Lễ hội truyền thống: Nên giữ lại những gì văn minh

Bất cập của lễ hội truyền thống, những vấn đề mới đang đặt ra, cùng với sự phát triển của lễ hội hiện đại đang đan xen lẫn nhau, đòi hỏi cơ quan quản lý Nhà nước phải đưa ra những cách thức quản lý phù hợp và kịp thời.

Đua ghe ngo trong lễ hội Ook Om Bok.

Lễ hội không phải là bất biến

Câu chuyện duy trì hay bỏ tập tục chém lợn ở lễ hội làng Ném Thượng (Bắc Ninh) tiếp tục “nóng” trở lại trong các buổi thảo luận về công tác tổ chức lễ hội.

Chánh thanh tra Bộ VHTT&DL Nguyễn Xuân Thành nhận định, gần đây ngày càng nhiều địa phương quan tâm đầu tư phục dựng lại các lễ hội dân gian truyền thống. Tuy nhiên, việc phục dựng này lại mang tính thương mại. Đặc biệt, một số lễ hội có nhiều hủ tục rất phản cảm như cướp phết đền Hiền Quan (Tam Nông, Phú Thọ), cướp lộc ở lễ hội đền Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội), chém lợn ở làng Ném Thượng (Bắc Ninh)…

Theo ông Thành, mặc dù đây là những lễ hội dân gian truyền thống lâu đời, gắn bó với truyền thống đánh giặc cứu nước, cũng như đời sống sinh hoạt của người Việt, nhưng một số nghi thức phần hội của các lễ hội này không còn phù hợp với xã hội hiện đại và ảnh hưởng tiêu cực tới cộng đồng. Đặc biệt trong thời đại phát triển rất mạnh về truyền thông như hiện nay, những hình ảnh tranh cướp, bạo lực cần phải được hạn chế, hoặc điều chỉnh cho phù hợp.

Nhiều ý kiến chuyên gia văn hóa cho rằng, mùa lễ hội 2016 nên điều chỉnh một số tập tục, nghi thức không phù hợp với xã hội đương đại tại lễ hội chém lợn. Không nhất thiết cứ phải sử dụng một nghi thức chém lợn mới thể hiện được tinh thần hào sảng, bảo vệ Tổ quốc.

UNESCO hiện vẫn chưa công nhận những lễ hội có yếu tố bạo lực phản cảm như lễ hiến tế 250.000 con vật ở Nepal, hay hội đấu bò tót ở Tây Ban Nha là di sản thế giới.

Tán đồng quan điểm này, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Tuấn Anh cũng khẳng định: Việt Nam đã hội nhập với thế giới, tầm ảnh hưởng của một lễ hội không chỉ còn trong làng xã nữa, vì chỉ cần chụp ảnh rồi đưa lên mạng, phương tiện truyền thông là rất nhiều người nhìn thấy.

Bộ trưởng đặt câu hỏi: “Chém lợn xong, rồi lấy tiền quệt máu, bỏ túi, thì đó có phải là mê tín dị đoan không, có phải là hủ tục lạc hậu không? Hay cướp phết, cướp lộc, tranh cướp xô bồ đến mức đánh nhau như thế, thì sao chấp nhận được!”.

Theo Bộ trưởng VHTT&DL, những gì văn minh của lịch sử thì bảo tồn và phát huy, còn những gì không phù hợp với xã hội hiện đại, nhất là những hoạt động mang tính bạo lực thì nên thay đổi, thậm chí loại bỏ.

Cần quản lý chặt chẽ các lễ hội mới

Bên cạnh các lễ hội dân gian truyền thống, Việt Nam đang xuất hiện ngày càng nhiều lễ hội hiện đại – loại lễ hội có xuất xứ nước ngoài như các lễ hội ngành, nghề (Festival Hoa Đà Lạt, Festival chè Thái Nguyên, Năm Du lịch quốc gia)… các lễ hội giải trí như Carnaval đường phố, Festival biển Nha Trang…

Ông Hoàng Minh Thái, Vụ trưởng vụ Pháp chế (Bộ VHTT&DL) cho biết, đây là loại hình lễ hội mới phát sinh do nhu cầu của kinh tế và cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, tới thời điểm này, cơ quan quản lý Nhà nước vẫn chưa ban hành văn bản quản lý loại hình lễ hội nói trên, chẳng hạn như quy định rõ quy mô, tần suất, nguồn kinh phí tổ chức, những địa phương, khu vực nào nên tổ chức festival và bao nhiêu năm một lần.

“Hầu hết những lễ hội hiện đại này đều tiêu tốn kinh phí gây tốn kém, kịch bản tổ chức nghèo nàn, đơn điệu, lễ hội nào cũng na ná nhau”, ông Thành nhận xét.

Đánh giá chất lượng của các lễ hội hiện đại này, ông Thành cho rằng: “Nhiều lễ hội hiện đại có biểu hiện kinh doanh, tổ chức lễ hội để kiếm tiền, nên “vẽ” ra rất nhiều hạng mục, sự kiện trong khi hiệu quả thực tế về giá trị thẩm mỹ, giá trị tinh thần cũng như giá trị kinh tế-xã hội không cao”.

Gần đây lại xuất hiện hiện tượng “nhà nhà tổ chức festival”, tỉnh nào cũng muốn mình phải có một lễ hội hoành tráng với lý do để quảng bá hình ảnh, thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, cho đến nay cũng chưa có ai thống kê, tổng kết đánh giá lại hiệu quả của những festival này đối với kinh tế, văn hóa, xã hội của ngành, của địa phương.

Đó là chưa kể, dù tốn rất nhiều tiền, nhưng việc tổ chức các lễ hội du nhập từ phương Tây này lại chưa tới nơi tới chốn, không ra tinh thần của một festival – liên hoan văn hóa văn nghệ thực sự, hoặc một Carnaval – một lễ hội đường phố sôi động và hoan ca rực rỡ sắc màu, và bùng nổ bởi những điệu nhảy, màn múa nóng bỏng hấp dẫn.

Tại không ít lễ hội hiện đại diễn ra những màn trình diễn phản cảm trước rất đông khán giả. Còn lại festival nào cũng giống nhau ở các màn đồng diễn, ca múa tạp kỹ nhạt nhòa, buồn tẻ.

Nguồn Chính phủ