Tổ chức trọng thể Lễ trao Giải báo chí Quốc gia lần thứ VI năm 2011 .
Kỷ niệm 87 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, tối 21/6, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị, Hà Nội, Hội đồng Giải báo chí Quốc gia đã tổ chức trọng thể Lễ trao Giải báo chí Quốc gia lần thứ VI năm 2011.
Dự buổi lễ có đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh; đồng chí Vũ Văn Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; cùng lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành đoàn thể; đại diện các cơ quan báo chí ở Trung ương và Hà Nội cùng đông đảo những người làm báo và bạn đọc trong cả nước.
Đồng chí Nguyễn Sinh Hùng và đồng chí Đinh Thế Huynh trao giải cho các tác giả đoạt giải A |
Phát biểu khai mạc buổi lễ, đồng chí Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội đồng Giải báo chí Quốc gia, cho biết: Giải báo chí Quốc gia là một trong những hoạt động quy mô toàn quốc, vừa để tôn vinh các tác giả, tác phẩm báo chí xuất sắc nhất của năm, vừa để động viên, khuyến khích các nhà báo tiếp tục phấn đấu, nâng cao chất lượng thông tin, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Giải báo chí Quốc gia lần thứ VI – 2011 đã thu hút được sự tham gia của đông đảo các cấp Hội trong cả nước (55/63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, cao nhất từ trước đến nay). Giải cũng có số lượng tác phẩm gửi về tham dự cao với 1.268 tác phẩm ở 8 loại Giải. Bên cạnh đó, số lượng đơn vị báo chí và số tác phẩm của cộng tác viên cũng đều tăng. Đã có 117 đơn vị báo chí tham dự Giải, trong đó 55 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, 62 tổ chức cơ sở Hội là Liên chi hội, Chi hội và cơ quan báo chí Trung ương; có 164 tác phẩm của cộng tác viên; 27 cá nhân gửi tác phẩm ảnh báo chí dự Giải.
Về nội dung, các tác phẩm dự Giải báo chí Quốc gia 2011 đã bám sát các nhiệm vụ chính trị của đất nước, của ngành, của điạ phương; phản ánh kịp thời, đa dạng tình hình kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của đất nước. Nhiều tác phẩm đi sâu vào giới thiệu những nhân tố mới, gương người tốt việc tốt, điển hình tiên tiến trong mọi mặt đời sống. Nhìn chung các tác phẩm đã phản chiếu đầy đủ, khách quan tình hình đất nước, nỗ lực của cả hệ thống chính trị thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, sự điều hành của Chính phủ, tiếp tục đưa đất nước tiến lên. Về chất lượng các tác phẩm dự Giải được đánh giá là đồng đều, không có tác phẩm yếu kém nhưng vẫn chưa có tác phẩm thật xuất sắc nổi trội ở tất cả các thể loại.
Đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và đồng chí Hà Minh Huệ, |
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhiệt liệt chúc mừng các thế hệ nhà báo Việt Nam, biểu dương kết quả mà báo chí cách mạng đã đạt được trong năm qua. Đồng chí nhấn mạnh: Chúng ta tự hào về đội ngũ báo chí cách mạng Việt Nam, thời gian qua đã có nhiều cống hiến to lớn vào sự phát triển của đất nước. Những tác phẩm báo chí được trao giải chính là những công trình thể hiện tấm lòng, bản lĩnh của các nhà báo chân chính.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Tổ quốc và nhân dân ta rất anh hùng trong cả giải phóng dân tộc và công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế. Đất nước ta ngày càng phồn vinh, tốt đẹp, với bề dày truyền thống, lịch sử được cả nhân loại tôn trọng. Lực lượng báo chí đã đóng vai trò rất quan trọng vào những thành tựu to lớn của đất nước.
Chủ tịch Quốc hội mong muốn, với lực lượng hùng hậu trên 17.000 phóng viên, biên tập viên, báo chí cách mạng Việt Nam, trong thời gian tới sẽ nâng cao hơn bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để có ngày càng nhiều tác phẩm báo chí xuất sắc, có tính chiến đấu, hấp dẫn, thuyết phục cao. Các phóng viên, biên tập viên báo chí cách mạng Việt Nam cần cố gắng bám sát cuộc sống của nhân dân, phản ánh sinh động hiện thực cuộc sống, con người Việt Nam; quảng bá truyền thống văn hóa lịch sử, thành tựu đổi mới của đất nước. Bên cạnh đó, tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh phản bác các quan điểm, thông tin sai trái của các thế lực thù địch.
Tổng biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà báo Đào Ngọc Dũng |
Tại buổi lễ, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã trao giải cho 95 tác phẩm đoạt giải, trong đó có: 2 giải A, 23 giải B, 39 giải C và 31 Giải khuyến khích. Cụ thể, ở loại hình báo in (gồm cả báo điện tử): Giải tin, bài phản ánh, ghi chép không có giải A, có 5 giải B, 7 giải C. Giải Xã luận, bình luận, chuyên luận có 4 giải B, 7 giải C; Giải Phóng sự, phóng sự điều tra, bút ký báo chí có 6 giải B, 6 giải C. Giải ảnh báo chí có 1 giải B, 2 giải C. Ở loại hình báo nói: Giải Tin, bài phản ánh, phỏng vấn, toạ đàm, bình luận, chuyên luận có 1 giải A, 3 giải C; Giải Phóng sự, phóng sự điều tra, bút ký có 2 giải B, 4 giải C. Ở thể loại báo hình: Giải Bình luận, toạ đàm, giao lưu, phim tài liệu có 1 giải A, 2 giải B, 4 giải C; Giải Tin, phóng sự, phóng sự điều tra có 3 giải B, 7 giải C.
Trong số các tác phẩm đoạt giải, ở loại Giải về tin, bài phản ánh, phỏng vấn, ghi chép (báo in), nhóm tác giả Đào Ngọc Dũng (Tổng biên tập báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam) và Ánh Tuyết (báo Nhân Dân) đã đoạt giải C với tác phẩm Vươn ra biển xa để làm giàu, làm chủ.
Ngoài các tác phẩm đoạt giải được trao giải tại buổi lễ, Hội đồng Giải cũng quyết định trao Giấy chứng nhận cho 33 tác phẩm vào chung khảo nhưng không đoạt giải./.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.