Xuân mới trên vòm nhô sông Chảy
Nằm trên độ cao gần 2.000 m, bao bọc bởi núi cao, vực sâu, Tả Gia Khâu được ví như “Trường Sa cạn” của miền Tây Bắc ngút ngàn sương gió. Tết này, người Mông, Dao, Xa Phó, Thu Lao… sinh sống trên vòm nhô sông Chảy (Lào Cai) ấy có thêm niềm vui và sức sống từ những ngôi nhà mới, con đường rộng mở và tình quân dân gắn bó trong mỗi người lính biên phòng, mỗi người dân bản.
|
Đồng bào các dân tộc Mường Khương (Lào Cai) vui hội Gầu Tào truyền thống đầu năm mới. Trở lại Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu lần này, chúng tôi thật mừng vì đường lớn đã thông, ô-tô đi đến tận cổng, chẳng bù vài năm trước chỉ có cuốc bộ, may mắn thì được cưỡi ngựa, mùa mưa thì chẳng có cách nào đến được vì ảnh hưởng của lũ ống, sạt lở đất. Đứng ở trạm quan sát tiền tiêu của đồn, tầm mắt bao quát một miền biên cương núi non, sông suối đất nước thật đẹp và hùng vĩ. Từ cầu đá Lao Tô buông cái nhìn theo vách đá hun hút chừng hơn hai trăm mét cắm thẳng xuống phía dưới, con sông Xanh mảnh như sợi chỉ phân giới 12,5 km đường biên Việt Nam – Trung Quốc. Chếch sang hướng nam, con đường mới rải xong lớp nhựa mặt nhẵn mịn, uốn lượn êm ả giữa điệp trùng núi đá tai mèo của xã Bản Mế thuộc huyện Si Ma Cai. Đường lên Tả Gia Khâu trùng trùng núi dựng. Chả thế, cái tên Mường Khương theo tiếng địa phương có nghĩa là “ cột thép chống trời”. Con đường trên đỉnh trời này được thi công gần hai năm nay, nối Tả Gia Khâu với huyện lỵ Si Ma Cai, thị trấn Bắc Hà và huyện Xín Mần (Hà Giang) phá vỡ thế “ốc đảo” của Tả Gia Khâu nằm trên núi đá cao chất ngất. Điện lưới cũng đã vượt dốc Chín Quai, băng đèo Cổng Trời kéo vào thắp sáng lung linh một vùng biên ải. Xã Tả Gia Khâu có 12 thôn, nơi Đồn Biên phòng 231 đứng chân nằm chênh vênh trên sườn núi dốc dựng, quanh năm thiếu nước sinh hoạt. Nhớ năm nào khô hạn nặng, dịp sát Tết, chúng tôi lên Tả Gia Khâu. Trong khi dưới phố huyện Mường Khương đã nhộn nhịp không khí Tết lắm rồi thì bước vào sân đồn thấy vắng lặng, hỏi Phó đồn trưởng Trần Quang Nghị mới biết anh em tranh thủ xuống sông Xanh cõng nước… để dùng. Anh em phải chia nhau từng nhóm ba người, tờ mờ sáng cặm cụi xuống sông, vội vàng đóng đầy can 20 lít cho vào ba-lô chuyên dụng, cõng ngược dốc đá dựng đứng, đến 12 giờ trưa mới đem được can nước về đồn. Thế rồi, đêm đến sương mù dày đặc, họ nảy sáng kiến đóng cọc, căng ni-lông để hứng sương đọng lấy nước dùng… Vì thế, nước ở đây quý giá vô cùng, chia định suất như chia cơm. Bây giờ cái khô khát đỡ hơn, không còn cảnh phải buộc thật chặt dây giày vải cao cổ, mặc áo bông cản rét, ngậm lương khô tụt xuống sông Xanh cõng nước nữa. Đã có một đường ống thép dài gần 5 km dẫn nước từ Sìn Chư, ở xã Dìn Chin chảy về bể chứa của đồn và 49 hộ dân thôn La Hờ. Tỉnh Lào Cai đã đầu tư xây những bể ngầm chứa được vài khối nước ở nơi có những mạch nước rỉ ra; rồi làm những bể nổi, bể chìm bằng xi-măng, bằng vải lót chuyên dụng giữ nước cho dân. Đồn Tả Gia Khâu bảo vệ 12,5 km đường biên, địa hình vô cùng hiểm trở, nhiều núi cao, vực thẳm, dân cư chỉ có hơn 5.000 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số (Tu Dí, Pa Dí, Thu Lao, Mông, Phù Lá…). Đường biên giới hoàn toàn là sông, suối với vách núi cao quẩn trắng sương mù, vực thẳm sâu hun hút. Gian khổ là thế nhưng đồn vẫn duy trì nền nếp tuần tra. Người chiến sĩ biên phòng Tả Gia Khâu thuộc từng gốc cây, ghềnh đá, bãi bồi giữa dòng chảy như lòng bàn tay mình, chỉ một biến động nhỏ cũng không qua nổi con mắt tinh tường, nhờ thế đã triệt phá nhiều vụ án ma túy, ngăn chặn tệ nạn mua bán phụ nữ, trộm cắp trâu bò qua biên giới. Mầu áo xanh của các chiến sĩ biên phòng Tả Gia Khâu đã quá quen thuộc với đồng bào bảy dân tộc nơi đỉnh trời khô khát này. Để hiểu và đi sâu đi sát vào cuộc sống của bà con, cán bộ và chiến sĩ đã thực hiện phương châm “bốn biết” (nhân thân, lý lịch; thực trạng; ngôn ngữ; phong tục tập quán) và “bốn cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng tiếng nói) để thuận lợi cho công tác vận động. Ngày xuống bản “cầm tay chỉ việc” hướng dẫn bà con các dân tộc làm thủy lợi cấy lúa, trồng ngô lai giống mới; trồng cỏ VA06 nuôi gia súc; trồng trẩu phủ xanh đất trống đồi trọc; bài trừ tập tục lạc hậu, bảo tồn điệu múa, lời ca văn hóa truyền thống… Đêm khoác áo mưa ngăn sương, chống gậy vượt núi, băng suối đến từng nhà dạy chữ cho con em đồng bào. Nhanh nhẹn và thuần thục như người bản địa, chàng sĩ quan biên phòng Nguyễn Văn Toàn, Đội trưởng Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu dẫn chúng tôi theo con đường dân sinh mới mở giữa ngút ngàn lau lách, đi bộ gần chục km, vào thăm bản Na Măng. Đây là bản khó khăn nhất của xã, với 100% số hộ người Mông, giao thông cách trở. Vừa gặp Trung úy Toàn, Trưởng bản Giàng Phủ Sèng, dân tộc Thu Lao hồ hởi: “Nhờ có bộ đội biên phòng giúp sức, bà con đã có ruộng bậc thang cấy lúa, biết trồng rừng giữ nguồn nước, chăn nuôi trâu bò…, đã bớt cái đói, cái nghèo, con cái được đi học. Vui nhiều lắm…!”. Trung úy Toàn kể lại, có đợt cắm bản “bốn cùng” dài đến sáu tháng liền, giúp dân làm thủy lợi, khai hoang ruộng bậc thang để cấy lúa nước bằng giống mới, làm chuồng trại tránh rét để nuôi gia súc. Đội “bốn cùng” do anh phụ trách đã vận động đồng bào trồng được hàng chục ha trẩu và thông mã vĩ, giờ đang khép tán xanh ngát trên những triền đồi chạy dọc biên giới. Chúng tôi cùng Chính trị viên Nguyễn Trọng Mạch vào bản La Hờ, nơi khởi thủy của dòng sông Chảy hùng vĩ và thơ mộng. Những ngôi nhà lợp ngói xi-măng sáng lên trong nắng xuân, khu rừng cấm gồm hàng trăm cây gỗ đinh, gỗ nghiến cổ thụ xanh ngắt tự hồi nào. Hoa trạng nguyên đỏ rực trên những bờ rào đá quây quanh vườn rau thắm vàng ngồng cải. Mấy cây đào rừng bật hoa phớt hồng chúm chím nụ cười thiếu nữ miền sơn cước. Không khí Tết rộn rã trong từng ngôi nhà. Người già, con trẻ đồng bào dân tộc Thu Lao ùa ra đón khách như người thân trong gia đình, ai cũng mời vào nhà uống chén rượu ngô thơm nồng, ăn miếng bánh dày nếp mới, tình cảm quân dân gắn bó thật sâu nặng. Chị Hồ Xí Vín, nữ đảng viên người dân tộc Thu Lao đầu tiên của thôn cho biết, Tết này có nhiều gia đình được đón xuân trong những ngôi nhà khang trang theo Chương trình xây dựng nông thôn mới của Chính phủ, nhiều nhà đã mổ lợn, gói bánh chưng gù ăn Tết sớm mừng nhà đẹp. Xuân mới đã về trên “Trường Sa cạn” Tả Gia Khâu trong tiếng đàn môi vời vợi: Lính biên phòng chon von trên vách núi/Thăm thẳm đại ngàn ngun ngút biên cương/Ngày nắng ngày mưa cháy lòng như lửa/Một tình yêu lay thức cả trời sao… Báo Nhân dân |
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.