Chính thức thông xe hầm chui tại nút giao 4 tầng đầu tiên của Việt Nam
6h30 sáng nay (8/1), hầm chui tại nút giao Thanh Xuân và nút giao Trung Hòa (Hà Nội) chính thức được thông xe. Từ 8h, các phương tiện sẽ bắt đầu được lưu thông qua các hầm chui. Đây là 2 công trình góp phần quan trọng “gỡ” ùn tắc cho trung tâm Thủ đô Hà Nội.
Nút giao 4 tầng hiện đại nhất thủ đô nằm tại điểm giao cắt của đường vành đai 3 (gồm tuyến trên cao và mặt đất) với tuyến đường Nguyễn Trãi huyết mạch nối từ phía tây nam vào trung tâm Hà Nội. (Ảnh: Hà Trang)
Với hệ thống hầm chui, đường sắt trên cao đang được thi công cùng vành đai 3, đường bộ đã đi vào hoạt động, ngã tư Khuất Duy Tiến – Nguyễn Trãi – Nguyễn Xiển (quận Thanh Xuân, Hà Nội sẽ là nút giao đầu tiên của Thủ đô cũng như của Việt Nam có 4 tầng xe chạy. (Ảnh: Hà Trang)
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, đây là 2 công trình có yếu tố kỹ thuật phức tạp, vừa thi công vừa đảm bảo giao thông giữa trung tâm thủ đô Hà Nội. Hai hầm chui này có khả năng chịu tác động của động đất cấp 7. Việc thông xe và đưa vào khai thác nút giao Trung Hòa, nút giao Thanh Xuân sẽ góp phần vào việc giao thông thuận tiện, phù hợp với Kế hoạch Tổng thể của thành phố Hà Nội 2020 và đáp ứng lưu lượng giao thông trong tương lai.
Sau thông xe, hầm nút giao Thanh Xuân được tổ chức giao thông bằng đèn tín hiệu, đồng thời bố trí dẫn hướng giao thông dạng đảo xếp để dẫn hướng cho các phương tiện rẽ phải trực tiếp. Trong khi đó, nút Trung Hòa kết nối giữa dự án cầu cạn cao tốc vành đai 3 với cao tốc Đại lộ Thăng Long và phù hợp với các dự án, quy hoạch có liên quan nhằm nâng cao hiệu quả khai thác của các tuyến đường cao tốc; sẽ tạo sự thông suốt, thuận lợi cho người và phương tiện khi lưu thông qua nút giao, giảm chi phí và thời gian chờ đợi do ùn tắc giao thông, đồng thời góp phần giải quyết những vấn đề cấp bách về ách tắc giao thông đô thị.
Dự án hầm nút giao Thanh Xuân là một hạng mục công trình trong toàn bộ các công trình thuộc nút giao Thanh Xuân hoàn chỉnh, là tiểu dự án xây dựng hầm Quốc lộ 6 nút giao Thanh Xuân thuộc Dự án xây dựng đường Vành đai 3, giai đoạn 2.
Gói thầu xây dựng hầm nút giao Thanh Xuân được tổ chức động thổ xây dựng vào ngày 28/6/2014 với tổng mức đầu tư hơn 551 tỷ đồng từ nguồn vốn dư của dự án xây dựng đường vành đai 3 Hà Nội. Theo đó, Ban Quản lý dự án Thăng Long là chủ đầu tư của dự án; Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 – CTCP và Công ty TNHH Kỹ thuật và xây dựng Hanshin là nhà thầu dự án với thời gian thi công theo hợp đồng là 18 tháng.
Hầm nút giao Thanh Xuân được thi công trong khu vực nút giao Thanh Xuân hiện tại, giao giữa đường vành đai 3 và đường Nguyễn Trãi. Phần hầm dọc đường Nguyễn Trãi thuộc nút giao Thanh Xuân có điểm đầu tại Km5+160, Quốc lộ 6 và điểm cuối tại Km6+140 Quốc lộ 6. Tổng chiều dài hầm và đường dẫn vào hầm 980m, trong đó chiều dài phần hầm kín bằng bằng bê tông cốt thép (BTCT) là 109m, chiều dài phần hầm hở bằng BTCT dạng chữ U là 280, chiều dài phần tường chắn bằng BTCT là 325m.
Việc thi công hầm nút giao Thanh Xuân là mảnh ghép cho nút giao Thanh Xuân, vốn là điểm giao cắt phức tạp giữa Quốc lộ 6, đường vành đai 3 giai đoạn 1, giai đoạn 2 và tuyến đường sắt trên cao. Sau khi hoàn thành, công trình hầm nút giao Thanh Xuân sẽ tăng cường khả năng vận tải, giảm ùn tắc cho trung tâm thành phố Hà Nội đồng thời, đáp ứng lưu lượng giao thông trong tương lai.
Dự án nút giao Trung Hòa với gói thầu xây dựng nút Trung Hòa hoàn chỉnh nằm trong Tiểu dự án Xây dựng nút giao Trung Hòa hoàn chỉnh thuộc Dự án đầu tư xây dựng Giai đoạn 2 Đoạn Mai Dịch – Bắc Hồ Linh Đàm thuộc đường Vành đai 3 Hà Nội do Ban Quản lý dự án Thăng Long làm Chủ đầu tư; Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 – CTCP và Công ty TNHH Kỹ thuật và xây dựng Hanshin là nhà thầu của dự án.
Nút giao Trung Hòa được động thổ xây dựng vào ngày 18/1/2015 với thời gian thi công theo hợp đồng là 18 tháng. Tổng mức đầu tư của dự án là 1.087 tỷ đồng, trong đó giá trị gói thầu xây lắp là hơn 717 tỷ đồng. Kinh phí mở rộng, xây dựng hoàn chỉnh nút giao Trung Hòa lấy từ nguồn vốn dư còn lại của Dự án xây dựng giai đoạn 2 – đường Vành đai 3 thành phố Hà Nội đoạn Mai Dịch – Bắc Hồ Linh Đàm với khoản vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Công trình hoàn thành vượt tiến độ 7 tháng.
Dự án đầu tư xây dựng nút giao Trung Hòa hoàn chỉnh có quy mô xây dựng 2 hầm chui thông theo 2 chiều giao thông, hướng Đại lộ Thăng Long – đường Trần Duy Hưng – Hoàng Minh Giám. Phần hầm kín và phần hầm hở phía đường Trần Duy Hưng gồm hai hầm riêng biệt, mỗi hầm có bề rộng 12m, gồm 3 làn xe cơ giới rộng 3,5m/làn. Phần hầm hở phía Đại lộ Thăng Long gồm 2 hầm riêng biệt, mỗi hầm có bề rộng 16,25m.
Tổng chiều dài hầm và đường dẫn vào hầm khoảng 614,13m, chiều dài đoạn mở rộng đường gom hai bên Đại lộ Thăng Long khoảng 2.573m, chiều dài đoạn mở rộng đường Khuất Duy Tiến, đường Phạm Hùng khoảng 580m. Trong đó, phần hầm kín bằng BTCT dài 120m, phần hầm hở bằng BTCT dạng chữ U dài 287m; phần tường chắn bằng BTCT 60m; tường chắn trọng lực BTCT 140m; chiều dài đường dẫn vào hầm là 83,8m.
Nút giao Trung Hòa có quy mô đường phố chính chủ yếu, 6 làn xe cơ giới, tốc độ thiết kế 60km/h. Phần đường gom hai bên Đại lộ Thăng long và đường Khuất Duy Tiến, tốc độ thiết kế 60km/h, các nhánh nút giao rẽ phải gồm 2-3 làn xe cơ giới, tốc độ thiết kế 40km/h.
Nguồn Dân trí
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.