Chính phủ đã trình thông qua 95 luật, pháp lệnh

Thực hiện chương trình nghị sự của kỳ họp thứ 11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã trình bày trước Quốc hội Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011 – 2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trước đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đã trình bày Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011 – 2016 của Chủ tịch nước.

Quang cảnh cuộc họp Quốc hội sáng 22-3. Ảnh. Lã Anh

Chủ tịch nước đã góp phần quan trọng vào những thành tựu đối ngoại

Đánh giá toàn diện các lĩnh vực công tác lập pháp, hành pháp, tư pháp, đối ngoại, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân…Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết, đã giới thiệu nhân sự trình Quốc hội phê chuẩn và ký quyết định bổ nhiệm các chức danh theo thẩm quyền. Chủ tịch nước đã chỉ đạo tổng kết, góp ý Hiến pháp, ký lệnh công bố Hiến pháp, các luật, pháp lệnh đã được Quốc hội thông qua…

Về hành pháp, Chủ tịch nước thường xuyên làm việc với các bộ, ngành địa phương về những vấn đề lớn, hệ trọng của đất nước, những vấn đề quốc kế dân sinh; xem xét thận trọng các vấn đề hợp tác quốc tế, nhất là về vay nợ, sử dụng hiệu quả vốn vay nước ngoài; thường xuyên quan tâm chỉ đạo công tác thi đua, khen thưởng.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trình bày báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011 – 2016 trước Quốc hội. Ảnh: Lã Anh

Về tư pháp, Chủ tịch nước luôn quan tâm sát sao đến công tác đổi mới hoạt động tư pháp; xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân; công tác bổ nhiệm các chức danh tư pháp đạt kết quả tốt, góp phần kiện toàn đội ngũ cán bộ tư pháp; đồng thời Chủ tịch nước luôn quan tâm chỉ đạo, giải quyết xử lý án oan sai; thực hiện tốt chính sách khoan hồng.

Về hoạt động đối ngoại, trên cương vị của mình Chủ tịch nước đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào những thành tựu đối ngoại chung của đất nước.

Báo cáo cũng thẳng thắn nêu rõ một số hạn chế, vướng mắc; chỉ ra nguyên nhân và bài học kinh nghiệm. Trong đó, Chủ tịch nước cho biết, ông chưa thực hiện quyền được luật định về việc yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ báo cáo về các vấn đề quan trọng của đất nước mà Chủ tịch nước quan tâm.

Chính phủ đã bảo đảm phát triển bền vững

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo điều hành tập trung kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm phát triển bền vững.

Cụ thể, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã điều hành chủ động, linh hoạt và phối hợp giữa các chính sách để kiểm soát tốt lạm phát, cơ bản ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn và đạt mức tăng trưởng khá cao trong 5 năm 2011 – 2015; bảo đảm mặt bằng lãi suất phù hợp và vốn tín dụng cho nền kinh tế; quản lý hiệu quả tỷ giá, thị trường vàng, ngoại tệ và bảo đảm giá trị đồng tiền Việt Nam; tăng cường quản lý thu chi ngân sách nhà nước; điều chỉnh chính sách thu để tháo gỡ khó khăn.  Vai trò hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh; tăng cường quản lý thị trường, giá cả, chống buôn lậu, gian lận thương mại; đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng đã được chú trọng… Về xây dựng và thực thi pháp luật; bảo vệ quyền và lợi ích của công dân, Nhà nước, xã hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo tổ chức thi hành Hiến pháp, pháp luật; xây dựng và triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản chỉ đạo điều hành; tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thi hành và xử lý các văn bản, quy định trái pháp luật.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011 – 2016 của Chính phủ. Ảnh: Lã Anh

Tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp

Về xây dựng và kiện toàn hệ thống bộ máy hành chính nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Trong 5 năm, đã ban hành 25 Nghị quyết và nhiều văn bản chỉ đạo cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa 4.471 thủ tục hành chính, đạt tỷ lệ 94,7%. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử, cơ sở dữ liệu quốc gia phục vụ nhân dân, doanh nghiệp và công tác quản lý, điều hành.

Thủ tướng Chính phủ đã nỗ lực cao nhất để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp, pháp luật. Các thành viên Chính phủ đã nỗ lực hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao và tích cực tham gia vào công việc chung của Chính phủ; phối hợp công tác ngày càng chặt chẽ, hiệu quả và tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện.

Báo cáo do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày cũng nêu rõ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chấp hành nghiêm sự giám sát của Quốc hội theo đúng quy định của pháp luật. Trong nhiệm kỳ, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ đã trả lời trên 1.000 câu hỏi chất vấn trực tiếp và trên 1.500 phiếu chất vấn của Đại biểu Quốc hội.

Năm bài học kinh nghiệm

Trên cơ sở nhận diện và phân tích những thành tựu cũng như hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Báo cáo đã đúc kết 5 bài học kinh nghiệm trong nhiệm kỳ.

Đó là phải quán triệt, thể chế hóa kịp thời, phù hợp chủ trương đường lối của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước; sáng tạo trong tư duy phát triển, lấy lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân làm mục tiêu cao nhất. Tập trung sức hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, xây dựng nhà nước pháp quyền và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tạo động lực mạnh mẽ để phát triển nhanh và bền vững.

Bên cạnh đó, phải bám sát chức năng nhiệm vụ, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, tăng cường đoàn kết thống nhất, phát huy vai trò của tập thể Chính phủ, đề cao trách nhiệm của Thủ tướng và các thành viên Chính phủ…

Đặc biệt, trong điều kiện khó khăn càng phải tăng cường bảo đảm an sinh xã hội và chăm lo cải thiện đời sống mọi mặt của người dân; chú trọng phát triển khu vực nông nghiệp nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn. Thực hiện nhất quán, thiết thực phát triển văn hóa và tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước phát triển. Tăng cường quyền làm chủ của người dân, phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, là chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển.

Cùng với phát triển kinh tế , phải tăng cường quốc phòng an ninh, bảo đảm độc lập, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ.

Và cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, phải thường xuyên tăng cường khối đại đoàn kết và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc; tập trung làm tốt công tác vận động quần chúng, thông tin truyền thông, tạo đồng thuận xã hội, tăng cường kỷ luật kỷ cương và phối hợp chặt chẽ các tổ chức trong hệ thống chính trị để triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Báo cáo khẳng định, trong nhiệm kỳ 2011 – 2016, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nỗ lực làm hết sức mình để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Những thành tựu, kết quả đạt được cũng như những hạn chế, yếu kém trên các lĩnh vực có phần đóng góp và trách nhiệm trong lãnh đạo, quản lý, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

“Chúng ta tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nỗ lực, chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước, Chính phủ nhiệm kỳ mới sẽ phát huy những thành tựu và kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế yếu kém; đổi mới mạnh mẽ, năng động sáng tạo, khai thác tối đa cơ hội thuận lợi, vượt qua khó khăn thách thức, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016 – 2020”, đồng chí Nguyễn Tấn Dũng kết luận. 

Trong nhiệm kỳ, Chính phủ đã trình thông qua 95 luật, pháp lệnh

Trong nhiệm kỳ, Chính phủ đã trình và được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 95 luật, pháp lệnh, chiếm 86% tổng số luật, pháp lệnh được ban hành (chưa tính 7 dự án Luật được trình thông qua tại Kỳ họp này). Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 1.058 văn bản quy phạm pháp luật. Việc xây dựng luật, pháp lệnh cơ bản bảo đảm tiến độ.

Nợ đọng văn bản quy định chi tiết thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giảm mạnh, năm 2015 chỉ còn nợ 4 văn bản, thấp nhất trong nhiệm kỳ (năm 2011 là 33 văn bản, năm 2012 là 24, năm 2013 là 17, năm 2014 là 6).

Công tác xây dựng pháp luật đã có bước tiến mới, chất lượng ngày càng được nâng cao. Hệ thống pháp luật cơ bản được hoàn thiện, bám sát Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, phù hợp với tình hình thực tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập, phát triển và bảo vệ đất nước.

(Trích Báo cáo của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp sáng 22-3)

Nguồn SGGP Online

– See more at: http://www.sggp.org.vn/chinhtri/2016/3/415500/#sthash.jmaIHS0U.dpuf