Tăng cường các giải pháp phát triển ngành thủy sản

 

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

       Thủy sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Phát triển ngành thủy sản một cách bền vững, có thương hiệu uy tín, có khả năng cạnh tranh cao trong hội nhập kinh tế quốc tế là nhiệm vụ quan trọng hiện nay.

Hiện nay ngành thủy sản Việt Nam đang đứng trước nhiều tồn tại như: nguồn lợi thủy sản đã khai thác đang có xu hướng giảm; công tác quy hoạch vùng biển còn hạn chế, dự báo ngư trường, thống kê nghề cá hiện đang tiến hành nhưng chưa đáp ứng yêu cầu thực tế …

Đặc biệt, trong giai đoạn 2001-2010, tổng số tàu thuyền máy khai thác thủy sản đã tăng từ 74.495 chiếc lên 128.449 chiếc, tốc độ tăng bình quân 6,2%/năm, tổng công suất máy tàu tăng nhanh với tốc độ 7,1%/năm. Tuy nhiên, hầu hết là số lượng tàu cá nhỏ, thiếu các thiết bị hiện đại để phục vụ đánh bắt xa bờ. Hơn nữa, tổ chức sản xuất theo chuỗi sản phẩm khai thác hiện nay còn hạn chế, chưa có quy hoạch khai thác và thống kê sản lượng của các sản phẩm khai thác chủ lực…

Để khắc phục thực trạng này, đòi hỏi phải xây dựng quy hoạch chi tiết và rõ ràng. Hiện ngành thủy sản đang đặt mục tiêu đến năm 2020, sản lượng khai thác thủy sản của cả nước sẽ đạt 2.400.000 tấn và sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 4,5 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt 11 tỷ đôla.

Để đạt được mục tiêu trên, góp phần phát triển bền vững ngành thủy sản Việt Nam, trong thời gian tới, ngoài việc phải khắc phục được những bất cập như: công tác quy hoạch; sản xuất quy mô nhỏ lẻ, tự phát; cơ sở hạ tầng hạn chế… thì cần có sự đánh giá lại thực trạng nuôi trồng thủy sản, có chính sách khuyến khích phát triển nghề nuôi và có cơ chế hỗ trợ để doanh nghiệp… Bên cạnh đó, cần chú trọng đầu tư vào công nghệ sản xuất giống mới, hiện đại, phù hợp với điều kiện ở Việt Nam; xây dựng các mô hình nuôi trồng thủy sản tiên tiến đem lại giá trị kinh tế cao. Đồng thời, tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác xúc tiến thương mại để củng cố và phát triển các thị trường; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực…