Những tấm lòng báo chí

       Nhà xuất bản Trẻ vừa ra mắt ba tập sách chắt chiu từ những tấm lòng ưu tư với báo chí nước nhà của ba nhà báo mà tên tuổi đã để lại nhiều dấu ấn đẹp đẽ cho bạn đọc nhiều năm nay.

Đó là ba tập sách: Nhật ký một nhà báo (Lê Văn Nuôi), Ngày xưa báo chí hoạt động như thế nào? (Hữu Quân), Không có gì & không một ai (Nguyễn Đông Thức).

Nhà báo Lê Văn Nuôi bên góc trưng bày tác phẩm vừa ra mắt - Ảnh: L.Điền

1

Nội dung của Nhật ký một nhà báo từng xuất hiện trên báo trong một khoảng thời gian dài, nay tập hợp lại như một vệt đường ghi dấu những quan tâm thời sự của nhà báo Lê Văn Nuôi. Ở đây còn là những tư liệu quan trọng của một chặng đường báo chí Việt Nam từ thời bao cấp đến lúc tự chủ hoạt động mà tờ Tuổi Trẻ - nơi tác giả có thời gian dài làm tổng biên tập - tự thân đã mang đầy đủ những đặc trưng của một cơ quan báo chí sống được bằng sự chi trả của người đọc - người mua báo.

Nhưng trọng tâm của nhà báo Lê Văn Nuôi không nhằm nhắc lại vị trí của Tuổi Trẻ trong diễn trình báo chí Việt Nam sau ngày 30-4-1975, tấm lòng của ông hướng đến từng vấn đề đánh dấu mốc của thời cuộc mà quá trình làm báo của ông đã trực tiếp chứng kiến, tham gia xử lý và chừng mực nào đó chính là một thành tố trong dòng chảy thông tin.

Cho nên đọc tập sách này sẽ thấy rõ hơn về một thời làm báo gian khó, sẽ thấy tấm lòng của những quan chức thời bao cấp nhiệt thành với báo chí thế nào; câu nói của bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt: “Tại sao trước 1975 các chủ báo Sài Gòn đều giàu mà bây giờ Tuổi Trẻ phải đi ngửa tay xin tiền Nhà nước để làm báo?” đóng vai trò thế nào trong tư duy những người làm báo Tuổi Trẻ trong quá trình phát triển…

Nhưng tự chủ về kinh tế báo chí cũng là để tự chủ hơn trong sứ mệnh thông tin. Chính tác giả Lê Văn Nuôi từng thẳng thắn trả lời Hãng truyền hình Ashahi (Nhật Bản) về quan điểm làm báo rằng: “Nhà nước không kiểm duyệt là một chuyện. Nhưng nhà báo có dám làm đúng thiên chức của mình là thông tin trung thực, khách quan, dám nói sự thật, dám có chính kiến hay không là thuộc về bản lĩnh của nhà báo. Còn nếu làm báo theo “tư duy công báo”, thông tin một chiều, né tránh sự thật… thì chính nhà báo đã tự đánh mất tự do của mình”.

2

Ở một góc độ khác, những câu chuyện có chất trào lộng, những tiểu phẩm trào phúng của nhà báo Hữu Quân (Trọng Thịnh - báo Tiền Phong) trong Ngày xưa báo chí hoạt động như thế nào? mang đến cho công chúng một phong vị khác của tác phẩm báo chí. Đây là thể loại có thế mạnh len lỏi vào các ngóc ngách của đời sống bằng nhiều cách diễn đạt sinh động, tạo hiệu ứng tích cực cho người đọc cả trong đấu tranh với các tệ trạng lẫn xây dựng những giá trị ưu việt.

3

Và, chất báo chí được mềm hóa khéo léo trong tiểu thuyết Không có gì & không một ai của nhà văn, nhà báo Nguyễn Đông Thức. Lấy chất liệu cuộc sống và cuộc chiến Việt Nam trước và sau 1975 làm nền, các nhân vật gắn bó với nhau bằng sở thích âm nhạc, bằng tình cảm bạn bè và tình yêu được duy trì trong bối cảnh thời cuộc không thiếu trắc trở ấy.

Với một nhân vật là nhà báo, những lát cắt cuộc sống trong truyện mang đậm tính thời cuộc của đoạn đường tác giả đã kinh qua. Những thân phận thanh niên trước bước ngoặt đột ngột của cuộc đời, những bi kịch gia đình, cả lối tư duy chênh nhau giữa các thế hệ… là điểm mạnh của nhà văn với ngồn ngộn chất liệu báo chí.

Tại buổi gặp mặt ra mắt ba tác phẩm của nhà báo vào sáng 19-6, Nhà xuất bản Trẻ bày tỏ niềm kỳ vọng sẽ kết nối nhiều hơn nữa những tấm lòng bạn đọc trong dịp kỷ niệm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam năm nay.

Việt Nam trong ánh chớp lửa đạn

Nhà báo Lương Nghĩa Dũng trên đường 559, năm 1968 - Ảnh tư liệu từ sách

Cuốn sách ảnh Việt Nam trong ánh chớp lửa đạn (NXB Thông Tấn) ra mắt ngày 19-6, 40 năm sau ngày người chụp những bức ảnh chiến tranh này - phóng viên ảnh chiến trường Lương Nghĩa Dũng - ngã xuống tại mặt trận Quảng Trị 1972.

Khoảng 200 bức ảnh trong cuốn sách chỉ là một phần rất nhỏ trong gia tài hàng vạn bức ảnh lưu trữ của Thông tấn xã VN và gia đình ông. Cùng với chiếc máy ảnh, chiếc xe đạp cọc cạch, balô trên vai, Lương Nghĩa Dũng đã có mặt khắp các trận địa pháo chống máy bay bắn phá ở miền Bắc, rồi vào Nam đến với chiến trường Quảng Trị khốc liệt, hành quân trên đường Trường Sơn và sang tận Lào. Có bức ảnh chỉ thấy những nòng pháo, những ánh chớp lóe lên bầu trời, có bức ảnh rất đỗi bình dị của người lính trong chiến tranh… Đặc biệt, những khoảnh khắc bình yên giữa bom đạn được Lương Nghĩa Dũng chăm chút với rất nhiều sự trân trọng. Cũng bởi thế, ảnh chiến tranh của ông dù khốc liệt, dù nhiều đạn bom vẫn ẩn chứa cái nhìn đầm ấm của người chụp.

“Bao nhiêu người có mặt trong những bức ảnh này sống qua cuộc chiến cho đến ngày hòa bình? Chắc không nhiều lắm! Nhưng có một điều người chụp ảnh đã nằm lại chiến trường khi mới đi được nửa cuộc chiến” - lời đề từ cuốn sách nói lên rất nhiều sự tha thiết của người ở lại.