Mr Đàm với giấc mộng “đế vương”
Khán giả ngồi chật sân khấu ca nhạc Lan Anh, TP.HCM vào hai đêm 21 và 22-7 với giá vé không hề rẻ (500.000-2,5 triệu đồng/vé) trong thời buổi kinh tế khó khăn đã đủ chứng minh Đàm Vĩnh Hưng hiện vẫn là giọng ca thống trị làng nhạc Việt. Nhưng…
Khán giả vỗ tay nhờ giọng hát đặc biệt và phong cách trình diễn hết mình của Đàm Vĩnh Hưng, chứ không phải những chiêu trò và kỹ xảo mà anh đã đầu tư vào sô Số phận - Ảnh: Lý Võ Phú Hưng |
1
Chọn chiếc áo choàng đỏ, đậm phong cách “đế vương” làm hình ảnh chủ đạo cho live show kỷ niệm 15 năm ca hát mang tên Số phận (*) của mình, Đàm Vĩnh Hưng đã lý giải: “Chiếc áo được dệt từ những yêu thương mà khán giả dành cho tôi suốt bao năm qua. Chiếc áo đã che chở, bảo vệ, an ủi và theo tôi “chinh phạt” khắp mọi miền…”.
Không giấu giấc mộng “đế vương”, nhưng những gì anh làm trong sô Số phận đều cho thấy tình cảm đáp trả mà anh dành cho khán giả của mình: hát, nhảy, làm xiếc với lụa trên không, diễn kịch, trình diễn laser… gần ba giờ. Và cũng chỉ ở live show cá nhân của Đàm Vĩnh Hưng, khán giả mới lần đầu thưởng thức đủ thể loại, phong cách âm nhạc từ Đông sang Tây, từ cổ chí kim mà ngay cả một sô tạp kỹ “hạng nặng” cũng không gánh nổi. Rõ ràng là anh đã quá ôm đồm để phục vụ mọi đối tượng khán giả của mình.
Con đường 15 năm khởi nguồn từ một giọng ca cá tính với lối hát gào thét, như đốt cháy mọi thứ xung quanh mình bằng những ca khúc ngùn ngụt lửa, dần chuyển thành một “quý ông” lịch sự và chừng mực hơn trong phong cách âm nhạc lẫn trình diễn để có lượng khán giả đại chúng, rồi đến một “ông vua nhạc sến” của thời hiện đại và nay đang muốn “hồi xuân” để phục vụ một bộ phận khán giả trẻ, thời thượng hơn. Sô Số phận chỉ thiếu những ca khúc thiếu nhi và thánh ca (hai dự án nhỏ mà anh tính làm trong năm nay) nữa là có thể phục vụ biên độ khán giả từ 2 đến trên 80 tuổi mà Đàm Vĩnh Hưng khát khao chinh phục.
2
Phục vụ khán giả cũng chính là cách anh chiều chuộng bản thân mình. Như lời tự sự được đọc bởi Hồ Ngọc Hà ngay đầu chương trình, Số phận thể hiện “lòng tham vô đáy trong sự nghiệp ca hát của Đàm Vĩnh Hưng”. Nếu như live show Trái tim hát (2003) và Giờ H (2005) chỉ phục vụ đối tượng trẻ; Thương hoài ngàn năm (2008), Người tình (2009) và Dạ tiệc trắng (2010) hướng thẳng mục tiêu vào những người trung niên thì V-Boy show (2009 - chương trình toàn nghệ sĩ nam trình diễn), loạt sô Mr.Đàm by night (bắt đầu từ 2011) và Bước chân miền Trung (2011) là dành cho đại chúng với phong cách dàn dựng lẫn thể hiện bình dân hơn. Và Số phận (2012) tập hợp tất cả cái sôi động - tưng bừng, cái sến sẩm - não nề lẫn cái nỗ lực sang trọng trong con đường ca hát của Đàm Vĩnh Hưng.
Dẫu từng thổ lộ không muốn làm vua, chỉ muốn làm tướng quân (người mang chiến thắng về trình vua), nhưng Số phận không giấu được ước mơ thống trị làng nhạc Việt của Đàm Vĩnh Hưng qua danh mục và phong cách âm nhạc anh chọn gửi đến khán giả, đặc biệt với ca khúc mở màn mang tên Số phận mà lời nhạc như những dòng tự bạch với “số kiếp lênh đênh”, “mong bước lên ngai vàng”…
3
Hiểu rõ đã làm “vua” thì phải đối mặt với chuyện bị thoái vị nhưng Đàm Vĩnh Hưng vẫn can đảm, quyết chí bước lên “ngai vàng” đầy hào quang được dựng trên sân khấu của sô Số phận. Anh chứng tỏ mình vẫn tràn đầy năng lượng để trở thành “người dẫn đầu”. Nhưng khán giả của anh đã bắt đầu thấm mệt và xây xẩm khi “người dẫn đầu” liên tục chuyển hướng, đổi tông trên cùng một sân khấu. Ai dám tự nhận mình vừa là tín đồ của nhạc kịch, vừa mê giao hưởng, vừa là fan của nhạc trẻ, vừa nghiện nhạc sến, vừa khoái cải lương, vừa chịu kịch nói…?
Nếu không tự “thiền” trong một số tiết mục hẳn người nghe sẽ “tẩu hỏa nhập ma” khi chỉ trong một chương trình mà phải nghe With one look (đậm chất nhạc kịch phương Tây); Số phận (được dàn dựng theo phong cách nhạc kịch); Lá thu vàng, Ngăn cách, Dạ khúc cho tình nhân (nhạc xưa); All by myself (nhạc pop Anh - Mỹ), Unchain my heart (nhạc Anh - Mỹ thập niên 1960); Biển nỗi nhớ và em (nhạc trữ tình VN); Biển cạn (nhạc trẻ VN); Bay đi cánh chim biển (nhạc trẻ hải ngoại); liên khúc Xin lỗi tình yêu, Tình ơi xin ngủ yên và Bình minh sẽ mang em đi (nhạc “độc quyền” của Đàm Vĩnh Hưng)…? Đó là chưa kể một số đoạn ca kịch, cải lương, kịch nói, tấu hài… giữa các ca khúc ở những chương sau. Một đêm diễn đầy thách thức không chỉ với người thực hiện mà còn cả với người thưởng thức!
4 Thách thức lớn nhất vẫn là làm sao khai thác được thế mạnh và không phí hoài một “hiện tượng” như Đàm Vĩnh Hưng? Tiếc là đã không có một “sư phụ”, một nhà sản xuất hay vị đạo diễn nào đủ “mạnh” để giúp giọng hát này thăng bằng được trên sợi chỉ số phận đặc biệt của mình. Tình cảm cá nhân, hạnh phúc gia đình, Đàm Vĩnh Hưng nói tất cả những thứ ấy anh sẵn sàng đánh đổi để được trở thành một ca sĩ. Hôm nay anh đã là một ca sĩ rất nổi tiếng. Một ca sĩ đặc sắc cớ gì phải níu lấy những giá trị xưa cũ, xa vời, phải thỏa hiệp, chiều chuộng số đông để được sống mãi trong lòng công chúng?
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.