Phải cải tiến thi cử
Theo PGS Văn Như Cương, việc gần như 100% địa phương có tỉ lệ tốt nghiệp THPT từ 95% đến 99,9% là cực kỳ nguy hiểm vì xã hội sẽ không còn tin vào kỳ thi này nữa.
Học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1 - TPHCM xem điểm thi tốt nghiệp. Ảnh: Tấn Thạnh
Nào cùng99%!
Theo Sở GD-ĐT TP Hải Phòng, tỉ lệ học sinh THPT tốt nghiệp của TP này đạt 99,82%, học sinh hệ giáo dục thường xuyên (GDTX) đạt 99,12%. Toàn TP chỉ có 55 học sinh trượt tốt nghiệp, trong đó, 40 học sinh thuộc khối các trường THPT và 15 học sinh khối các trung tâm GDTX; 41/56 trường THPT có tỉ lệ học sinh tốt nghiệp 100%.
Dù không bằng TP Hải Phòng nhưng tỉnh Nghệ An cũng có kết quả tốt nghiệp cao hơn năm ngoái với 98,9% ở hệ THPT và 90,77% ở hệ GDTX (năm 2011 lần lượt là 97,83% và 91,67%). Nhiều trường có tỉ lệ tốt nghiệp 100% là: THPT Huỳnh Thúc Kháng, THPT Hà Huy Tập, THPT Lê Viết Thuật, THPT Dân tộc nội trú (TP Vinh), THPT Cửa Lò, THPT Lê Hồng Phong, THPT Phạm Hồng Thái, THPT Thái Lão, THPT Nguyễn Trường Tộ (huyện Hưng Nguyên) và THPT Nguyễn Xuân Ôn (huyện Diễn Châu).
Năm nay, TP Đà Nẵng chỉ có 50 học sinh trượt tốt nghiệp THPT, tỉ lệ tốt nghiệp ở hệ THPT lên đến 99,53%, hệ GDTX là 87,11%. 10/20 trường THPT của TP này có tỉ lệtốt nghiệp 100%, thủ khoa là em Nguyễn Hồng Lê (THPT chuyên Lê Quý Đôn) với số điểm 57,5…
Con số đáng ngờ
GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng bệnh thành tích đã “thâm căn cố đế” từ xã hội vào nhà trường, người lớn đến trẻ em, các ngành khác vào ngành giáo dục. “Nhiều địa phương công bố tỉ lệ tốt nghiệp dự kiến đến 99% khiến dư luận không khỏi nghi ngờ” - GS Phạm Minh Hạc khẳng định. Ông từng nghiên cứu về những con số của xã hội học giáo dục. Theo đó, số học sinh trung bình trở lên từ học thật, dạy thật khoảng 80%, với những trường chuyên, lớp chọn thì tỉ lệ khá, giỏi là 100%. “Cần phải tính toán từ con số trung bình của xã hội học giáo dục để điều khiển những con số ở lớp cuối cấp trong bậc trung học, chứ không thể như tỉ lệ tốt nghiệp THPT của Trường THPT Dân lập Đồi Ngô (Bắc Giang) năm 2007 là 6,2%, đến năm 2011 lên 99%” - GS Phạm Minh Hạc nhấn mạnh.
Là một giáo viên lâu năm, nhà giáo Vũ Lạng (quận Hai Bà Trưng - Hà Nội) đặt nghi vấn: “Với chất lượng giáo dục hiện nay mà tỉ lệ tốt nghiệp THPT gần 100% thì phải xem lại. Trong vòng 4 năm qua, giáo dục có điều gì đột phá để tỉ lệ tốt nghiệp tăng lên đến mấy chục phần trăm từ năm 2007 đến nay?”.
“Thất vọng hoàn toàn”!
PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), gói gọn cảm xúc của mình trong một câu: “Thất vọng hoàn toàn!”. Theo ông, không hiểu bệnh thành tích xâm nhập cơ chế điều khiển của ngành giáo dục như thế nào mà năm 2007, khi thực hiện “2 không”, tỉ lệ tốt nghiệp chỉ hơn 60% nhưng năm 2011 đã tăng trở lại mức trước năm 2007 và dự kiến năm nay còn cao hơn. Nhìn tỉ lệ tốt nghiệp THPT cao ngất ngưởng của năm nay, PGS Văn Như Cương thẳng thắn: “Một tỉ lệ đẹp nhưng tạo cho tôi những nỗi buồn”.
PGS Văn Như Cương cho rằng, việc gần như 100% địa phương có tỉ lệ tốt nghiệp THPT từ 95% đến99,9% là cực kỳ nguy hiểm vì xã hội sẽ không còn tin vào kỳ thi này nữa. “Sau khi clip tiêu cực tại hội đồng thi Trường THPT Dân lập Đồi Ngô bị phát tán, lãnh đạo Bộ GD-ĐT vẫn cho rằng kỳ thi nghiêm túc, thắng lợi thì thật khó hiểu. Ngành giáo dục phải nhìn nhận lại vấn đề, không được để tình trạng này xảy ra một lần nữa” - ông nói.
PGS Văn Như Cương cho rằng lãnh đạo Cơ quan Thanh tra của Bộ GD-ĐT từng khẳng định ủng hộ chống tiêu cực một cách hợp pháp nhưng thực tế, bao nhiêu tiêu cực trước đây đều không được giải quyết triệt để nên mới xảy ra tiêu cực trong thi cử như vừa qua. “Cũng do Bộ GD-ĐT tổ chức nhưng kỳ thi ĐH nghiêm túc hơn hẳn kỳ thi tốt nghiệp THPT” - PGS Văn Như Cương nhận định.
Đổi mới và kiểm định độc lập
Một giáo viên có thâm niên trong ngành giáo dục cho rằng trong khi ở các nước phát triển, những người làm giáo dục luôn đào tạo thế hệ tương lai trên nền tảng ý thức tích cực thì ngành giáo dục Việt Nam có cảm giác đang đi ngược lại xu thế này. “Tại sao các trường THPT và sở GD-ĐT lại tiếp tay cho tiêu cực để có những con số đẹp như mơ mà không nghĩ đến hành động này sẽ làm ảnh hưởng cả một thế hệ tương lai của đất nước? Khi địa phương nào, kể cả những nơi bị coi là “vùng trũng” của giáo dục, cũng đạt tỉ lệ tốt nghiệp THPT 98%, 99% thì có nên duy trì một kỳ thi quốc gia đầy tốn kém như vậy?” - giáo viên này băn khoăn.
GS Phạm Minh Hạc khẳng định phải cải tiến thi cử vì đây là vấn đề được đánh giá kỹ trong nhiều năm, trong khi ở nước ta hiện nay, mỗi năm đều thi tốt nghiệp THPT với cách tổ chức khác nhau. “Cần phải có nghiên cứu, thí điểm để tìm ra hình thức hợp lý rồi triển khai đại trà. Có thể lấy điểm trung bình chung của học sinh từ lớp 10 đến lớp 12, từ lớp 11 đến lớp 12 hoặc chỉ lớp 12 để phân loại, trên cơ sở đó, cho các em tốt nghiệp hay không. Một phương án nữa là lấy điểm trung bình chung các học kỳ rồi cộng điểm của một kỳ thi đơn giản để xét tốt nghiệp. Phải tính toán, xem xét một cách kỹ càng và kỷ luật kỳ thi phải được siết chặt để bảo đảm chất lượng cũng như sự công bằng” -GS Phạm Minh Hạc kiến nghị.
Nhiều trường THPT ở ĐBSCL đạt tỉ lệ tốt nghiệp 100% Ngày 17-6, bà Trương Thị Bé Hai, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Vĩnh Long, cho biết toàn tỉnh có 9.036/9.245 học sinh tốt nghiệp THPT, đạt tỉ lệ 97,73%, tăng hơn 11% so với năm ngoái. Trong khi đó, hệ GDTX có 580 học sinh tốt nghiệp, đạt tỉ lệ 81,11%. Hai học sinh Nguyễn Ngọc Thùy và Hồ Thanh Bằng (Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm) đồng thủ khoa với 58,5 điểm. Theo ghi nhận, có 6 trường THPT trong tỉnh Vĩnh Long đạt tỉ lệ tốt nghiệp 100%. Theo Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt 99,72% (tăng 5,12% so với năm 2011), hệ GDTX đạt 86,86%. Trong kỳ thi năm nay, tỉnh này có 25/44 trường THPT đạt tốt nghiệp 100%. Trong khi đó, tỉ lệ tốt nghiệp hệ THPT của tỉnh Cà Mau là 99,02% (tăng 5% so với năm ngoái), hệ GDTX đạt 94% (tăng hơn 7%); 16 trường THPT đạt tỉ lệ tốt nghiệp 100%. |
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.