Nhà Đốc phủ Hải: Phim trường sống động, công trình kiến trúc độc đáo
Nhà “Đốc phủ Hải” không chỉ là nơi thu hút các bậc trí thức, học giả; cơ quan, ban, ngành từ Trung ương đến cơ sở; học sinh, sinh viên trong và ngoài tỉnh đến tham quan, du khảo… còn là nơi lý tưởng cho giới điện ảnh tái hiện lại một giai đoạn lịch sử, cuộc sống người dân vùng Nam bộ.
NHƯ MỘT PHIM TRƯỜNG
Có lẽ hiếm có nơi nào ở Tiền Giang được nhiều nhà làm phim trong nước, các đài truyền hình quan tâm, chọn bối cảnh để quay phim như Nhà Đốc phủ Hải. Đó là không gian dễ tái hiện lại thời điểm lịch sử, cuộc sống của người dân Nam bộ ở giai đoạn cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX.
Toàn cảnh nhà Đốc phủ Hải. |
Bên cạnh đón tiếp các đoàn khách, cá nhân đến tham quan, ông Đặng Văn Thương, cán bộ phụ trách Bảo tồn bảo tàng TX. Gò Công cho biết còn tiếp nhiều đoàn làm phim đến mượn Nhà Đốc phủ Hải để dựng cảnh đóng phim. Nhà Đốc Phủ Hải thường được chọn dựng cho một số phân cảnh của phim. Trong số đó, có phim thời gian quay kéo dài đến trên một tháng. Bộ phim quay ngắn nhất cũng khoảng 2-3 ngày.
Phần lớn các phim này được chuyển thể từ các tác phẩm của Nhà văn Hồ Biểu Chánh, người con của đất Gò Công, như phim: Nợ đời, Con nhà nghèo, Cai đắng mùi đời, Khóc thầm, Tình án, Tại tôi, Lòng dạ đàn bà, Minh Tâm kỳ án, Đất mặn…
Ngoài ra, Nhà Đốc phủ Hải còn là đề tài cho các Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình TP. Hồ Chính Minh và các đài của tỉnh, thành, khu vực khai thác, thực hiện các phóng sự, chương trình, chuyên mục như nhà kiến trúc đẹp, nhà cổ, nét đẹp Việt.
Nhờ thế, ngôi nhà không những nổi tiếng ở Gò Công, vùng Nam bộ, giờ đây nhiều nơi trong cả nước đã biết đến ngôi nhà có kiến trúc vừa cổ vừa độc đáo này. Thậm chí, nhiều người nước ngoài cũng biết và ngưỡng mộ vẻ đẹp của ngôi nhà này.
Cảnh đóng phim tại nhà Đốc phủ Hải. |
Ông Đặng Văn Thương cho biết, Nhà Đốc phủ Hải điển hình cho loại kiến trúc nhà của địa chủ phong kiến cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX ở Nam bộ. Tiền sảnh nhà làm theo kiểu châu Âu, trên đầu cột và vòm cửa chạm nổi hoa văn; trên đố và vòm cửa trang trí bằng nhiều tác phẩm chạm khắc thể hiện nhiều đề tài khác nhau.
Ngôi nhà thể hiện ba khía cạnh là kiến trúc đẹp, mang tính chất lịch sử, đồng thời thể hiện truyền thống cho thế hệ sau. Đó là lý do những nhà làm phim thích sử dụng Nhà Đốc phủ Hải làm cảnh quay cho những bộ phim nói về vùng Nam bộ cách nay hơn 1 thế kỷ.
ĐẾN ĐỂ BIẾT VỀ NGƯỜI XƯA
“Công trình rất đẹp, có giá trị của TX. Gò Công. Chúng ta cần lưu giữ tốt để mọi người khắp nơi trong cả nước và khách du lịch quốc tế đến tham quan, góp phần phát triển kinh tế – xã hội – văn hóa của Gò Công. Xin cảm ơn nhân dân Gò Công đã lưu giữ tốt công trình tuyệt vời này cho con cháu”. Đó là những dòng lưu niệm của PGS.TS Phan Văn Tú (Đại học Văn hóa Hà Nội) khi đến thăm Nhà “Đốc phủ Hải” vào ngày 21-9-2005.
Nhà ở của Đốc phủ sứ Nguyễn Văn Hải là một di tích kiến trúc độc đáo cuối thế kỷ XIX, có lịch sử hình thành và phát triển khá phong phú. Đây là nơi bà Trần Thị Sanh (vợ của Anh hùng dân tộc Trương Định) xây dựng vào năm 1860 và sinh sống. Ngôi nhà chữ đinh ba gian lợp lá. Năm 1864, Trương Định tuẫn tiết, bà Sanh vào chùa qui y, giao quyền trông nom ngôi nhà cho con riêng Dương Thị Hương và rể là Tri Huyện Trường Bình. Sau khi ông bà này qua đời, ngôi nhà để lại cho con gái Huỳnh Thị Điệu và chồng là Đốc phủ sứ Nguyễn Văn Hải. Từ năm 1895-1900, Nguyễn Văn Hải cho xây dựng thêm tiền sảnh theo kiểu “roman” và xây hai nhà vuông ở hai bên để người làm công ở. Đến năm 1909-1917, nhà được tu bổ thêm, xây tường rào sắt tây 3 bên và phần sau xây lẫm lúa to lớn. Ngôi nhà được Bộ Văn hóa -Thông tin (nay là Bộ Văn hóa,Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 1994. |
Đến tham quan công trình kiến trúc nghệ thuật này còn có các đoàn khách của các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo, các ngành đến từ các tỉnh, thành trong cả nước; nhà văn, nghệ sĩ, nhà báo…
Bày tỏ cảm xúc khi đến thăm công trình kiến trúc xây dựng vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, Nhà văn Nguyễn Trọng Tân viết: “Rất mừng vì đất nước ta còn giữ được những di tích độc đáo, giá trị như di tích Nhà Đốc phủ Hải.
Nó không chỉ có giá trị về nghệ thuật, kiến trúc, nó còn là hình bóng một thời, tấm lòng của người đi sau… Như vậy là văn hóa, lòng nhân ái của dân ta, trí lực vươn lên của chúng ta mãi mãi trường tồn và mang sắc thái Việt Nam”.
Nhiều nhất trong các đoàn đến tham quan công trình kiến trúc này là giáo viên, giảng viên, học sinh, sinh viên đến từ các trường phổ thông, đại học. Tất cả họ đều bày tỏ sự ngưỡng mộ về công trình có kiến trúc độc đáo, qua đó hiểu thêm về một giai đoạn lịch sử, cuộc sống của người dân vùng Gò Công nói riêng và vùng Nam bộ nói chung.
Đặc biệt, trong số các đoàn khách đến tham quan công trình này có những vị khách nước ngoài như A. Eilde đến tham quan ngày 1-5-2011; Y. Stephens…
Chưa có thống kê đầy đủ về số lượt khách đến tham quan Nhà Đốc phủ Hải từ khi mở cửa đón khách đến nay nhưng chắc chắn con số không nhỏ. Qua các bút tích để lại trong sổ lưu niệm Nhà Đốc phủ Hải, từ năm 2005 đến nay, có gần một trăm lượt đoàn khách, cá nhân đến tham quan, du khảo.
Ông Phan Văn Minh, người đang trông nom Nhà Đốc phủ Hải cho biết, từ khi vào làm bảo vệ nơi đây, ông không nhớ nỗi đã đón bao nhiêu đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan, du khảo. Và tất cả họ sau khi đến đều có chung cảm nhận: Đây là di tích kiến trúc đặc biệt, độc đáo, có giá trị nghệ thuật. Căn nhà này đã để lại ấn tượng rất tốt trong lòng khách đến tham quan, nhiều người trong số đó đến đây từ 2-3 lần.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.