ĐBSCL đối mặt họa kép: Biển lấn hạ nguồn

       Tốc độ xói lở ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp tăng nhanh chóng: 30 m/năm. Thủ tướng chỉ đạo tiến hành nghiên cứu đánh giá tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông

Theo kịch bản biến đổi khí hậu (BĐKH) nước biển dâng mà Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) vừa cập nhật, ĐBSCL là khu vực sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Ngập quá nửa

Những bất lợi của thời tiết đã biến lợi thế có hải phận rộng trên 360.000 km2 của ĐBSCL thành nỗi ám ảnh. Bởi lẽ, nếu mực nước biển dâng 1 m, 40% diện tích lãnh thổ, 28% hệ thống quốc lộ, 27% hệ thống tỉnh lộ của ĐBSCL sẽ bị ngập, 35% dân số bị ảnh hưởng.
Trường hợp Việt Nam và thế giới vẫn duy trì mức độ phát thải cao, không kiểm soát, mực nước biển sẽ dâng đến 2 m. Khi đó, gần như toàn bộ đồng bằng bị nhấn chìm trong nước: 92% diện tích lãnh thổ, 84% hệ thống quốc lộ, 80% hệ thống tỉnh lộ bị ngập, 87% dân số toàn vùng bị ảnh hưởng.
Nước biển dâng sẽ khiến sông Hậu bị xâm nhập mặn vào sâu từ 15- 20 km. Ảnh: THỐT NỐT
Thống kê của Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) khẳng định BĐKH không còn là cảnh báo mà đã, đang diễn ra từng ngày. Những năm gần đây, khí hậu và điều kiện tự nhiên nói chung đang có những thay đổi theo chiều hướng xấu rõ nét tại ĐBSCL, biểu hiện cụ thể ở dòng chảy thượng lưu và nước biển dâng.
Trong 10 năm từ 2000 đến 2010 đã xuất hiện 3 năm (từ 2000 đến 2002) lũ lớn liên tiếp, 8 năm liền có lũ và dòng chảy kiệt dưới trung bình và nhỏ, 2 năm liền bão đổ bộ vào đất liền, xói lở bờ sông, bờ biển xảy ra nhiều nơi và tần suất gia tăng (bờ sông Tiền 4 lần, bờ sông Hậu 2 lần và ven biển Cà Mau 2 lần).

Đe dọa nông nghiệp, thủy sản

Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam cho biết hiện có 6,5 triệu người sống ở vùng ven biển, trong tương lai có thể tăng lên 11,5 triệu người, nước biển dâng cũng đồng nghĩa với việc số người này thiếu nước sinh hoạt.
Thêm vào đó, theo quy hoạch phát triển công nghiệp, vùng ven biển sẽ hình thành nhiều khu - cụm công nghiệp, chủ yếu dùng nhiều nước, nguồn nước sử dụng cho công nghiệp vì thế sẽ càng khan hiếm. Thế nhưng, các đô thị bị xâm nhập mặn có xu hướng di chuyển nguồn cấp nước lên thượng lưu, việc cấp nước cho các khu dân cư ven biển vì thế sẽ càngkhó khăn.
Kết quả mô phỏng thủy lực cho thấy trong tương lai, mực nước ĐBSCL có thể lên đến 50 - 60 cm do lũ thượng lưu tăng và nước biển dâng. Lũ xuất hiện sớm từ 0,5 - 1 tháng và rút trễ hơn từ 0,7 - 1,2 tháng.
Như vậy, thời gian ngập lũ kéo dài từ 5-7 tháng thay vì 2 - 5 tháng như hiện nay. Đến cuối lũ, diện tích ngập vẫn còn 2,7 triệu ha, chiếm 71% diện tích đồng bằng. Do BĐKH, ngay trong mùa mưa vẫn có hạn từ 7-10 ngày, đặc biệt, hạn Bà Chằng sẽ gia tăng 1,5 lần do mưa đến muộn. Lũ lớn và lũ kéo dài sẽ khiến khoảng 900.000 ha bị ngập nặng và không thể gieo được 2 vụ.
Theo quy hoạch phát triển bền vững, nông nghiệp và thủy sản là 2 “trụ cột chính” của ĐBSCL. Tuy nhiên, theo GS-TS Bùi Chí Bửu, Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, tác động kép của BĐKH và các đập dâng thượng nguồn đang nhắm thẳng vào 2 trụ cột này. Bởi nếu nhiệt độ tăng 1°C thì năng suất giảm 10% - 20%, nhiệt độ lên đến 29°C (đêm) - 36°C (ngày) thì hạt lúa sẽ lép hoàn toàn.
Bên cạnh đó, cây lúa hiện nay chỉ chịu ngập được 17 ngày và chịu mặn cao nhất là 6 ‰. Vì vậy, tác động kép nàyđặt kinh tế - xã hội của ĐBSCL vào tình thế nguy hiểm. ĐBSCL không chỉ bảo đảm an ninh lương thực cho Việt Nam mà còn góp phần bảo đảm lương thực cho một số nước trong khu vực như Philippines, Indonesia…

Cứu ĐBSCL cách nào?

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN-MT đang phối hợp cùng Ủy ban Sông Mê Kông Việt Nam tiến hành nghiên cứu đánh giá tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông, dự kiến đến năm 2014 sẽ hoàn thành. Ngoài ra, các nước thành viên Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế cũng bắt đầu tiến hành một nghiên cứu chung về “Quản lý và phát triển bền vững sông Mê Kông, bao gồm cả nghiên cứu các tác động từ các dự án thủy điện dòng chính” do Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ.

Hiện nay, Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam đã thực hiện xong dự án quy hoạch thủy lợi tổng hợp ĐBSCL trong điều kiện BĐKH, nước biển dâng do Bộ NN-PTNT giao phó. Theo viện này, bảo đảm an ninh dòng chảy (dòng chảy kiệt và kiểm soát lũ) là yếu tố sống còn đối với việc phát triển ổn định, bền vững ĐBSCL.
Vì thế, đây cũng chính là chiến lược quan trọng nhất trong quy hoạch. Theo đó, ĐBSCL được chia thành 4 vùng: tả sông Tiền, giữa sông Tiền và sông Hậu, Tứ giác Long Xuyên, bán đảo Cà Mau.Các giải pháp chính gồm: nâng cao hệ thống đê biển, đê cửa sông hiện hữu để ứng với mực nước biển dâng 30 cm
vào năm 2050, xây dựng thêm khoảng 742 km đê sông, đồng thời hạn chế lũ từ biên giới tràn vào ĐBSCL bằng cách thoát lũ ra 3 hướng: Tứ giác Long Xuyên, sông Vàm Cỏ và sông Tiền.
Bên cạnh đó, việc trữ nước trên các sông lớn và hệ thống kênh rạch là yếu tố quan trọng để bảo đảm nguồn nước ngọt cho toàn vùng. Chi phí thực hiện quy hoạch, riêng với hạng mục công trình, ước tính khoảng 520.969 tỉ đồng. Quy hoạch được Bộ NN-PTNT thẩm định trước khi trình Chính phủ phê duyệt.

Hai kế hoạch trước mắt

Trước họa kép của tác động thủy điện và BĐKH - nước biển dâng, GS-TS Bùi Chí Bửu cho biết viện đang triển khai đến ĐBSCL 2 kế hoạch: Giảm thiểu và chống chịu.

Giảm thiểu là vận động người dân từ bỏ những thói quen canh tác phát thải ô nhiễm cao: trồng lúa ngập nước, đốt đồng, phun xịt quá nhiều hóa chất… chuyển qua trồng giống lúa không ngập nước, sử dụng chế phẩm sinh học thay cho đốt đồng, tái sử dụng một số phế phẩm nông nghiệp…
Viện cũng xây dựng kế hoạch chống chịu theo hướng nghiên cứu các giống cây trồng mới, vật nuôi thích hợp với điều kiện tự nhiên mới.
Tuy nhiên, theo ông Bửu, những gì viện đang làm vẫn là phương pháp bị động, giải pháp hàng đầu vẫn là thủy lợi và công tác cảnh báo tác động của các bộ, ngành.