Về miền di sản đờn ca tài tử

Đờn ca tài tử, di sản văn hóa phi vật thể của thế giới, là loại hình nghệ thuật công chúng, ai cũng có thể xuất thần trở thành nghệ sĩ, biểu diễn ngay trên bờ đê hay dưới gốc cây ô môi hoa tím rực một góc trời. Lời ca tiếng hát trong những làn Điệu lý, Nam ai… mộc mạc, chân chất, bình dị như chính cốt cách khoáng đạt, giàu nhân nghĩa của người miền Tây Nam Bộ. Trải qua bao thời cuộc, đời người tiếng hát, tiếng đờn vẫn ngân vang, làm nên tình đất, tình người Nam Bộ.

1

Sự mộc mạc, bình dân là hồn cốt làm nên sự thăng hoa của đờn ca tài tử, giống như cốt cách con người miền Tây Nam Bộ. Ảnh: BÁCH THẢO

   |  

 

Nghệ sĩ thương hồ

Ghe xuồng tấp nập, xuôi ngược như con thoi từ lúc hừng đông. Chợ nổi Ngã Bảy, thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang đã bắt đầu nhóm họp từ khi chưa nhìn rõ mặt người. Đêm trước, anh Tư Thọ dong ghe đi từ khi gà gáy sáng, chạy xuống tận miệt Thứ, U Minh, tỉnh Kiên Giang để kịp cân năm tấn khóm (dứa). Chiếc ghe bầu “ăn” đầy một bụng khóm gồng mình đạp sóng nước, ngược dòng. Khi ghe hàng của Tư Thọ về đến chợ nổi Ngã Bảy thì trời đã xế chiều. Những vạt nắng cuối ngày xõa trên sóng nước, mấy giề lục bình chầm chậm, lững lờ trôi. Vài cánh chim nhạn chao lượn trên sông, cố hoàn thành chuyến đi săn cá cuối ngày. Cảnh sắc yên bình và thơ mộng, hoàng hôn vùng sông nước như lắng đọng lại khi bất ngờ một giọng ca mùi mẫn cất lên, mở khúc dạo đầu trong bài Tình anh bán chiếu, vốn làm nên tên tuổi của “đệ nhứt danh ca” Út Trà Ôn: “Chiếu Cà Mau nhuộm màu tươi thắm. Công tôi cực lắm mưa nắng dãi dầu. Chiếu này tôi chẳng bán đâu. Tìm em không gặp, hò… ơ… Tìm em không gặp tôi gối đầu mỗi đêm…”. Sau mấy câu nói lối dạo đầu, câu vọng cổ cất lên chân phương thuần túy tính tự sự, kể chuyện: “Ghe chiếu Cà Mau đã cắm sào trên bờ kinh Ngã Bảy, cô gái năm xưa sao không thấy ra… chào”.

Tôi như bị tiếng đờn kìm réo rắt, tiếng ca ngọt lịm ấy làm cho ngẩn ngơ. Không cần phải mở miệng mời gọi, rủ rê, mấy tay thương hồ neo ghe gần đó nghe tiếng đờn kìm đã biết rõ bạn tri âm đang réo gọi mình. Họ đi chuyền từ ghe này qua ghe khác. Kéo tới rần rần. Ngồi chật cả mui ghe. Có người còn ngồi chồm hỗm, để tiện lấy hơi cao khi lên… vọng cổ. Vừa dứt Tình anh bán chiếu, anh Tư Thọ tay ôm đờn, miệng bắt đầu vào khúc dạo của Sầu vương ý nhạc nghe sao mà nức nở đến thê lương. “Em ở nơi nào em ở đâu. Lời ca tức tưởi giữa cung sầu. Quê nghèo áo nhuộm màu sương gió. Một kiếp phong trần mấy biển dâu…”. Anh Tư Thọ đang gân cổ và thả hồn theo từng cung bậc cảm xúc của lời ca buồn não nuột như chính thân phận của “cha con ông lão ăn xin bên cầu Bến Lức”, chị Tư ngồi kề bên phụ họa đoạn cuối bài: “Mưa rừng ơi mưa rừng. Hạt mưa nhớ ai mưa triền miên. Phải chăng mưa buồn vì tình đời. Mưa sầu vì lòng người duyên kiếp không lâu”. Hết bài tình ca, anh trần tình với tôi: Kiếp thương hồ sống đời nổi trôi, phiêu bạt lênh đênh, trong hành trang của anh có thêm cây đờn kìm bầu bạn. Ngón đờn mà hồi trước, chỉ mới kịp học vài tháng vỡ lòng, do cha anh truyền lại. Nhưng nhờ đam mê, anh cứ lôi đờn luyện tập, lúc rảnh rang. Khi những “mái nhà” thương hồ bỏ neo nơi bến chợ nghỉ ngơi cuối ngày và chờ buổi chợ sớm mai nhóm họp, bên ly rượu nồng cay, cái chất tài tử trỗi lên sôi sục. Thương hồ tứ hải mượn lời ca tiếng hát để xua nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương. Rồi Tư Thọ, Sáu Rô, Chín Lễ đều mặc định trở thành “nghệ sĩ”… thương hồ. Đờn ca tài tử là như vậy, đơn sơ, bình dân như vậy mà làm nên hồn cốt hết sức chân phương.

Mộc mạc tình quê

Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Kim Huệ ngân nga trong bài vọng cổ Hoa tím bằng lăng của tác giả Linh Châu: “… Con rạch cái Thia chảy “dìa” Tắc Cậu, con sáo sang sông con sáo đậu… hiên nhà”. Đó mới là đờn ca tài tử. Cái chất mộc mạc của người miền Tây Nam Bộ được tác giả lột tả đến chân phương ở cái chữ “dìa”, thay vì “về”. Đây là một trong ba bài vọng cổ đình đám sau ngày miền nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước. Dư luận càng chú ý đến Hoa tím bằng lăng hơn bởi lời ca lãng mạn mà hết sức mộc mạc tình quê. Theo tâm sự của “cha đẻ” của Hoa tím bằng lăng – nhà văn Mặc Tuyền (ở Long An – ký bút danh Linh Châu, đã được xác định) thì thời điểm sáng tác bài hát này, anh đang ở Kiên Giang. Con sông Tắc Cậu, nối đôi bờ miệt Thứ với thị trấn Mỹ Lương, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang được anh khắc họa nên thơ. “Con rạch cái Thia chảy dìa Tắc Cậu…”. Lại thêm sự tranh cãi của giới văn nghệ sĩ về địa lý của “con rạch Cái Thia”. Ngày nay, khi đi từ thị trấn Minh Lương, huyện Châu Thành vào đến bến phà Tắc Cậu cũ nay đã bắc cầu bê-tông hoành tráng vượt sông Cái Lớn, khách vẫn thấy một con rạch nhỏ dọc bên đường. Nhiều người quả quyết, đó chính là con rạch Cái Thia đã đi vào Hoa tím bằng lăng. Trong khi, giới văn nghệ tỉnh Đồng Tháp cho rằng, địa danh “Cái Thia” lại thuộc tỉnh này. Rồi tỉnh Tiền Giang cũng có tên gọi Cái Thia. “Chẳng lẽ, con rạch Cái Thia lại dài hàng trăm cây số?”. Còn tác giả từng giãi bày: “Hồi đó, cao hứng nên viết theo ký ức về những nơi mà anh và đồng nghiệp đã đi qua, thường nhắc tới. Nhưng anh không ngờ lại “phượt” đến một địa danh xa xôi ở tỉnh bạn, “kéo” gần đến đây bờ con sông Cái Lớn, tỉnh Kiên Giang…!”.

Nếu ai từng một lần được thưởng thức Tình anh bán chiếu của cố soạn giả Viễn Châu, qua giọng ca Út Trà Ôn, hẳn sẽ ngất ngây trước giọng hát ngọt ngào pha chút ưu tư cùng những thanh âm mộc của cây đờn kìm như ru hồn lãng đãng trên màn sương của dòng sông Ngã Bảy. Suốt bao nhiêu năm qua, Tình anh bán chiếu đã làm say lòng bao thế hệ, từ nam chí bắc. Và cũng nhờ Tình anh bán chiếu mà chợ nổi Ngã Bảy trở nên nổi tiếng khắp vùng. Soạn giả Viễn Châu sinh thời từng tâm sự rằng, cái hình ảnh mộc mạc của làng quê, sông nước miền Tây đã gợi cho ông cảm hứng vô cùng đặc biệt. Vì thế, trên chuyến xe đò từ Bạc Liêu về Sài Gòn năm 1961, xe dừng lại bên bờ sông Ngã Bảy, soạn giả Viễn Châu nhìn thấy một anh bán chiếu lưng ướt sũng mồ hôi, đang đứng bên đường. Vẻ mặt anh bán chiếu đượm chút u buồn. Xe về đến Sài Gòn, ông đã viết xong bài Tình anh bán chiếu.

Trong hầu hết những bài vọng cổ thuộc thể loại đờn ca tài tử Nam Bộ, dựa trên nền của sáu câu vọng cổ, những bản Nam, Oán và các chỗ lên Xang xuống Xề, người ta có thể viết ra rất nhiều bài hát. Những bản đờn ca tài tử thường chuộng tâm trạng buồn, bi thương, ai oán, chuyện tình yêu dang dở, cũng có thể là niềm hân hoan, sự thành công. Nhưng điểm chung của chúng là hình ảnh mộc mạc của làng quê Nam Bộ, tình đất tình người luôn dạt dào trong từng điệu đờn, câu hát. Cái tính bình dân của đờn ca tài tử còn được phổ biến tới mức bất cứ người con nào của vựa lúa miền Tây đều có thể thuộc nằm lòng những bài hát. Trước đây và bây giờ cũng vậy, anh nông dân đi thăm ruộng, thấy hạt lúa trĩu bông, trúng mùa nên sung sướng cất lên mấy câu vọng cổ ngay triền đê, ngoài đồng ruộng. Hay những buổi cày xới đất để làm đồng, vô mùa thu hoạch lúa đông xuân, trong lúc nghỉ tay, từng nhóm thanh niên, thiếu nữ tụ tập dưới gốc cây ô môi đang mùa nở hoa tím rực một góc trời, rồi những lời ca tiếng hát cứ ngân vang. Đờn ca tài tử không câu nệ hình thức, cũng không cần dàn âm thanh khuếch đại (dĩ nhiên có thì càng hay, hấp dẫn), chỉ cần cây đờn kìm hoặc người giỏi nhịp nhàng còn có thể chơi “đờn miệng” để dìu dắt người ca xuống xề ngọt lịm. Đờn ca tài tử còn là nền tảng của lối ca ra bộ, dần phát triển thành những vở cải lương kiếm hiệp kỳ tình trên sân khấu một thời làm nên tên tuổi của những danh ca, đào, kép ở miền nam thuở trước. Chưa kể, một trong những sáng tạo của loại hình nghệ thuật này là người diễn đạt, người ca có thể ghép tân nhạc vào vọng cổ (Tân cổ giao duyên). Nhờ vậy mà những giai điệu cổ trở nên phóng khoáng, uyển chuyển, dễ đi vào lòng người khi lột tả cảm xúc ở nhiều thời điểm, không gian, gắn liền và mang hơi thở nhịp sống hiện tại chứ không hẳn chỉ là tuồng xưa, tích cũ. Có lẽ đặc tính đó cũng là một trong những nguyên nhân góp phần làm nên sức sống lâu bền, tạo nên sự trường tồn cho di sản nghệ thuật độc đáo này.

Theo giới nghiên cứu, đờn ca tài tử xuất hiện từ rất sớm, nhưng đến khi Cao Văn Lầu viết bài Dạ cổ hoài lang tại Bạc Liêu năm 1919 thì nhiều học giả cho rằng, đờn ca tài tử Nam Bộ mới có bài bản. Vì vậy, nhiều người lý giải đờn ca tài tử có nguồn gốc từ Bạc Liêu. Đờn ca tài tử thường chơi đờn kìm, đờn tranh, đờn cò, đờn độc huyền (hay đờn bầu) và song lang (nhạc cụ bằng gỗ để gõ nhịp) hoặc cả đờn ghi-ta phím lõm.

Báo Nhân Dân