Ngân nga khúc then, điệu tính
Với đồng bào dân tộc Tày vùng núi phía bắc, những làn điệu then đã trở thành một nét đẹp văn hóa không thể thiếu, gắn bó mật thiết cùng họ qua các thế hệ. Trong những dịp Tết, lễ hội, khắp không gian bản, làng luôn luôn vang vọng lời then, tiếng tính réo rắt, trầm bổng, khi gần, khi xa.
Hòa trong vẻ đẹp hùng vĩ của rừng núi điệp trùng là hình ảnh các chàng trai, cô gái Tày trong trang phục dân tộc áo chàm váy tơ, tay cầm đàn tính, nô nức say mê xướng lên những câu hát then trong trẻo, vi vút cùng mây gió. Với người Tày, then không chỉ là khúc hát đầu xuân cầu an lành, may mắn mà còn gắn liền với sinh hoạt tín ngưỡng trong năm. Then có nghĩa là “thiên”, người Tày quan niệm khúc hát then là khúc hát thần tiên, là cầu nối tâm linh chở theo lời thỉnh cầu, mong ước của con người thấu tới tai thần thánh. Vì thế, mỗi dịp người Tày cúng cầu an, giải hạn, cúng tổ tiên, hay mừng nhà mới, mừng thọ ông bà, cha mẹ… đều không thể vắng bóng những giai điệu then mượt mà. Không gian Việt Bắc chính là nơi tổng hòa của nhiều vùng then nức tiếng cả nước như: Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn, Tuyên Quang, Hà Giang. Giống như mỗi nốt nhạc trong một bản nhạc, từng vùng then lại góp vào những giai điệu, cách thể hiện rất riêng. Nếu then Lạng Sơn da diết, đằm thắm; then Hà Giang chậm rãi, dìu dặt; then Bắc Cạn thủ thỉ tâm tình; thì then Tuyên Quang lại dồn dập, mạnh mẽ như tiếng trống xuất quân… Tất cả quyện lấy nhau, mang theo từng cung bậc cảm xúc, hòa cùng tiếng suối đại ngàn tuôn chảy dạt dào qua bao thế hệ.
Người Tày vẫn hay rỉ tai kể cho nhau nghe truyền thuyết xa xưa về cây đàn tính: vốn đàn có chín dây, mỗi khi cất lên, tiếng đàn lại làm ngẩn ngơ muông thú cỏ cây, đến nỗi “Cá nghe chết chín đoạn suối. Chuột nghe chết mười quãng rừng. Trai gái nghe chết chín cõi lòng” (Trích bài “Thau tính”), nên Ngọc Hoàng đã tước bớt số dây đi, chỉ để lại hai đến ba dây như bây giờ. Nhưng không vì thế mà những thanh âm của đàn tính mất đi sức ám ảnh, mê hoặc lòng người. Hòa theo điệu đàn cao vút, ngân xa, lời hát của những ông then, bà then như đưa người nghe lạc vào không gian nguyên sơ của rừng núi từ thuở hồng hoang, cùng gia nhập đoàn quân hùng hậu với cả binh tướng, ngựa xe, vũ khí rầm rập tiến lên trời gặp thánh thần giải trừ kiếp nạn. Trên hành trình từ cõi Mường đất lên cõi Mường trời, có biết bao gian truân, thử thách mà đoàn quân phải vượt qua. Lời then, tiếng tính lúc gấp gáp, khẩn trương khi phải băng rừng, lội suối; lúc quyết liệt, dứt khoát khi phải đương đầu với giặc cướp hung hăng; lúc da diết, xót xa khi gặp phải những thân phận éo le, cùng quẫn; lúc lại tha thiết ngọt ngào khi phải cầu xin người lái đò giúp đỡ băng sông,… Phải xem và nghe then mới thấy nể, thấy phục những người hát then làm lễ. Giống như một diễn viên phải thể hiện nhiều vai cùng lúc, người được gọi là ông then, bà then miệng vừa hát theo những giai điệu biến chuyển linh hoạt, mặt vừa diễn theo những cung bậc cảm xúc, tay múa lúc chậm lúc nhanh, chân đi nhạc ngựa lúc khoan lúc nhặt, thỉnh thoảng lại diễn tả những động tác cưỡi ngựa, phất quạt, nhai chén,… Người Tày cho rằng những ông then, bà then chính là sứ giả của thần thánh, là người giúp họ gửi vía cầu thần, chuyển tải tâm tư, nguyện vọng của gia chủ tới thần linh. Vì thế, những thầy then, đặc biệt là những thầy đã đạt đủ 13 quai - thang bậc cao nhất của những người biết hát then làm lễ luôn được dân làng tin tưởng, kính trọng. Là một loại hình diễn xướng tổng hợp được thể hiện trong không gian nghi lễ nhuốm mầu sắc tâm linh, thần thoại, nhưng kỳ thực những lời ca, điệu hát then lại vô cùng bình dị, khi là lời tri ân hướng tới ông bà tổ tiên, khi tái hiện cuộc sống gần gụi, chân thực của người dân buôn làng từ lúc ở chốn Mường người đến khi về cõi Mường ma… Có lẽ chính điều này đã làm then mãi gắn bó và trở thành “đặc sản” tinh thần của người Tày ở Việt Bắc.
Nhằm phát huy giá trị và vẻ đẹp văn hóa của lời then, tiếng tính, các tỉnh miền núi phía bắc nước ta thời gian qua đã có những hoạt động gìn giữ và quảng bá hát then thông qua việc tổ chức những hội diễn văn nghệ, tham gia các liên hoan đàn tính - hát then. Nhiều đoàn ca múa nhạc dân tộc cũng đã có ý thức sưu tầm và đặt lời mới cho then xoay quanh nội dung ca ngợi Ðảng, Bác Hồ, thể hiện tình yêu quê hương, đất nước… Khoa Dân tộc của Trường cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc đã đưa hát then vào chương trình giảng dạy. Tuy nhiên, cũng như nhiều loại hình âm nhạc dân tộc khác, tính chất phức hợp và lan tỏa bằng phương thức truyền miệng đang đặt hát then đứng trước nguy cơ mai một. Các nghệ nhân còn thuộc được những điệu then cổ giờ đã ở vào cái tuổi xưa nay hiếm, còn những nghệ nhân có khả năng truyền dạy hát then chỉ đếm được trên đầu ngón tay, bên cạnh đó là sự lấn sân và tác động mạnh mẽ của các loại hình âm nhạc giải trí mới. Theo GS, TS Khoa học Tô Ngọc Thanh, then vốn dĩ ra đời để thực hiện chức năng thờ cúng, chữa bệnh, dùng để cầu tự (cầu con), cầu duyên, hay nối số (kéo dài tuổi thọ). Song những chức năng này không còn phù hợp với cuộc sống hiện tại, vì thế trong bối cảnh mới, chỉ có thể lưu giữ then cấp sắc mà điển hình là lẩu then - một hình thức nâng cấp bậc cho then. Muốn then mãi là then chứ không phải bất kỳ thứ gì “nhái then”, cần đặt then trong sự toàn vẹn của nó.
Thiết nghĩ, để then đến gần hơn với công chúng đương đại, đã đến lúc phải đa dạng hóa phương thức bảo tồn then trên cơ sở lưu giữ những giá trị nguyên gốc. Muốn làm được điều đó, bên cạnh công tác sưu tầm, phục dựng các điệu then cổ, các cơ quan, ban, ngành nước ta phải đặc biệt quan tâm tới các nghệ nhân hát then - những “báu vật sống” có khả năng truyền đạt cả giai điệu lẫn tình yêu, niềm say mê then tới giới trẻ. Tại các vùng then, nhất thiết cần thành lập những lớp học hát then, câu lạc bộ hát then, những đội văn nghệ then sinh hoạt đều đặn hằng tuần, hằng tháng. Bên cạnh đó, Ðảng và Nhà nước ta nên tập trung đầu tư hơn cho việc tổ chức các liên hoan, hội diễn hát then cấp quốc gia, cấp vùng, tỉnh để tăng độ cọ xát, nâng cao tinh thần giao lưu và nhân rộng hơn tình yêu then tới nhân dân cả nước. Ngoài ra, then cũng cần được quảng bá đồng bộ trên các phương tiện truyền thông đại chúng thông qua các chương trình giới thiệu âm nhạc, đồng thời lồng gắn vào các tiết học giảng dạy ngoại khóa trong nhà trường để nâng cao sự hiểu biết, gắn bó với các loại hình văn nghệ dân gian của giới trẻ. Mới đây, đề nghị về việc lập hồ sơ gửi UNESCO công nhận hát then của dân tộc Tày khu vực Việt Bắc là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại đã được Chính phủ phê duyệt. Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ xem xét, hướng dẫn các tỉnh khu vực Việt Bắc hoàn tất hồ sơ trong quý bốn năm nay. Tin rằng, với nỗ lực gìn giữ, quảng bá những giá trị trân quý của hát then, những lời then tiếng tính sẽ không chỉ là suối nguồn nuôi dưỡng tâm hồn đồng bào dân tộc Tày, mà còn trở thành niềm tự hào về vốn văn hóa đa dạng, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của người dân đất Việt.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.