Nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long
Hướng đến một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững, các địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) đã từng bước quy hoạch và hình thành nên những vùng chuyên canh các sản phẩm nông nghiệp với số lượng lớn, chất lượng cao. Bên cạnh đó, nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp cũng được Nhà nước ban hành… Tuy nhiên, để phát triển nông nghiệp bền vững phải giải quyết bài toán sản xuất - tiêu thụ ổn định, giúp nông dân yên tâm sản xuất và làm giàu.
Khẩn trương hoàn thành quy hoạch
Hiện nay, ngành nông nghiệp các tỉnh ÐBSCL và các nhà khoa học đang cố gắng tháo gỡ khó khăn cho nông dân trong khâu quy hoạch cây trồng, vật nuôi có thế mạnh và phù hợp với từng địa phương, nhằm đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm. Ðó là, quy hoạch vùng chuyên canh nhằm phát triển vườn cây ăn trái bền vững đã được ngành nông nghiệp các tỉnh thực hiện. Tại Tiền Giang, nơi có hơn 67 nghìn ha cây ăn trái, ngành nông nghiệp xác định được bảy loại cây chủ lực để xuất khẩu là xoài cát Hòa Lộc, bưởi lông Cổ Cò, sầu riêng Ngũ Hiệp, vú sữa Lò Rèn - Vĩnh Kim, khóm Tân Lập, thanh long Chợ Gạo và sơ-ri Gò Công. Tại Vĩnh Long, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh cho biết, diện tích cây ăn trái của tỉnh có hơn 44.800 ha, chỉ đứng sau Tiền Giang và Vĩnh Long sẽ phát triển diện tích cây ăn trái lên 55 nghìn ha vào năm 2015, trong đó ưu tiên quy hoạch phát triển bốn loại cây chủ lực cho hiệu quả kinh tế cao là bưởi Năm Roi, cam sành, nhãn và chôm chôm. Cần Thơ hiện có 17.363 ha vườn cây ăn trái, chủ yếu trồng cam, quýt, chanh, bưởi, vú sữa, nhãn, xoài, chôm chôm, sầu riêng, dâu Hạ Châu, chuối và các loại cây ăn quả khác. Ngành nông nghiệp Cần Thơ đang vận động nông dân khôi phục vườn cây ăn trái theo hướng tập trung, chuyên canh; duy trì diện tích các loại cây như: cam mật, quýt, bưởi khoảng 4.000 - 5.000 ha và đa dạng các loại cây trồng khác như: vú sữa, dâu Hạ Châu, xoài cát Hòa Lộc. Tại Long An, ngoài cây lúa, ngành nông nghiệp của tỉnh đang tiến hành quy hoạch lại các vùng chuyên canh đối với các loại cây chủ lực khác của tỉnh như thanh long, cây chanh, cây mía, nhằm tránh tình trạng sản xuất tràn lan, ảnh hưởng đến giá cả tiêu thụ…
Cùng với phát triển vùng chuyên canh, các tỉnh còn xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn về địa lý, tiêu chuẩn chất lượng, khuyến cáo nhà vườn thực hiện quy trình sản xuất trái cây an toàn theo tiêu chuẩn Global G.A.P, Viet G.A.P. Tiền Giang có vú sữa đạt tiêu chuẩn Global G.A.P, khóm đạt tiêu chuẩn Viet G.A.P; Bến Tre có bưởi da xanh Viet G.A.P, chôm chôm Global G.A.P, Vĩnh Long có bưởi Năm Roi Eurep G.A.P, Ðồng Tháp đang phối hợp các ngành liên quan thực hiện tiêu chuẩn Viet G.A.P trên vườn xoài Cát Chu ở huyện Cao Lãnh. Trong năm 2011, nhãn và chôm chôm của Việt Nam đã được phép nhập khẩu vào Hoa Kỳ, thị trường trước đây chỉ cho nhập trái thanh long. Hàn Quốc cũng cho phép trái thanh long Việt Nam được nhập khẩu vào nước này. Nhà vườn ÐBSCL ban đầu cũng hào hứng với quy trình canh tác theo tiêu chuẩn Global G.A.P, Viet G.A.P, đơn cử như chủ vườn chôm chôm Sáu Hớn ở xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách (Bến Tre) cũng tự bỏ tiền thực hiện quy trình sản xuất chôm chôm Global G.A.P và đăng ký chứng nhận. Nhưng dù nhà nông đã tuân thủ áp dụng hàng trăm tiêu chí kỹ thuật của tiêu chuẩn Global G.A.P, Viet G.A.P để sản xuất trái cây ngon, sạch, cuối cùng họ cũng phải ngậm ngùi bán “trái cây sạch an toàn” với giá chợ, ngang giá với trái cây “thông thường”. Ông Nguyễn Văn Mười, chủ vườn vú sữa Lò Rèn rộng 8.500 m2 trồng theo tiêu chuẩn chất lượng Global G.A.P ở ấp Phú Quới, xã Phú Phong (Châu Thành, Tiền Giang), nhớ lại: “Hồi đó, khi vận động nhà vườn tụi tui trồng vú sữa Global G.A.P, HTX vú sữa Lò Rèn - Vĩnh Kim làm hợp đồng tiêu thụ với từng chủ vườn, cam kết thu mua hết số lượng trái, nhưng khi cây trồng đúng tiêu chuẩn chất lượng cho trái thì 44 xã viên trồng vú sữa Global G.A.P của xã Phú Phong có lúc HTX không thu mua. Tụi tui phải mang vú sữa ra chợ bán, vì HTX nói không tìm được nguồn tiêu thụ, nên không thu mua theo hợp đồng”. Trong khi đó ông Bùi Công Thánh, Chủ nhiệm HTX trồng khóm (dứa) tiêu chuẩn Viet G.A.P Quyết Thắng ở xã Tân Lập 2, huyện Tân Phước (Tiền Giang), kể: “Trái khóm Viet G.A.P của HTX bán ngoài chợ thì bằng giá với khóm thường. Muốn đưa vào siêu thị thì HTX phải đặt in thêm nhãn hiệu, mua bao lưới để bao trái cho đẹp, tốn thêm gần 2.000 đồng/kg, nếu tính thêm chi phí vận chuyển thì đội giá bán cao hơn gần gấp hai lần so khóm… không có Viet G.A.P, nên người tiêu dùng chê giá cao, không mua. Vậy là cuối cùng, trái khóm Viet G.A.P cũng phải bán giá chợ cho chắc ăn”.
PGS, TS Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Cây ăn quả miền nam khẳng định: Muốn phát triển cây ăn trái ở ÐBSCL theo hướng bền vững chỉ có hai giải pháp chính: xây dựng những vùng chuyên canh cây ăn trái lớn để có đủ hàng hóa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu, tiêu thụ trong nước và áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn Global G.A.P, Viet G.AP để có sản phẩm sạch, môi trường canh tác trong lành. Cùng vấn đề trên, Tiến sĩ Lê Hữu Hải, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Tiền Giang lại cho rằng: “Vận động nhà vườn xây dựng được vùng chuyên canh tập trung, áp dụng Global G.A.P, Viet G.A.P là hướng đi đúng, nhưng cần giải quyết được nguồn tiêu thụ, vì người dân bán sản phẩm không được hoặc phải bán với giá thông thường thì… rất khó ăn, khó nói với dân. Cho nên, muốn phát triển vườn cây ăn trái bền vững, điều tiên quyết là phải giải quyết ổn thỏa khâu tiêu thụ sản phẩm một cách căn cơ, khoa học”.
Những giải pháp thiết thực
ÐBSCL là vựa lúa lớn nhất cả nước, nhưng người trồng lúa lại chưa thể làm giàu ngay trên chính mảnh ruộng của mình. Trên thực tế, sự không bền vững trong sản xuất lúa ở ÐBSCL đã diễn ra nhiều năm, dù diện tích canh tác vẫn ổn định ở mức 1,5 triệu/ha và năng suất sản lượng mỗi năm đều tăng. Câu chuyện lúa “được mùa, rớt giá” đã trở thành nỗi ám ảnh dai dẳng đối với nhà nông ÐBSCL, mà gần đây nhất là vụ lúa đông xuân 2011-2012 và vụ hè thu đang thu hoạch. Một nghịch lý: khi lúa được mùa, rớt giá, ngành nông nghiệp các tỉnh cho rằng, do nông dân bất chấp khuyến cáo của ngành, không giảm diện tích canh tác giống lúa IR 50404 cho gạo phẩm cấp thấp, nên khó thu mua xuất khẩu. Nhưng thực tế cho thấy, vụ đông xuân 2011-2012 và vụ lúa hè thu đang cho thu hoạch thì những nông dân trồng các giống lúa thơm, hạt dài đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, thu nhập chẳng cao hơn người trồng lúa IR 50404, vì có thời điểm thương lái thu mua lúa phẩm cấp cao và phẩm cấp thấp gần như bằng giá hoặc cao hơn chỉ 100 đồng. Theo Giáo sư Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp miền nam, muốn nông dân giảm diện tích canh tác lúa IR 50404 thì ngành nông nghiệp phải có các bộ giống lúa có năng suất, sản lượng và thời gian gieo trồng tương đương với IR 50404 nhưng phẩm cấp phải cao hơn, giá bán phải cao hơn để cung ứng cho nông dân. Trong khi lúa giống chất lượng cao đang thiếu trầm trọng, thời gian canh tác dài ngày tốn thêm chi phí, khi thu hoạch giá bán lúa chất lượng cao không cao hơn lúa thường, thì nông dân chọn lúa phẩm cấp thấp để trồng là điều không tránh khỏi. Hơn nữa hiện nay thị trường tiêu thụ trong nước vẫn chuộng gạo IR 50404 để chế biến các sản phẩm từ gạo, cho nên nông dân vẫn thích canh tác giống lúa phẩm cấp thấp này (thống kê cho thấy vụ hè thu 2012 nhiều địa phương như Ðồng Tháp, Hậu Giang, Tiền Giang diện tích gieo sạ giống lúa IR 50404 có nơi lên đến 60%). Ðề cập chuyện lúa IR 50404 để thấy rằng, canh tác lúa thiếu bền vững không nằm ở cơ cấu giống lúa mà phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ, thương lái, doanh nghiệp. Một thống kê cho thấy, lợi nhuận từ việc xuất khẩu 1 kg gạo nhà nông chỉ được hưởng 10% dù họ là người trực tiếp sản xuất lúa gạo, 90% còn lại do thương lái và doanh nghiệp xuất khẩu hưởng trọn. Chủ tịch UBND tỉnh Ðồng Tháp Lê Minh Hoan cho rằng, chừng nào chưa giải được bài toán tiêu thụ lúa gạo ổn định mà cứ để cho thương lái tự do thao túng giá cả, ép giá nhà nông thì chừng đó, người nông dân chưa yên tâm canh tác trên mảnh ruộng của mình.
Ðể khắc phục tình trạng này, vừa qua ngành nông nghiệp đã đưa ra mô hình cánh đồng mẫu lớn, trong đó doanh nghiệp cung ứng lúa giống chất lượng cao, vật tư nông nghiệp cho nông dân canh tác và chịu trách nhiệm thu mua lúa của nông dân với giá cả ký kết theo hợp đồng. Nhưng trên thực tế, nhiều nơi nông dân tham gia cánh đồng mẫu lớn phải tự lo lúa giống, vật tư nông nghiệp nên ngay trong vụ đông xuân 2011-2012 tại huyện Tam Nông, tỉnh Ðồng Tháp đã xuất hiện tình trạng doanh nghiệp bỏ rơi nông dân tham gia cánh đồng mẫu lớn, không thu mua lúa như đã thỏa thuận, khiến nông dân lại khốn đốn. Ở Tiền Giang, HTX Mỹ Thành thuộc xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy lâu nay nổi tiếng với việc canh tác lúa theo tiêu chuẩn chất lượng toàn cầu Global G.A.P và được một doanh nghiệp nhận bao tiêu toàn bộ với giá cao hơn giá thị trường. Nhưng những xã viên HTX Mỹ Thành vẫn canh cánh mối lo: nếu doanh nghiệp này vì lý do nào đó đột ngột ngưng thu mua lúa Global G.A.P thì hàng chục nghìn tấn lúa tiêu chuẩn chất lượng cao chắc chắn phải… bán giá chợ cho thương lái. Theo Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An Lê Minh Ðức, xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn cũng là giải pháp nhằm giúp người trồng lúa có được đầu ra ổn định. Tuy nhiên, cần phải có nhiều doanh nghiệp tham gia vào mô hình này để giải quyết ổn thỏa đầu ra cho nông dân khi mô hình được nhân rộng ra ở nhiều địa phương.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường đại học Tân Tạo (Long An): Ðiều đầu tiên trong sản xuất nông nghiệp bền vững chúng ta phải nghĩ đến môi trường. Phải bảo đảm vững chắc về mặt kinh tế. Do vậy, để giúp nông nghiệp phát triển bền vững chúng ta nên xác định vị trí, vai trò người nông dân làm gốc. Người nông dân không chỉ sống được mà phải sống tốt hơn. Bên cạnh đó, người nông dân cũng cần tự gắn kết lại với nhau. Ðể làm được điều này, phải có sự hoạch định chiến lược và quy trình sản xuất - tiêu thụ hiệu quả. Chính vì lẽ đó, các nhà hoạch định nông nghiệp cần nâng cao hơn nữa tầm quan trọng của người nông dân, giúp họ có trình độ nhận thức và kỹ thuật sản xuất vững chắc… Ðó là tiền đề đưa nền nông nghiệp Việt Nam phát triển.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.