Mừng lo hạt gạo xuất khẩu năm 2016
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), 5 năm trở lại đây, sản lượng lúa của Việt Nam khá ổn định qua các năm, ước năm 2015 cả nước đạt 45,1 triệu tấn (tăng 0,3% so năm 2014) và xuất khẩu 6,58 triệu tấn gạo, chưa tính hàng triệu tấn gạo xuất qua Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch. Dự báo, xuất khẩu lúa gạo năm 2016 có thể đạt 3 tỷ USD, tăng 7% so năm 2015. Nhu cầu đang tăng cùng giá thu mua cao hơn đang trở thành bài toán mới cho xuất khẩu gạo Việt Nam.
Mừng vì cầu tăng
Thị trường gạo thế giới năm 2015 rất khó khăn đối với doanh nghiệp Việt Nam. Từ đầu năm đến trước tháng 9-2015, số lượng và giá trị xuất khẩu gạo đều sụt giảm so với cùng kỳ, tồn kho lớn, giá mua tạm trữ lại cao hơn giá thị trường, khiến chỉ tiêu xuất khẩu gạo đã phải điều chỉnh giảm xuống. Thị trường gạo thế giới cung nhiều hơn cầu. Thái-lan – đối thủ chính của Việt Nam, lượng gạo tồn kho còn rất lớn, chính phủ Thái-lan phải tìm mọi cách để bán, dẫn đến áp lực cạnh tranh càng căng thẳng. Các DN xuất khẩu lương thực Việt Nam đều là DN vừa và nhỏ, trừ Vinafood 1 (Tổng Công ty Lương thực miền Bắc) và Vinafood 2, nên khi thị trường biến động, lợi nhuận biên thu được rất thấp.
Cuối năm 2015, hai hợp đồng tập trung cấp chính phủ (G to G) xuất khẩu 750 ngìn tấn gạo cung cấp cho Philippines, trong đó Việt Nam cung ứng 450 nghìn tấn (giao 250 nghìn tấn vào cuối năm 2015) và Thái-lan 300 nghìn tấn, và hợp đồng của Vinafood 2 ký được xuất khẩu 1 triệu tấn gạo đi Indonesia đã giúp thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam được cải thiện. Tuy nhiên, tổng giá trị xuất khẩu gạo cả năm 2015 giảm nhẹ gần 3% so năm trước do giá xuất khẩu gạo giảm mạnh
Bước sang năm 2016, xuất khẩu gạo có nhiều khởi sắc khi lượng hợp đồng đã ký còn nhiều và nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường lớn đến sớm. Hai tháng đầu năm 2016, Việt Nam đã xuất được hơn 860 nghìn tấn gạo (tháng 2 đạt 440 nghìn tấn), tăng 103% so năm ngoái, nhưng giá FOB bình quân chỉ đạt 406 USD/tấn, giảm 10% so năm ngoái.
Áp lực hạn hán do El Nino gây ra sẽ buộc Philippines, Trung Quốc, Indonesia và Malaysia sớm ký hợp đồng nhập gạo để ổn định nguồn cung lương thực trong nước. Theo Hãng thông tấn Reuters, cơ quan lương thực NFA của Philippines vừa công bố nhu cầu nhập khẩu 400 nghìn tấn gạo trong quý 2-2016 và mua thêm 800 nghìn tấn sau đó, nâng tổng số lên 1,2 triệu tấn gạo năm 2016. Chính phủ Indonesia cũng có kế hoạch mua 350 nghìn tấn gạo ngay trong quý 1-2016 để tăng lượng dự trữ và hạn chế sự tăng giá. Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo Indonesia sẽ nhập khẩu khoảng 1,6 triệu tấn gạo trong năm nay so với 1,5 triệu tấn của năm 2015.
Trong năm 2015, khu vực châu Á vẫn là thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam với số lượng hơn 4,8 triệu tấn, chiếm gần 74,5% tổng lượng gạo xuất khẩu. Trong đó, Trung Quốc chiếm 33%, Philippines chiếm hơn 18%, Indonesia 9,7%, Malaysia hơn 8%… Tiếp đó là khu vực châu Phi chiếm 13,7%; châu Mỹ hơn 6,7%…
Từ năm 2012 đến nay, Trung Quốc đã trở thành thị trường lớn nhất của gạo Việt Nam. Nếu tính cả chính ngạch lẫn tiểu ngạch, mỗi năm, gạo xuất khẩu gạo sang Trung Quốc chiếm khoảng trên 50% tổng lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam. Năm 2016 này, Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục là thị trường lớn nhất của gạo Việt Nam và nước này đang nhập khẩu gạo ngày càng nhiều hơn. Năm 2015, Trung Quốc nhập tới 3,35 triệu tấn gạo, tăng 1,15 triệu tấn so với 2,2 triệu tấn vào năm 2012.
Việt Nam đang là nước cung cấp gạo lớn nhất cho Trung Quốc, chiếm 54% lượng gạo nhập khẩu của nước này. Trung Quốc đang tiếp tục áp dụng chính sách tạm trữ và mua theo giá sàn với gạo nội địa, khiến cho giá gạo nội địa của nước này cao hơn nhiều so với giá gạo nhập, vì thế, nhu cầu dùng nhập gạo của Trung Quốc vẫn rất lớn trong những năm tới.
Theo Vụ Nghiên cứu Kinh tế (Bộ Nông nghiệp Mỹ), năm 2016, Trung Quốc có thể nhập tới 4,7 triệu tấn gạo. Văn phòng Tiểu ban lãnh đạo T.Ư Trung Quốc về công tác nông thôn, cho biết, lượng tiêu thụ lương thực của Trung Quốc hiện nay vào khoảng 640 – 645 triệu tấn, trong khi sản lượng lương thực Trung Quốc năm ngoái đạt khoảng 620 triệu tấn, vẫn thiếu khoảng 20– 25 triệu tấn. Năm 2015, Trung Quốc nhập khẩu hơn 120 triệu tấn lương thực, đạt mức cao kỷ lục, trong đó đậu nành chiếm hơn 70%.
Hàn Quốc cũng đang nhập khẩu hơn 400 nghìn tấn gạo mỗi năm và đã bãi bỏ quy định ưu tiên 50% hạn ngạch nhập khẩu cho bốn quốc gia (Trung Quốc, Thái-lan, Mỹ và Australia), để tổ chức đấu thầu công khai cho các nước xuất khẩu gạo, không phân biệt gạo nhập khẩu dùng để ăn hay chế biến. Điều này tạo cơ hội tốt hơn cho gạo Việt Nam thâm nhập vào Hàn Quốc.
Việt Nam cũng đã được EU cấp hạn ngạch nhập khẩu 70 nghìn tấn gạo với thuế suất nhập khẩu là 0%.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Hợp đồng thương mại và hợp đồng tập trung từ năm 2015 chuyển qua khoảng hơn 1,3 triệu tấn. Hiện vẫn còn khoảng 500 nghìn – 600 nghìn tấn gạo cần giao cho các hợp đồng tập trung và 200 nghìn tấn hợp đồng thương mại mà các doanh nghiệp đã ký kết trong quý 1-2016. Trong khi đó, gạo tồn kho không còn nhiều (chỉ còn 300 nghìn tấn so với bình quân 700 nghìn tấn gạo gối đầu) như các năm trước. Các doanh nghiệp sẽ tăng cường mua vào khi vụ đông xuân thu hoạch và việc tiêu thụ lúa gạo nội địa ngay trong đầu năm 2016 sẽ thuận lợi hơn, do đó không cần phải tính đến phương án tạm trữ lúa gạo vụ đông xuân như các năm trước.
Gạo thơm và gạo trắng cao cấp tiếp tục tăng trưởng năm 2015 là tín hiệu tích cực và là điều kiện để xây dựng thương hiệu, như chủ trương của VFA.
Nhìn chung, thị trường thế giới năm 2016 sẽ được hỗ trợ, nhất là giai đoạn cuối năm, như tác động tiêu cực hiện tượng El Nino đến sản xuất lương thực, lượng tồn kho toàn cầu suy giảm giống như thời kỳ trước những năm 2007 – 2008, và hợp đồng tập trung năm 2015 chuyển qua…
Hiện tượng El Nino năm nay và cả sau năm 2017 đến tận năm 2020 được nhận định là ảnh hưởng nặng nề nhất trong nhiều thập niên. Vì vậy, nhu cầu nhập khẩu lương thực của nhiều nước trên thế giới sẽ gia tăng đột biến. Thậm chí, vì thiếu nước nên Thái-lan và Ấn Độ là hai nước xuất khẩu gạo lớn cũng phải chủ động giảm sản lượng lúa và xuất khẩu gạo. Trên thực tế, nhiều thương nhân Trung Quốc đang tích cực tìm kiếm hợp đồng, thu mua và xuất khẩu gạo sang Trung Quốc cả chính ngạch và theo đường biên mậu.
Lo vì áp lực còn nhiều
Từ tháng 10-2015 đến nay, giá thu mua lúa gạo trong nước có xu hướng tăng do tình hình xuất khẩu gạo có nhiều dấu hiệu khả quan. Cụ thể: Giá lúa khô tại Đồng bằng Sông Cửu Long loại thường dao động từ 5.100 – 5.200 đ/kg (tăng 250 đ/kg), lúa khô loại dài khoảng 5.300 – 5.400 đ/kg (tăng 100 đ/kg), tùy chất lượng và địa phương; Giá gạo nguyên liệu loại 5% tấm hiện khoảng 6.550 – 6.700 đ/kg (tăng 300 đ/kg), gạo nguyên liệu 25% tấm là 6.500 – 6.600 đ/kg (tăng 350 đ/kg), tùy chất lượng và địa phương… Điều lo ngại hiện nay là giá gạo nội địa cao hơn giá gạo thế giới, đối với gạo 5% cùng loại, có lúc gạo Việt Nam cao hơn gạo Thái-lan và Ấn Độ 10 – 20 USD/tấn, cao hơn gạo Pakistan khoảng 60 USD/tấn. Năm 2016, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam có thể sẽ tiếp tục tăng rõ rệt hơn với mức giá bình quân từ 8 – 10% so 2015…
Giá thu mua tăng do cân đối cung cầu đang nghiêng về tăng cầu, giảm cung, gắn với tình trạng thời tiết cực đoan và nhiều tỉnh ven biển bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn và hạn hán nặng khiến năng suất, sản lượng lúa bị giảm. Giá lúa gạo vùng lúa ĐBSCL được dự báo sẽ còn tăng, khi mà diễn biến khô hạn và xâm nhập mặn vẫn còn phức tạp, đe dọa gây thiệt hại cả năng suất và sản lượng vụ hè thu.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ xuân hè không thể trồng diện rộng, hè thu có thể giảm 30% diện tích. Như vậy, nguồn cung dồi dào từ ba nước xuất khẩu hàng đầu là Ấn Độ, Thái-lan và Việt Nam sẽ bị suy giảm, trong khi nhu cầu lương thực thế giới không thể giảm mà chỉ tăng, nên giá gạo thế giới sẽ khó có thể đứng ở mức thấp hiện nay.
Điều này khiến các DN e ngại trong việc ký các hợp đồng thương mại. Nếu tình hình này kéo dài thì các hợp đồng thương mại sẽ khó ký được và là bài toán phải giải trong quý 2-2016 của VFA.
Bên cạnh áp lực về giá, vấn đề kiểm soát chất lượng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và xây dựng thương hiệu sản phẩm quốc gia là những yêu cầu và thách thức lớn nhất cho nông nghiệp nói chung, gạo xuất khẩu của Việt Nam nói riêng trong thời gian tới. Nghịch lý là hàng năm Việt Nam xuất sang Trung quốc hàng triệu tấn gạo, nhưng tại các siêu thị của nước này, lại không thấy gạo mang tên Việt Nam, do trên thực tế, doanh nghiệp Trung Quốc mua gạo Việt Nam về, đem chế biến rồi trộn với loại gạo gần giống của Trung Quốc và đóng bao, đề tên gạo Trung Quốc, đưa vào siêu thị bán như gạo nội địa…
Trong thời gian tới, Việt Nam cũng cần phát triển sản xuất gạo cao cấp, đặc biệt là ở các nước mà Việt Nam đã và đang ký kết các Hiệp định thương mại tự do để đa dạng hóa thị trường, tránh tình trạng phụ thuộc vào các thị trường chính.
Ngoài ra, để tổ chức thị trường, ký kết hợp đồng và điều phối kế hoạch xuất khẩu gạo có hiệu quả, cần tăng cường công tác nghiên cứu, xử lý kịp thời các thông tin liên quan, nhất là về thị trường, đặc biệt là ở các thị trường mới. Các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như Tham tán thương mại Việt Nam ở các nước cần hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu gạo những thông tin về thời điểm cấp quota, phí quota, chính sách mua tạm trữ, cũng như thông tin về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật, việc truy xuất mặt hàng gạo theo lộ trình TPP; tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp về các trường hợp có thể xảy ra tranh chấp thương mại, hàng rào kỹ thuật của các nước sở tại; thông tin về các đối thủ cạnh tranh chính tại các thị trường về chính sách bán hàng, cơ chế giá, cũng như tiếp hệ thống công ty phân phối ở các thị trường nhập khẩu…
Tác giả: TS. NGUYỄN MINH PHONG
Nguồn Báo Nhân Dân Online
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.