Rộn ràng lễ hội đầu Xuân Bính Thân 2016

Những ngày này, trên khắp cả nước đã và đang diễn ra nhiều lễ hội sôi nổi để chào đón năm mới Bính Thân 2016.
Mỗi năm, chùa Keo có 2 lần mở hội: Hội Xuân vào ngày mồng 4 tết Nguyên Đán và Hội mùa Thu (lễ hội chính), từ ngày 13 đến ngày 15/9 (âm lịch). Ảnh minh họa

Sáng 11/2 (tức ngày mồng 4 Tết Bính Thân năm 2016), tại di tích cấp quốc gia đặc biệt chùa Keo (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Duy Nhất đã tổ chức Khai hội chùa Keo mùa Xuân năm 2016, đồng thời khai chỉ mở cửa đền Thánh năm 2016.
Đây là hoạt động nhằm tưởng nhớ công đức của Quốc sư Dương Không Lộ (1016-1094) và những người có công xây dựng Chùa; phục vụ nhu cầu tín ngưỡng tâm linh, tham quan và hưởng thụ các giá trị văn hóa, nghệ thuật kiến trúc điêu khắc độc đáo của di tích cho du khách thập phương; xây dựng ý thức gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, truyền thống tốt đẹp của quê hương, đất nước.
Hội xuân chùa Keo năm 2016 có nhiều lễ thức, trò chơi, trò diễn dân gian truyền thống, đậm chất văn hóa, mang tính cố kết cộng đồng như: Nghi thức khai chỉ mở của đền Thánh; Lễ dâng hương đền Thánh; Thi chạy việt dã; thổi cơm thi; thi bắt vịt và chuỗi hoạt động của chương trình tế lễ đầu năm.

Ảnh minh họa

Tối 11/2 (mùng 4 Tết), Hội xuân Núi Bà, khu du lịch núi Bà Đen, tỉnhTây Ninh sẽ chính thức khai mạc nhưng chỉ trong 3 ngàyTết (từ mùng 1 đến mùng 3 Tết), khu du lịch đã đón gần 200.000 người. Để tạo không khí mới lạ, thu hút khách du lịch đến vui Xuân, đón Tết; đồng thời bảo đảm an toàn cho người đến tham quan trong suốt mùa lễ hội, năm nay Công ty cổ phần Du lịch, thương mại Tây Ninh còn đầu tư kinh phí, đưa vào khai thác hồ Thùy Dương, nhiều đài phun nước; trang bị thêm nhiều hoa, đèn chiếu sáng từ cổng núi đến tận chùa Bà; hơn 100 công nhân vệ sinh, thường xuyên thu rác nhằm tạo cảnh quan xanh, sạch đẹp cho khu du lịch.

Lễ hội xuống đồng-xây dựng nông thôn mới ở Thái Nguyên. Ảnh: TTXVN

Tại Thái Nguyên, ngày 10/2 (tức mùng 3 Tết), xã Trung Thành, thị xã Phổ Yên đã tổ chức Lễ hội xuống đồng-xây dựng nông thôn mới và Tết trồng cây Xuân Bính Thân năm 2016.

Lễ hội có nhiều chương trình đặc sắc, ý nghĩa được tổ chức như thi cày, cấy, bừa; thi trâu… Lãnh đạo địa phương đã trực tiếp xuống đồng tham gia cày bừa cùng nông dân, góp phần cổ vũ, động viên bà con thêm phấn khởi thi đua lao động sản xuất, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới.
Ngoài ra, lễ hội còn giới thiệu với du khách thập phương các sản phẩm thủ công mỹ nghệ và đặc sản chè búp của mảnh đất Phổ Yên… Thông qua lễ hội, người nông dân có được những giây phút thư giãn, tạo hứng khởi trước khi bước vào vụ mới, tích cực đưa những giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Xen kẽ giữa các phần thi là những tiết mục văn hóa văn nghệ do chính những người nông dân trình diễn.
Lễ hội Xuân tại Điện Biên. Ảnh: TTXVN

Sáng 10/2 (mùng 3 Tết), tại quảng trường Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ (thành phố Điện Biên Phủ), tỉnh Điện Biên đã tổ chức chương trình Hội xuân Bính Thân 2016.

Mở đầu là những tiết mục múa hát, dân vũ, âm nhạc truyền thống các dân tộc, với chủ đề ca ngợi quê hương, đất nước, giới thiệu những nét văn hóa truyền thống của các dân tộc Tây Bắc. Các đơn vị tham gia đã mang đến những làn điệu dân ca, dân vũ, âm nhạc truyền thống đặc sắc của dân tộc mình. Đây là hoạt động thiết thực nhằm phát hiện, bảo tồn và phát huy những nét văn hóa phi vật thể đặc trưng của cộng động các dân tộc anh em đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
Sôi nổi nhất là các trò chơi dân gian như: ném còn, ném pao, tù lu, cờ tướng, phi tiêu, chọi gà, đi cà kheo, kéo co…với sự cổ vũ nhiệt tình của đông đảo bà con nhân dân. Nếu ném pao là trò chơi không thể thiếu của người Mông mỗi dịp Tết đến, Xuân về thì ném còn lại là “đặc sản” của người Thái dịp lễ, Tết nhằm cầu cho một năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt.
Hội Chọi bò tại Điện Biên. Ảnh: TTXVN

Trước đó, trong ngày 9/2 (tức mồng 2 Tết), UBND huyện Điện Biên Đông đã tổ chức Hội Chọi bò Xuân Bính Thân. Ngoài chọi bò, còn có các trò chơi dân gian như ném pao, đẩy gậy, tù lu,…

Ảnh minh họa

 

Tại tỉnh Quảng Trị, đông đảo người dân và khách thập phương đã náo nức về dự Lễ hội chợ đình làng Bích La ở Khu di tích Đình làng Bích La, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong.
​Lễ hội gồm có các phần: Lễ, hội và chợ được tổ chức trong không gian khu vực Miếu thờ, khu vực Đình làng và khu vực Chợ từ đêm 9/2 đến sáng10/2. Phần lễ được tiến hành vào lúc 23h ngày 9/2 để cầu rùa thần sinh sống ở trong hồ nước trước Đình làng nổi lên. Tương truyền mỗi lần rùa thần nổi lên, dân làng sẽ có một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, làm ăn phát đạt và đời sống an khang, thịnh vượng.
Phần hội có các hoạt động văn hóa, văn nghệ như hội diễn văn nghệ (đơn ca, song ca), thi cờ tướng, cờ vua, thi viết chữ đẹp và vẽ tranh quê hương, đất nước, viết thư pháp…
Chinh phu.vn