Các địa phương ứng phó hạn hán
* Cứu tàu cá bị nạn Theo Trung tâm dự báo Khí tượng – Thủy văn T.Ư, ngày 28-3, thời tiết khu vực Bắc Bộ tiếp tục rét vào đêm và sáng, nhiệt độ thấp nhất từ 14 đến 17oC, có nơi dưới 13oC; nhiệt độ cao nhất từ 19 đến 22oC, có nơi hơn 22oC. Các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Thuận có mưa vài nơi, ngày nắng. Khu vực Nam Bộ mây thay đổi, ngày nắng, nhiệt độ thấp nhất từ 23 đến 26oC, cao nhất từ 32 đến 35oC. Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường nên ở vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Ninh Thuận đến Cà Mau và vùng biển phía tây quần đảo Trường Sa đã có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7, biển động. |
Từ nay đến tháng 6, dòng chảy trên sông, suối khu vực Tây Nguyên tiếp tục giảm, lượng mưa từ tháng 3 đến tháng 6 thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 30 đến 50%, hạn hán sẽ diễn ra trầm trọng hơn. * Theo Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), do nắng nóng kéo dài, hiện nay tại Đác Lắc có 115 hồ đã cạn nước, dự kiến cuối tháng 3, khoảng 250 hồ nhỏ sẽ cạn nước. Tại Kon Tum, dung tích các hồ chứa chỉ đạt 30 đến 50% dung tích thiết kế. Tại Đác Nông, có 17 hồ chứa gần hết nước, dự kiến sang tháng 4 khoảng 30 hồ chứa sẽ cạn nước… Đến hết tháng 3, nếu không có mưa, diện tích cây trồng chính bị hạn hán, thiếu nước lên tới hơn 167.000 ha, trong đó 14.600 ha lúa, 152.760 ha cà-phê bị ảnh hưởng. * Tại tỉnh Gia Lai, đến nay tình trạng thiếu nước đang diễn ra trên diện rộng khiến hơn 25.000 ha lúa, 21.000 ha cây công nghiệp và hoa màu bị ảnh hưởng nghiêm trọng, ước tính thiệt hại hơn 151 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 3, toàn tỉnh có gần 15.000 hộ với hơn 64.000 nhân khẩu thiếu đói. * Sở NN và PTNT Ninh Thuận cho biết, do nắng hạn kéo dài, lượng nước tích tại 20 hồ chứa trên địa bàn chỉ còn khoảng 48 triệu m3, đạt 24,9% so với dung tích thiết kế. Đến nay, đã có hai hồ chứa trơ đáy, nhiều hồ đang nằm trong mực nước chết. Để khắc phục tình trạng này, tỉnh đang ưu tiên nguồn vốn, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng thêm ba hệ thống cấp nước sinh hoạt, nâng tổng số lên thành 24 hệ thống cấp nước sinh hoạt đưa vào sử dụng để người dân sớm được thụ hưởng, vượt qua khó khăn. Về sản xuất, hơn 1.100 ha đất không chủ động nước tưới giờ đã phủ một mầu xanh của cây trồng cạn, tiết kiệm nước tưới như cây ngô, đậu, rau màu… Tình hình hạn hán và xâm nhập mặn ở tỉnh Hậu Giang đang diễn ra rất gay gắt. Hơn 80% diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị mặn xâm nhập, trong đó có khoảng 40.000 ha lúa bị hạn cần hỗ trợ bơm dẫn nước vào đồng ruộng. Tỉnh đã tạm ứng hơn 152 tỷ đồng để phục vụ công tác phòng, chống hạn và mặn xâm nhập. Suối Ea Knông cạn nước, người dân thị trấn Krông Năng, Đác Lắc phải đào giếng lấy nước tưới cà-phê. Ảnh: TIẾN THÀNH * Theo Sở NN và PTNT tỉnh An Giang, tình hình hạn hán và xâm nhập mặn sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp và ngày càng khắc nghiệt, một số khu vực cục bộ vùng cao và nội đồng như thị xã Tân Châu, huyện An Phú, Tri Tôn, Tịnh Biên…, sẽ thiếu nước tưới vào cuối vụ đông xuân trên diện tích khoảng 11.500 ha. Vụ hè thu sắp tới sẽ bị ảnh hưởng nặng nề vì khả năng thiếu nước tưới sản xuất cho 40.000 ha diện tích. Trước tình hình trên, ngành nông nghiệp tỉnh đã chỉ đạo các địa phương trực suốt 24 giờ thực hiện biện pháp phòng tránh và khắc phục hậu quả hạn hán, xâm nhập mặn thường xuyên cho người dân vùng bị ảnh hưởng. * Sáng 27-3, UBND huyện Hoài Nhơn (Bình Định) cho biết, đã chỉ đạo Công ty TNHH Tân Lập phối hợp UBND xã Tam Quan Bắc và chủ thuyền chủ động thuê phương tiện để cứu nạn tàu cá BĐ 95845-TS do ông Võ Văn Niên (ở thôn Lâm Trúc 1, xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn) làm thuyền trưởng, trên đường vào cảng Tam Quan để bán sản phẩm bị mắc cạn tối 25-3. Tàu cá BĐ 95469-TS, do ông Trương Anh Tuấn (ở thôn Thiện Chánh, xã Tam Quan Bắc) làm thuyền trưởng, cũng bị mắc cạn tại đây, đã được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tam Quan Nam và ngư dân địa phương hỗ trợ lai dắt vào cảng an toàn sáng 26-3. Nguồn Báo Nhân Dân Online |
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.