Hàng tỷ đôla đổ vào học thêm ở châu Á
Các bậc cha mẹ ở châu Á đã chi ra hàng tỷ USD để cho con em mình học thêm và xu hướng này đang ngày một phổ biến, bất chấp những nghi ngờ về chất lượng dạy và học.
Xu hướng thuê gia sư dạy kèm cho con em đang rất phổ biến tại các nước châu Á. Ảnh: Business World |
Theo báo cáo mới được công bố hôm 4/7 của Ngân hàng Phát triển châu Á, dạy thêm là một hình thức kinh doanh mở rộng không chỉ có mặt ở những nước giàu có mà cả tại một số nước có kinh tế lạc hậu hơn trong khu vực, bởi các bậc phu huynh luôn muốn con em mình có bước khởi đầu cuộc đời vững vàng nhất.
Gần 9 trong số 10 học sinh tiểu học Hàn Quốc hiện nay có gia sư riêng dạy kèm, trong khi tỷ lệ này ở bang Tây Bengal của Ấn Độ là 6 trên 10 em.
“Trên khắp châu Á, xu hướng dạy kèm đang ngày một lan rộng và phổ biến hơn”, báo cáo viết và kêu gọi nhìn nhận lại hệ thống giáo dục để giảm thiểu tình trạng này.
Việc học thêm nhằm mục đích trợ giúp các học sinh tiếp thu chậm và góp phần giúp các em đạt thành tích học tập cao hơn. Với nhiều bậc cha mẹ châu Á, đây cũng là hình thức để con em họ sử dụng thời gian rỗi một cách hiệu quả.
Tuy nhiên, việc học thêm ngoài giờ học chính ở trường khiến nhiều thanh thiếu niên mất đi thời gian dành cho thể thao và các hoạt động ngoại khóa cần thiết để phát triển toàn diện về cả thể chất lẫn tinh thần. Điều này cũng dẫn đến những căng thẳng và đào sâu khoảng cách trong xã hội, bởi những gia đình khá giả có khả năng chi mạnh tay hơn để thuê được gia sư có trình độ tốt hơn.
Ước tính chi phí cho gia sư riêng ở Hàn Quốc tương đương 80% tổng chi của chính phủ cho giáo dục. Người Nhật Bản cũng chi 12 tỷ USD cho dạy thêm năm 2010, trong khi con số này tại Singapore là 680 triệu USD năm 2008.
Tại Hong Kong, nơi 85% học sinh cấp hai đều học thêm, các công ty luôn ra sức quảng cáo về dịch vụ gia sư “ngôi sao” của mình trên tivi, báo chí và cả xe buýt. “Dù chi phí ít thấp hơn ở những nền kinh tế khác nhưng Hong Kong vẫn đi đầu trong xu hướng chung”, báo cáo cho biết.
Tuy nhiên, hiệu quả của việc dạy thêm, học thêm vẫn là vấn đề cần bàn tới. Hiệu quả được đánh giá không chỉ dựa trên mục tiêu và khả năng của học sinh mà còn của năng lực của gia sư. Tại nhiều nước, nhiều cá nhân có thể nghiễm nhiên gắn mác gia sư mà không qua đào tạo, khiến chất lượng của việc dạy thêm cũng trở nên mù mờ.
Nghiên cứu của ADB kêu gọi chính phủ các nước giám sát và quản lý kỹ lưỡng hơn ngành đặc biệt này, cũng như xem xét lại những hệ thống giáo dục ở châu Á. “Họ nên tự hỏi tại sao hình thức dạy kèm lại tồn tại ở vị trí hàng đầu như vậy, và phải làm gì để giảm thiểu nhu cầu và khao khát học thêm của các bậc phụ huynh”, báo cáo viết.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.