TP. Mỹ Tho: Đô thị hạt nhân của tỉnh
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH) của tỉnh trong thời gian tới là đẩy mạnh đô thị hóa, phát triển 3 đô thị trung tâm của 3 vùng là TP. Mỹ Tho, thị xã (TX) Gò Công và TX. Cai Lậy; hình thành các đô thị mới, bên cạnh cải tạo nâng cấp các đô thị trung tâm của các huyện.
Với lợi thế là nơi kết nối với các tỉnh, thành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng như TP. Hồ Chí Minh, nên trong quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị TP. Mỹ Tho được chọn là hạt nhân của vùng kinh tế – đô thị trung tâm của tỉnh.
Một góc đô thị Mỹ Tho. |
Vùng kinh tế – đô thị trung tâm gồm TP. Mỹ Tho, huyện Chợ Gạo và huyện Châu Thành, trong đó TP. Mỹ Tho là đô thị trung tâm. Quan điểm chung để phát triển TP. Mỹ Tho là phát triển nhanh và bền vững, trên cơ sở phát huy các lợi thế về vị trí, chức năng, điều kiện tự nhiên, thu hút mọi nguồn lực gắn liền với mở rộng đô thị và xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, ổn định khu vực ngoại thành, kết hợp chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại hóa, nâng cao chất lượng, hiệu quả, hàm lượng công nghệ và sức cạnh tranh của các sản phẩm – dịch vụ, các doanh nghiệp và của toàn nền kinh tế, chuẩn bị điều kiện phát triển kinh tế tri thức sau năm 2020.
TP. Mỹ Tho cũng từng bước đưa dịch vụ trở thành khu vực kinh tế chủ đạo trên cơ sở phát triển các khu chức năng chuyên đề dịch vụ trong các khu đô thị; đầu tư và thu hút đầu tư hạ tầng, trung tâm thương mại dịch vụ, các cơ sở có quy mô từ trung bình đến lớn, đồng bộ với việc mở rộng và nâng cấp đô thị nhằm phát huy vai trò đô thị trung tâm tỉnh.
Song song đó, TP. Mỹ Tho sẽ thu hút các nguồn lực trong và ngoài thành phố để phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp theo chiều sâu; đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng ngành xây dựng theo tiến độ phát triển các khu đô thị, khu dân cư, kết cấu hạ tầng, các công trình công cộng đô thị.
Đồng thời, TP. Mỹ Tho sẽ phát triển các hệ thống canh tác theo hướng khai thác tổng hợp nông nghiệp – dịch vụ du lịch – đô thị xanh theo hướng hiệu quả, chất lượng và phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp dịch vụ; gắn liền phát triển nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới.
Song song đó, TP. Mỹ Tho sẽ nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại, tích cực thu hút nguồn lực từ bên ngoài và từng bước chuyển hóa thành nội lực. Khai thác lợi thế vị trí địa lý kinh tế của thành phố với vùng trung tâm tỉnh, vùng Nam sông Tiền và vị trí – cự ly đối với TP. Hồ Chí Minh trong bối cảnh ngày càng phát triển các tuyến giao thông liên vùng. Trên nền tảng này, TP. Mỹ Tho sẽ chú trọng vào các lĩnh vực phát triển trọng tâm và các công trình trọng điểm.
Đối với các lĩnh vực phát triển trọng tâm, TP. Mỹ Tho sẽ tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị, bao gồm xây dựng hoàn chỉnh mạng lưới giao thông: Tuyến tránh Quốc lộ 1, Quốc lộ 50, Quốc lộ 60, nâng cấp các tuyến đường tỉnh, phát triển tuyến vành đai 2, kết nối mạng giao thông đô thị trên cơ sở các tuyến đường trục đô thị, đường hướng tâm và đường hành lang.
Đối với phát triển kinh tế đô thị, TP. Mỹ Tho sẽ tập trung xây dựng hạ tầng và thu hút đầu tư vào các trung tâm thương mại có tính chất phát luồng, đầu mối, trung chuyển trên các hành lang phát triển kinh tế – đô thị chính kết hợp với các khu thương mại phố thị; phát triển du lịch sinh thái theo hướng tiến đến trở thành 1 trong các trung tâm điều phối cấp vùng. Cùng với đó là cải thiện hiệu quả sản xuất công nghiệp và thu hút đầu tư các lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao…
TP. Mỹ Tho cũng sẽ chú trọng đầu tư vào các công trình trọng điểm như: Kết nối đường tỉnh 870B ra nhánh rẽ đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Cần Thơ; phát triển tuyến đường vành đai 2 nhằm tạo hành lang phát triển cho đô thị mở rộng; kết hợp đồng bộ phát triển các trục đường gom, đường hướng tâm với việc mở rộng quỹ đất phát triển đô thị, trên cơ sở đó hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng cơ bản và hạ tầng các công trình thương mại – dịch vụ theo chức năng quy hoạch chung có tính đầu mối, phát luồng cho phát triển giao lưu kinh tế và dân cư (chợ, khu và trung tâm thương mại, siêu thị, phố thương mại, các khu dịch vụ chuyên đề); phát triển Khu du lịch cù lao Thới Sơn; phát triển nông nghiệp đô thị và nông nghiệp dịch vụ kết hợp với du lịch.
Đường và kè sông Tiền tạo thêm điểm nhấn cho đô thị Mỹ Tho. |
Nằm trong quy hoạch phát triển, đến năm 2030 TP. Mỹ Tho sẽ trở thành trung tâm thương mại dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái và hội chợ thông tin – triển lãm, chẩn đoán và điều trị kỹ thuật cao… của khu vực Bắc sông Tiền. TP. Mỹ Tho sẽ giữ vững tốc độ tăng trưởng và thu nhập bình quân đầu người nằm trong nhóm dẫn đầu so với mặt bằng chung cả tỉnh.
Bên cạnh đó, TP. Mỹ Tho sẽ đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng khu đô thị trung tâm và 4 khu đô thị đồng bộ với việc tách lập thêm 2 phường mới; phát triển đô thị theo hướng hiện đại và thân thiện với môi trường, cảnh quan.
Trên cơ sở đó, cơ cấu kinh tế của thành phố chuyển dịch sang dịch vụ – công nghiệp – nông nghiệp, trong đó dịch vụ giữ vai trò khu vực kinh tế chủ đạo, chủ lực; đồng thời phát triển đồng bộ công nghiệp – xây dựng theo hướng tăng hàm lượng công nghệ, đẩy mạnh nông nghiệp đô thị công nghệ cao…
Để đạt được mục tiêu đề ra, TP. Mỹ Tho cũng đã xác định một số nhóm giải pháp trọng tâm như: Tập trung huy động các nguồn vốn đầu tư; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; đầu tư đổi mới về khoa học và công nghệ; sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường…
Nguồn Ấp Bác
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.