Đo lường hạnh phúc
Nhiều báo Việt Nam đưa tin “Người Việt hạnh phúc thứ nhì thế giới”, “Việt Nam là nước hạnh phúc thứ hai trên thế giới”, nghe thật sướng lỗ tai. Có thật vậy không?
HPI được tính dựa trên 3 chỉ số: Cảm nhận của người dân về hạnh phúc (EW - Experienced well-being); Ước tính tuổi thọ (LE - Life Expectancy); và dấu chân sinh thái (EF - Ecological Footprint).
EW được ước lượng dựa trên thăm dò dư luận; LE lấy từ Báo cáo Phát triển Con người của UNDP; EF do là số đo mức tiêu thụ tài nguyên để duy trì hình mẫu tiêu thụ của nước đó. Công thức tính HPI được NEF sử dụng là (các hệ số 0,6 hay các hằng số 2,93; 73,35; và 4,38 là các số liệu hiệu chỉnh của NEF):
HPI = 0,6 x [(EW+2,93) x LE -73,35]/(EF+4,38)
Theo NEF, năm 2012 Việt Nam có: EW = 5,8; LE = 75,2; và EF = 1,4. Thay các số liệu này vào công thức trên ta có HPI của Việt Nam là 60,4 và xếp sau Costarica (HPI =64,0).
Thứ nhất, HPI không cho ta biết mức hạnh phúc của mỗi nước, nên không thể nói nước này hạnh phúc hơn nước kia dựa vào HPI.
Thứ hai, trong ba tham số để tính HPI của NEF, thì EW và EF thường ít được hiểu cặn kẽ.
EF nằm ở mẫu số, cho nên rất nhạy cảm (dẫu cho NEF có hiệu chỉnh bằng cộng thêm 4,38 vào số đo này), các nước kém phát triển thường sử dụng ít tài nguyên và vì thế EF thấp cho nên không lạ gì là các nước này xếp hạng khá cao.
NEF lấy số liệu EW của Gallup dựa trên thăm dò ý kiến cho câu hỏi sau: “Hãy tưởng tượng một chiếc thang có các bậc, được đánh số 0 ở dưới cùng (tương ứng với cuộc sống tồi tệ nhất) và 10 ở trên cùng (tương ứng với mức tuyệt vời nhất); bây giờ bạn cảm thấy mình đang ở bậc thang nào?”
Đo lường EW được các nhà tâm lý học, kinh tế học nghiên cứu từ lâu và nhất là trong khoảng gần 20 năm nay. Giáo sư Daniel Kahneman, nhà tâm lý học Israel được giải Nobel Kinh tế, là một trong những người đi tiên phong. Trong cuốn “Tư duy nhanh và tư duy chậm” (Thinking, Fast and Slow) ông đã dành cả 2 chương để bàn về đo lường EW. Ông đưa ra chỉ số U (U-index), là tỉ lệ phần trăm thời gian (thí dụ trong 8 giờ làm việc, hay trong một ngày) mà một người cảm thấy khó chịu (Unpleasant) như bực bội, xấu hổ, chán nản, phiền muộn, và cô đơn. Thí dụ trong 16 giờ thức trong một ngày ai đó có tổng cộng 4 giờ trong trạng thái khó chịu thì chỉ số U của người đó, trong ngày đó là 25%. Mỗi người có thể đánh dấu trạng thái U của mình trong ngày, tuần hay năm và như vậỵ có thể đo được cho từng cá nhân (và xã hội).
Chính sách để giảm chỉ số U là một cách tiếp cận “giảm khổ đau” rất gần với triết lý Phật giáo, hạnh phúc là thoát khỏi khổ đau. Như thế thay cho đo lường hạnh phúc, ta tiếp cận từ phía ngược lại, từ phía bất hạnh, xóa hay làm bớt những hoàn cảnh, điều kiện gây ra phiền muộn, đau khổ, giảm bất hạnh là cách tiếp cận rất thiết thực và tích cực. Đo lường EW hiện nay được tiến hành rộng rãi trong các cuộc điều tra quốc gia ở Hoa Kỳ, Canada và Châu Âu.
Viện Gullup tiến hành đo lường như vậy trong hơn 150 nước trên thế giới. Và từ những đo lường này (với nhiều triệu số liệu hàng năm) có thể rút ra rất nhiều phát hiện thú vị và quan trọng. Thí dụ, chúng xác nhận tầm quan trọng của các yếu tố tình huống, sức khỏe thể chất và quan hệ xã hội trong EW, hay có mức bão hòa về thu nhập mà trên đó tăng thu nhập không làm tăng EW (mức này ở Mỹ là khoảng 75 ngàn USD đối với hộ gia đình; mức bão hòa có thể khác nhau ở các nước khác nhau do chi phí sinh hoạt khác nhau), nói cách khác tiền bạc không mua được hạnh phúc.
Cả ba số liệu mà NEW sử dụng đều rất có ý nghĩa riêng của nó. Tuy nhiên cách sử dụng của 3 số liệu này để tạo ra chỉ số HPI lại đáng tranh cãi.
Như chúng ta đã thấy, các nước phát triển, có thu nhập cao EW không tăng với thu nhập khi vượt ngưỡng bão hòa. Ước lượng tuổi thọ cũng không thể vượt quá giới hạn sinh học. Đấy là hai đại lượng được nhân với nhau và nằm ở tử số của công thức tính HPI. Còn mẫu số là EF, mức sử dụng tài nguyên. Các nước phát triển có EF cao, và như thế không có gì lạ là chỉ số HPI của họ thấp, cũng tương tự EF của các nước chậm phát triển thấp và HPI của họ nhìn chung cao. Nói cách khác bản thân công thức tính HPI của NEF là có vấn đề và rất cần bàn cãi.
Cho nên chúng ta phải thận trọng với chỉ số HPI của NEF. HPI là một chỉ số của NEF, đừng dùng nó để thỏa mãn cơn tự sướng, một căn bệnh thâm căn cố đế của người Việt nhưng nhất quyết cần thay đổi.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.