cực…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị, các đại biểu tập trung phát biểu, đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị quyết; bảo đảm Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016 được ban hành bám sát Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, thực sự đúng, sát với thực tế tình hình kinh tế – xã hội của đất nước.
Chủ trì hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đặt vấn đề: “Thực tế năm nay, bằng nỗ lực chung, GDP tăng 6,68%, cao hơn mức dự kiến 6,5%. Vậy năm 2016 chúng ta có phấn đấu cao hơn không?”.
Thủ tướng khẳng định ý kiến phát biểu tại Hội nghị sẽ được Chính phủ xem xét, tiếp thu để bổ sung, hoàn thiện và sẽ ban hành Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016 để triển khai thực hiện ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm 2016.
Thảo luận tại Hội nghị, đại diện UBND các tỉnh, thành đều đánh giá, dù năm 2015 tình hình đất nước còn nhiều khó khăn thách thức, nhưng dưới sự chỉ đạo tập trung quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và toàn dân, năm 2015 đất nước ta đã đạt được những kết quả quan trọng.
Về nhiệm vụ năm 2016, lãnh đạo các địa phương bày tỏ nhất trí với những chỉ tiêu, giải pháp đã nêu trong dự thảo Nghị quyết. Đồng thời đề xuất nhiều kiến nghị liên quan tới địa phương mình.
Là lãnh đạo đầu tiên được mời phát biểu, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho hay, nhiều chỉ tiêu tăng trưởng của thủ đô năm 2015 đạt và vượt mục tiêu. Trong đó, đáng chú ý là GRDP trên 9%, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng 7 bậc, 19.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn tăng 31%…Trên cơ sở đó, ông đề xuất mục tiêu tăng trưởng GDP chung của cả nước ở mức 7%, cao hơn mức nghị quyết Quốc hội đề ra.
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề xuất, Chính phủ cho phép thành phố xây dựng lộ trình hạn chế phương tiện giao thông cá nhân bởi nếu không có giải pháp thì trong 4-5 năm nữa tình hình sẽ rất phức tạp. Ông cũng đề nghị Chính phủ rà soát, quy hoạch hệ thống đê điều ở sông Hồng và sông Thái Bình để các địa phương khai thác, quy hoạch hệ thống ngoài đê.
Phát biểu ngay sau ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong kiến nghị, Chính phủ tuyên truyền về Cộng đồng kinh tế ASEAN, Hiệp định Đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) đồng bộ, thường xuyên; kịp thời ban hành chính sách tạo điều kiện, sự chủ động cho doanh nghiệp…Theo ông, cần nghiên cứu đẩy nhanh hàng rào kỹ thuật, chống bán phá giá, trợ cấp và tự vệ cho các ngành công nghiệp còn non trẻ trước áp lực hàng ngoại nhập.
Đối với các vấn đề liên quan tới địa phương, ông kiến nghị Chính phủ ưu tiên nguồn vốn ODA cho các dự án lớn trên địa bàn như tuyến xe bus nhanh, một số đường hướng tâm quan trọng…
Ông Nguyễn Thành Phong kiến nghị, quy định mức dư nợ vay của ngân sách đia phương không bao gồm dư nợ vay của nước ngoài; nâng giới hạn vay nợ của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cho phù hợp. Luật Ngân sách Nhà nước 2015 quy định không vượt quá 60% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp, bao gồm thêm các khoản nguồn vay nước ngoài của Chính phủ.
Ngoài ra, ông Nguyễn Thành Phong đề nghị Chính phủ xem xét, điều chỉnh Nghị định 93/2001/NĐ-CP năm 2011 của Chính phủ về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, phân cấp mạnh hơn thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể như phí, lệ phí, thẩm quyền xử phạt hành chính; quy định chặt chẽ trách nhiệm của Bộ, ngành Trung ương để phân cấp thực sự có hiệu quả…
Còn Chủ tịch UBND Ninh Thuận Lưu Xuân Vĩnh đề nghị, Chính phủ bố trí sớm vốn dự phòng ngân sách Trung ương để triển khai 4 dự án nhằm khắc phục hậu quả hạn hán trên địa bàn tỉnh; đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm, sớm báo cáo Bộ Chính trị về Đề án cơ chế chính sách đặc thù cho Dự án của nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận…/.
Nguồn ĐCSVN
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.