Paris Tết Việt có gì hay?
Còn một Paris khác rất đẹp trong những ngày Tết Việt mà ít người biết đến…!
Rộn ràng Tết Việt ở quận 13
Nhắc đến quận 13, hầu như người Pháp nào cũng biết đó là khu sinh sống đông đúc của cộng đồng dân châu Á, đặc biệt là người Trung Quốc và người Việt Nam tại Paris. Đến quận 13, du khách sẽ choáng ngợp với những cửa hàng, siêu thị, tiệm ăn, quán nước với đủ các biển hiệu tiếng Việt, tiếng Trung san sát nhau. Bởi vậy, đây là nơi mọi người có thể cảm nhận được không khí Tết Việt rõ ràng nhất.
Giữa tháng 12 âm lịch, khắp các khu phố chính của quận 13 bắt đầu được trang hoàng bởi những câu chúc mừng năm mới, dây đèn hình hoa xuân. Trong khi các cửa hiệu người Hoa được thay áo mới bằng những câu đối màu đỏ hay những chùm pháo giả treo bên cửa thì cửa hàng của người Việt tràn ngập sắc vàng của hoa mai, sắc hồng của hoa đào và đôi khi chợt bắt gặp hình ảnh cây nêu ngày Tết mà chắc ngay cả ở Việt Nam cũng hiếm khi thấy được ở các thành phố lớn.
Những ngày cuối năm, không khí sắm Tết rộn ràng ùa vào các trung tâm thương mại dành cho người châu Á ở Paris. Dù đang giữa trời Âu nhưng có thể dễ dàng tìm thấy gần như tất cả nguyên liệu cơ bản để làm một mâm cỗ Tết tại các siêu thị như Tang Frère, Paris Store hay Thanh Binh Jeune…
Lá dong, đậu xanh và nếp luôn được các cô, các bà nội trợ “săn lùng” để tự tay gói cho gia đình những chiếc bánh chưng đậm đà hương vị quê hương. Ngoài ra, giò chả, dưa hành, củ kiệu, các loại mứt tết và quất, mai, đào… cũng được bày bán ở những vị trí trung tâm trong các siêu thị.
Ấn tượng nhất khi đến quận 13 vào ngày mồng 1 Tết là tiếng pháo nổ vang trời. Đây là dịp duy nhất trong năm người dân có thể xem đốt pháo cũng như các màn múa lân, múa rồng hay diễu hành trang phục truyền thống châu Á trên khắp các phố chính của quận 13. Thưởng thức ẩm thực cổ truyền, hít hà mùi pháo, rộn ràng tiếng trống lân… chắc hẳn sẽ khiến mọi người cảm nhận rõ rệt không khí Tết Việt tại Paris tráng lệ.
Lễ chùa đầu xuân
Đến Paris dịp này, du khách có thể vãn chùa ở Trúc Lâm Thiền Viện, chùa Quan Âm, chùa Hoa Nghiêm hay chùa Kỳ Viên… Đó là những ngôi chùa nổi tiếng, mỗi chùa một nét riêng nhưng đều đậm chất Việt ở Paris.
Trúc Lâm Thiền Viện là địa điểm vãn chùa quen thuộc nhất của bao thế hệ kiều bào cũng như du học sinh Việt Nam ở Paris trong những ngày Tết. Thiền viện nằm trên một ngọn đồi thuộc thành phố Villebon-sur-Yvette, cách trung tâm Paris khoảng 20 km về phía Nam. Du khách có thể sử dụng hệ thống tàu nhanh trong vùng Ile de France (RER B) và dừng ở bến Lozère, sau đó điện thoại đến thiền viện để các thầy sắp xếp xe xuống đón ở bến. Vị trí khá xa cũng không ngăn được du khách gần xa đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính xen lẫn hiện đại của thiền viện hơn 25 năm tuổi.
Mỗi độ xuân về, thiền viện thường tổ chức lễ Cầu An vào mùng 1 Tết, thắp hương cầu cho năm mới gặp nhiều may mắn. Mỹ Linh, du học sinh ngành kinh tế tại Paris, chia sẻ: “Nhà mình ở Đà Lạt nên thường đến viếng Trúc Lâm Thiền Viện, cầu sức khỏe và cuộc sống an khang. Năm ngoài, đón Tết xa nhà, mình đã nghẹn ngào khi đến cầu an ở Trúc Lâm Thiền Viện Paris. Khung cảnh thiên nhiên và kiến trúc có nhiều điểm tương đồng với quê nhà nên cũng phần nào vơi đi nỗi nhớ”.
Các chùa ở Paris cũng mừng Tết Nguyên Tiêu với nhiều hoạt động như cầu an, ăn chay, xin xăm may mắn…
Tết Việt ở trụ sở UNESCO tại Paris
Đã thành thông lệ, cứ gần Tết, người Việt ở Paris lại nô nức đón chờ “Ngày hội Tết Việt”, một hoạt động thường niên do Hội người Việt tại Pháp phối hợp cùng Hội sinh viên và Hội thanh niên tại Pháp tổ chức. Tết Việt là sự kiện với nhiều hoạt đông động lớn nhỏ diễn ra trong một ngày tại trụ sở của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) tại Paris. Đại sứ Việt Nam tại Pháp luôn tham gia cùng bà con Việt kiều và du khách.
Các gian hàng tại Tết Việt được thiết kế theo những chủ đề khác nhau. Tái hiện không khí chợ Tết với những gánh hàng hoa, hàng quà hay không gian ông đồ để mọi người đến chụp ảnh và khám phá nét đẹp văn hóa cổ truyền của người Việt xưa. Phố ẩm thực là điểm thu hút nhiều khách đến thăm nhất bởi sự đa dạng trong các món ăn truyền thống ngày Tết được bày bán như bánh chưng, bánh tét, giò lụa, nem…
Các tiết mục văn nghệ được đầu tư và luyện tập công phu từ nhiều tháng trước, với sự góp mặt của các bạn du học sinh cũng như nhiều thế hệ trẻ Việt Nam sinh ra tại Pháp. Các giai điệu quen thuộc trong ngày Tết được vang lên bởi các ca sĩ nghiệp dư của Hội sinh viên và Hội người Việt Nam tại Pháp mang không khí Tết bao trùm cả khán phòng.
Tết Việt thu hút không chỉ những người con đất Việt mà còn là dịp để quảng bá hình ảnh Việt Nam đến bạn bè thế giới. Rất đông bạn bè người Pháp và các nước khác tham gia đón Tết Việt đều bày tỏ sự thích thú. Trụ sở của UNESCO mùng 1 tết trở thành nơi “đại gia đình” những người Việt xa quê cùng gắn kết và chia sẻ tình cảm ấm cúng nơi đất khách quê người.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.