Vùng lúa Gò Công đang thiếu nước
(THTG) Vụ đông xuân 2015-2016, toàn vùng dự án ngọt hóa Gò Công xuống giống khoảng 29.300 ha lúa. Trà lúa đang ở giai đoạn tỉa dặm, đẻ nhánh nên nhu cầu sử dụng nước rất lớn. Trong khi đó, mùa mưa đã kết thúc, mặn trên các sông đến sớm, xâm nhập nhanh, mực nước trên các trục kênh thủy lợi nội đồng xuống thấp, chất lượng nước dần dần xấu, khiến cho tình hình sản xuất lúa khu vực này đang gặp rất nhiều khó khăn.
Ảnh: Bá Thủy
Tại huyện Gò Công Tây, nông dân xuống giống khoảng 10.000 ha lúa đông xuân, phần lớn diện tích vừa tỉa dặm xong đang đẻ nhánh. Đây là giai đoạn lúa rất cần nước để bón phân, chuẩn bị rước đòng. Thế nhưng, những ngày qua, do mực nước trên ruộng cạn kiệt, nông dân phải bơm nước vào ruộng để lúa tiếp tục sinh trưởng và phát triển. Trong khi đó, vào thời điểm này cùng kỳ năm trước, nguồn nước trên ruộng vẫn còn dồi dào, thì năm nay, lúa đã thiếu nước nên bà con lo ngại từ nay đến cuối vụ, tình hình nước phục vụ sản xuất lúa sẽ còn gay gắt hơn.
Theo Công ty TNHH một thành viên Khai thác Công trình Thủy lợi tỉnh Tiền Giang, từ cuối tháng 11 trở đi, nguồn tiếp nước duy nhất vào vùng lúa Dự án ngọt hóa Gò Công chỉ qua cống Xuân Hòa. Thế nhưng, từ đầu tháng 1/2016 đến nay, cống Xuân Hòa cũng lấy nước không ổn định do độ mặn cao, chỉ lấy gạn, làm cho lượng nước nội đồng giảm xuống nhanh. Hiện mỗi ngày, mực nước nội đồng trên các kênh trục giảm khoảng 5 đến 10 cm, thiếu hụt khoảng 700.000 mét khối một ngày. Vì thế, nông dân muốn bơm nước vào ruộng cũng không có đủ nước để bơm, nguy cơ ảnh hưởng đến năng suất rất lớn.
Ảnh: Bá Thủy
Để cứu lúa ở các khu vực xa nguồn, Xí nghiệp Thủy nông Gò Công phối hợp với chính quyền các địa phương đã tổ chức 117 điểm bơm chuyền phục vụ cho gần 4.000 ha lúa, gồm: Gò Công Đông 20 điểm, Gò Công Tây 55 điểm và thị xã Gò Công 42 điểm. Tuy nhiên, từ nay đến 40 ngày tới là giai đoạn lúa rất cần nước, song với mực nước trên các kênh nội đồng đang dần cạn kiệt như thế này chắc chắn sẽ không còn nước để cho bà con bơm vào ruộng. Không chỉ vậy, ngoài sản xuất lúa, trong vùng còn khoảng 10.000 ha cây ăn trái, rau màu cũng đang có chung nguy cơ thiếu nước tưới.
Để bảo vệ lúa không bị thiệt hại do thiếu nước, Sở NN&PTNT tỉnh yêu cầu các địa phương tổ chức tốt công tác bơm chuyền, bơm trữ, vệ sinh nguồn nước; đơn vị vận hành công trình cống theo dõi sát diễn biến độ mặn trên sông để tổ chức lấy nước khi độ mặn cho phép. Cơ quan Bảo vệ Thực vật, Khuyến nông tổ chức hội thảo đầu bờ cho từng khu vực, hướng dẫn người dân biết nhu cầu nước của cây lúa trong từng giai đoạn để có giải pháp điều tiết sử dụng nước hợp lý.
Kim Nữ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.